menu search
Đóng menu
Đóng

Thiếu nguồn cung, giá sắt thép, phân bón sẽ ở mức cao đến cuối năm

17:17 08/09/2021

Trong tháng 8, giá thép đã tương đối ổn định so với những tháng trước nhưng vẫn có thể tăng nhẹ vào thời điểm cuối quý III, đầu quý IV khi bước vào mùa xây dựng.
 
Giá một số mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân bón dự báo có thể tăng trong nửa cuối năm là yếu tố tác động đến đầu vào của sản xuất nông nghiệp. 
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực cũng như tình hình cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nhất là trong lĩnh vực thương mại, kinh tế trong nước và nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của Chính phủ sẽ chịu tác động. Rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới Việt Nam khi giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu tiếp tục ở mức cao như xăng dầu, gas, thép khiến giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tăng, gia tăng tỉ lệ “nhập khẩu lạm phát”. Đây là những yếu tố sẽ tác động chung đến lạm phát trong nước.
Theo Bộ Tài chính, một số chuyên gia cho rằng trong những tháng cuối năm, giá nhiên liệu (xăng dầu, LPG) khó có thể tăng đột biến. Lý do là mức giá hiện nay đã ở mức cao và yếu tố tâm lý khi lo ngại về biến chủng của virus lây lan mạnh ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi ngành sản xuất.
Tuy nhiên, giá một số mặt hàng nguyên liệu quan trọng là sắt thép, phân bón có thể tăng cao do thiếu hụt nguồn cung trên thế giới. Dù trong tháng 8 giá thép đã tương đối ổn định so với những tháng trước nhưng vẫn có thể tăng nhẹ vào thời điểm cuối quý III, đầu quý IV khi bước vào mùa xây dựng. Trong khi đó, phân bón có thể tăng trong nửa cuối năm và tác động ngược lại vào đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Yếu tố giá phân bón cộng thêm nhu cầu nhập khẩu của các thị trường cũng có thể đẩy giá gạo tăng nhẹ.
Giá thịt lợn cơ bản ổn định nhưng không loại trừ khả năng có thể tăng nhẹ trở lại do các yếu tố đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống ở mức cao. Tuy vậy, tốc độ tăng sẽ không lớn do nguồn cung dồi dào.
Ngoài yếu tố nội tại về nguồn cung, chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa trên thế giới tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá các loại hàng hoá xuất nhập khẩu, nhất là đối với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, tăng trưởng chủ yếu dựa trên xuất nhập khẩu. Rủi ro tiềm ẩn bong bóng tài sản đến từ thị trường bất động sản, chứng khoán nếu không có những biện pháp điều tiết phù hợp là các yếu tố tác động gián tiếp tới tâm lý tiêu dùng nói chung.

Nguồn:ndh.vn

Link gốc