Sau nhiều năm trở nên phụ thuộc hơn vào nguồn cung lúa mỳ dồi dào và giá rẻ từ Nga và Ukraine, những khách hàng tiêu thụ ngũ cốc nhiều nhất thế giới đang buộc phải tìm kiếm các nguồn cung khác khi việc nhập khẩu từ hai nước này đang gặp những trở ngại.
Các cảng của Ukraine đã đóng cửa và dù một số hợp đồng xuất khẩu ngũ cốc của Nga hiện vẫn được thực hiện, các nhà giao dịch và đại diện các công ty vận tải biển cho rằng chỉ có các thỏa thuận quy mô nhỏ hoặc không có thỏa thuận mới được khi do chưa rõ diễn biến của cuộc xung đột hiện nay ra sao, các biện pháp trừng phạt mới có thể được đưa ra và chi phí vận tải cũng như bảo hiểm tăng mạnh.
Hai nước chiếm hơn 25% lượng lúa mỳ xuất khẩu của toàn cầu, gần 20% lượng ngô và 12% lượng giao dịch tất cả các loại ngũ cốc trên toàn cầu. Giá lúa mỳ và ngô tăng mạnh trong phiên 28/2.
Chủ tịch công ty tư vấn Strategie Grains, Andree Defois, cho rằng nếu xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài trong ba đến bốn tháng tới, những tác động sẽ thực sự nghiêm trọng.
Cả Nga và Ukraine ghi nhận sản lượng và lượng xuất khẩu tăng mạnh trong thập kỷ qua và người nông dân trong khu vực nhìn chung có chi phí sản xuất thấp hơn so với các nhà cung cấp truyền thống hơn như Canada và Mỹ, điều đã khiến giá lúa mỳ giảm xuống.
Nhà phân tích Michael Magdovitz tại Rabobank cho rằng đây là điều khiến Nga và Ukraine trở thành "rổ bánh mỳ" của thế giới, là nguồn cung ngũ cốc giá rẻ cho nhiều nước.
Chiến dịch quân sự mà Nga triển khai tại Ukraine và hoạt động của các tàu trên Biển Đen bị xáo trộn đã khiến giá ngũ cốc biến động mạnh khi các nhà giao dịch đánh giá tác động đến các nguồn cung và hoạt động giao dịch. Giá lúa mỳ kỳ hạn tại Chicago tăng 23% trong tháng Hai và giá ngô cùng với đậu tương tăng khoảng 10%.
Những gián đoạn diễn ra khi giá ngũ cốc trên toàn cầu đã tăng mạnh do thời thiết xấu và các vấn đề của chuỗi cung ứng, khiến lạm phát và tình trạng đói nghèo gia tăng. Nếu Nga và Ukraine đứng ngoài thị trường ngũ cốc toàn cầu trong thời gian dài, những tác động đến nguồn cung và giá cả sẽ không nhỏ.
Ông Defois cho rằng, cho dù các cảng của Nga vẫn mở, nhiều nhà điều hành sẽ tránh Biển Đen. Các nhà nhập khẩu và nhập khẩu sẽ rất thận trọng trong các giao dịch với Nga.
Các nhà cung cấp khác có thể đóng vai trò lớn hơn và người mua đang tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Ấn Độ vốn không phải nước xuất khẩu nhiều về lúa mỳ nhưng được cho là sẽ xuất lượng lúa mỳ kỷ lục. Pháp, Đức và Mỹ có thể cũng tăng cường xuất khẩu.
Nguồn:bnews.vn