menu search
Đóng menu
Đóng

Top đầu xuất khẩu thế giới nhưng thị phần cà phê Việt tại Singapore lại rất khiêm tốn

08:24 12/05/2024

Ảnh minh họa. Ảnh: ST

Mặc dù đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khá tốt những năm gần đây nhưng thị phần của cà phê Việt Nam tại Singapore còn rất khiêm tốn so với các đối tác khác trong khu vực. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu cà phê từ Singapore có chiều hướng tăng lên.
Cà phê Việt Nam chiếm 2,22% thị phần
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, số liệu của Cơ quan quản lý Doanh nghiệp Singapore cho thấy, trong năm 2023, Singapore đã nhập khẩu cà phê từ 84 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch khoảng 142,4 triệu SGD, giảm 5,57% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 15 nước xuất khẩu cà phê hàng đầu vào thị trường Singapore, Malaysia và Indonesia lần lượt là 2 nước chiếm thị phần cao nhất, tiếp theo là Thụy Sỹ xếp thứ 3, Đức xếp thứ 4, Brazil xếp thứ 5.
Mặc dù có sự xáo trộn về thị phần qua các năm nhưng 3 đối tác là Malaysia, Indonesia và Thụy Sỹ luôn giữ 3 vị trí dẫn đầu, với gần 50% tổng thị phần tại Singapore. Malaysia hiện đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần cà phê Arabica trong khi Indonesia chiếm ưu thế hoàn toàn đối với các loại cà phê Robusta. Đối với cà phê rang xay nói chung, Thụy Sỹ hiện là đối tác giữ thị phần cao nhất. Việt Nam là đối tác xuất khẩu cà phê thứ 9 tại thị trường Singapore với thị phần khá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 2,22%.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, mặc dù đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khá tốt những năm gần đây nhưng thị phần của cà phê Việt Nam tại Singapore còn rất khiêm tốn so với các đối tác khác trong khu vực. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu cà phê từ Singapore có chiều hướng tăng lên, thậm chí đã vượt giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023, cho thấy doanh nghiệp cà phê Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến thị trường Singapore. Trong khi đó, nhu cầu trong nước đối với một số loại cà phê không phải thế mạnh của Việt Nam (như Arabica) ngày càng tăng cao khiến Việt Nam phải nhập những loại này từ các thị trường khác, trong đó có Singapore, vốn có thế mạnh trong nhập khẩu, chế biến, đóng gói rồi tái xuất sang nước thứ ba.
Nhiều tiềm năng xuất khẩu
Phân tích tiềm năng thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Singapore thông tin, mặc dù quy mô dân số nhỏ, nhưng giá trị nhập khẩu cà phê của Singapore tương đối cao (140-150 triệu SGD/năm), tương đương quy mô xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Thái Lan hoặc Indonesia. Trong khi đó các sản phẩm cà phê của Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Singapore mới chiếm khoảng 2,2% thị phần, con số này cho thấy tiềm năng của thị trường Singapore đối với cà phê Việt Nam còn khá lớn. Ngoài nhu cầu tiêu dùng nội địa, Singapore còn là trung tâm thương mại trung chuyển hàng đầu khu vực, nếu khai thác tốt sẽ giúp mặt hàng cà phê Việt Nam xuất khẩu sang các nước thứ ba.
Hiện nay, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đang tích cực kết nối với các doanh nghiệp cà phê của Việt Nam để đưa các thông tin mặt hàng mà các nhà nhập khẩu Singapore đang tìm kiếm; kết nối với hiệp hội các ngành công nghiệp, thương mại của Singapore để hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại địa bàn.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng cà phê sang thị trường Singapore nói riêng và thị trường thế giới nói chung, cần sự quan tâm hỗ trợ của các bộ ngành, địa phương, sự chung tay của các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và trực tiếp tham gia hội chợ triển lãm quốc tế tại Singapore được coi là một trong những cách tiếp cận địa bàn tốt nhất.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, trong tháng 6 năm 2024, dự kiến sẽ có gian hàng Việt Nam tại một số hội chợ triển lãm tại Singapore.
Trong nước, là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp các sản phẩm cây công nghiệp, trong đó có cà phê, tỉnh Đắk Lắk đang tập trung nâng cao hàm lượng công nghệ, các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến nhằm gia tăng giá trị sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, công tác xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá đến các thị trường tiềm năng được chú trọng. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong vùng có thể liên kết và hợp tác với nhau, tạo thành những chuỗi cung ứng hiệu quả và cạnh tranh.
Tại Buôn Mê Thuột, một điểm nổi bật trong chính sách phát triển thành phố Buôn Ma Thuột là xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái và khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia. Thành phố Buôn Ma Thuột đang phấn đấu tạo ra một danh tiếng toàn cầu, là nơi thu hút không chỉ những người yêu cà phê mà còn là những tín đồ của văn hóa và du lịch bền vững, là những bước đi quan trọng trong hành trình phát triển thành phố Buôn Ma Thuột – điểm đến của cà phê thế giới.

Nguồn:Ngọc Linh/HQ Online

Link gốc