Công tác chuẩn bị xuất khẩu vải tương đối thuận lợi. Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp đã đến tận các vùng trồng vải được cấp mã số để đặt hàng chuẩn bị cho công tác xuất khẩu mùa vải năm nay.
Mặc dù vậy, ông Hoàng Trung cũng dự kiến năm nay, sản lượng vải sẽ giảm khoảng 10% so với năm ngoái.
Theo ông Hoàng Trung, so với năm 2015, năm nay nhiều doanh nghiệp hướng tới thị trường Australia (thị trường này mất tới 10 năm đàm phán).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng quan tâm xuất khẩu vải sang Mỹ, EU và cả Đông Nam Á.
Mùa vải năm nay, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đi vào hoạt động sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí rất nhiều. Chẳng hạn để xuất khẩu sang Australia, nếu chiếu xạ ở miền Bắc và xuất đi, riêng chi phí đã giảm được 16 triệu đồng/tấn.
Cục Bảo vệ thực vật đang thúc đẩy các thủ tục để phía Australia công nhận Trung tâm chiếu xạ Hà Nội có thể xử lý quả tươi xuất khẩu tại phía Bắc.
Về thị trường lớn nhất là Trung Quốc, năm 2015, kể cả sản phẩm vải khô và tươi, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này hơn 100.000 tấn, chiếm 50-60% tổng sản lượng vải xuất khẩu.
Để đảm bảo vải được thông quan với thời gian ngắn nhất, ông Hoàng Trung cho biết, Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật ở Lào Cai và Lạng Sơn, tạo điều kiện tối đa thông quan, thậm chí khi vào vụ cao điểm có thể bố trí thêm cán bộ để không xảy ra tình trạng ách tắc 1 lô hàng nào.
Về phía địa phương, các tỉnh đã chủ động tổ chức hội nghị xúc tiến quả vải. Cục Bảo vệ thực vật cũng như các tỉnh đã chủ động làm việc với cơ quan kiểm dịch Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi nhất, tránh trường hợp ùn tắc.
Năm 2015 là năm đánh dấu hiệu quả trong hoạt động mở cửa thị trường xuất khẩu sản phẩm trái cây sang các thị trường khó tính. Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ hơn 3 tấn vải, 30 tấn đã được đưa sang thị trường Australia.
Nguồn: Bích Hồng/Vietnamplus.vn
Sản lượng quả vải có thể giảm khoảng 10% so với năm ngoái