Theo Hiệp hội Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê toàn cầu ước tính khoảng 169,6 triệu bao (loại 60 kg/bao), tăng 0,4% so với niên vụ trước.
Trong khi đó, lượng tiêu thụ ước tính khoảng 167,26 triệu bao, tăng 1,9% so với con số 164,13 triệu bao của niên vụ cà phê 2019-2020. Với triển vọng nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 và triển vọng phục hồi kinh tế thế giới, tiêu thụ dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Như vậy, dư thừa cà phê toàn cầu dự kiến giảm từ 4,87 triệu bao của niên vụ 2019-2020 xuống còn 2,34 triệu bao trong niên vụ 2020-2021. Điều này cho thấy cung – cầu cà phê thế giới ngày càng thắt chặt và xu hướng tăng giá cà phê hiện tại khả năng sẽ tiếp tục diễn ra.
Theo ICO, thời gian qua, nhiều bất ổn liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 và thời tiết bất lợi khiến nhiều nước Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil mất mùa đã đẩy giá cà phê tăng cao.
Trên sàn giao dịch London, ngày 28/9, giá cà phê robusta giao kỳ hạn tháng 11, tháng 1/2022 tăng lần lượt 5,1%, 6,7% so với ngày 28/8, lên mức 2.121 USD/tấn và 2.115 USD/ tấn.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm, cháy rừng, hạn hán, băng giá lần lượt đổ bộ và tàn phá vào Brazil khiến nông dân trồng cà phê mất trắng. Dự báo sản lượng cà phê của Brazil năm 2021 giảm hơn 25%, các doanh nghiệp bắt đầu vào cuộc chiến tranh giành nguồn cung.
Điều này thúc đẩy Brazil tính đến chuyện phát triển dòng cà phê robusta vì chi phí sản xuất rẻ, và dễ trồng hơn nhiều so với arabica, theo Reuters.
Còn tại Việt Nam, việc giãn cách xã hội khiến hoạt động chế biến và xuất khẩu cà phê bị trì hoãn. Cùng với đó, sương giá và thời tiết khắc nghiệt tại Brazil càng khiến thị trường lo ngại việc nguồn cung cà phê cho thế giới thời gian tới sẽ giảm mạnh. Điều này đã đẩy giá cà phê lên mức cao nhất trong 4 năm..
Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết hiện nay hàng tồn kho không thể bán đi được vì không thể thuê container và cước tàu quá cao.
"Trước đây, chỉ mất 5 - 10 ngày để vận chuyển xong một chuyến hàng sang các nước nhưng hiện nay phải mất tới 2 - 3 tháng mới vận chuyển xong. Chưa bao giờ hàng tồn kho nhiều như năm nay", ông Hiệp cho biết.
Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu dự báo thời gian tới giá cà phê toàn cầu tiếp tục tăng. Thế giới sắp bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2021 - 2022, nhưng tại Brazil, sản lượng được dự báo sẽ cho năng suất thấp theo chu kỳ hai năm một.
Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE), vụ cà phê 2021 của Brazil đã kết thúc với sản lượng ước đạt 48,9 triệu bao (loại 60 kg), giảm 21,2% so với vụ mùa năm 2020.
Theo dự báo của Cecafe, các tháng cuối vụ 2021 - 2022 có thể sẽ không còn cà phê dự trữ và có thể Brazil sẽ phải nhập khẩu cà phê từ các nước sản xuất khác.
Tại Việt Nam, yếu tố thời tiết thuận lợi hỗ trợ cho cây cà phê nâng cao năng suất trước khi bước vào vụ thu hoạch mới, nhưng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, vận chuyển mặt hàng.