Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong tháng 9/2023, XK cá tra Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương lần đầu kể từ đầu năm nay, với giá trị gần 167 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế XK cá tra Việt Nam 9 tháng đầu năm nay đạt gần 1,4 tỷ USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm XK chủ lực vẫn là cá tra thuộc mã 0304 (trừ sản phẩm chả cá và surimi) đạt 1,1 tỷ USD trong 9 tháng năm nay, chiếm 82% tỷ trọng. Riêng tháng 9/2023, XK sản phẩm này sang các thị trường đạt 135 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giảm thấp nhất ghi nhận từ đầu năm nay. Theo sau đó là các sản phẩm cá tra sống, tươi, đông lạnh khô (thuộc mã 03) (trừ cá thuộc mã 0304) đạt 222 triệu USD, chiếm 16% tỷ trọng và cá tra chế biến khác (thuộc mã 16) đạt 22 triệu USD, chiếm 2% tỷ trọng.
Về thị trường tiêu thụ, tháng 9/2023, XK cá tra Việt Nam sang một số thị trường chính đã ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số như Trung Quốc và Hồng Kông, EU, Brazil, Mexico,... Ngoài ra, các thị trường Mỹ, CPTPP, Hàn Quốc, Singapore,.. vẫn ghi nhận sụt giảm từ 3% - 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 9/2023, Trung Quốc và Hồng Kông nhập khẩu 56 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 9/2023, kim ngạch XK sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 434 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc và Hồng Kông liên tục dẫn đầu top các thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam từ năm 2019 đến nay và là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam.
Đứng thứ 2 về nhập khẩu cá tra Việt Nam là Mỹ, chỉ tính riêng tháng 9/2023, quốc gia này đã mua gần 23 triệu USD cá tra Việt Nam, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tồn kho cao ở Mỹ là khó khăn lớn nhất khiến giá trị XK sang thị trường này liên tục sụt giảm từ đầu năm nay. Lũy kế XK cá tra sang cường quốc này trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 207 triệu USD, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2022.
Là một trong số những thị trường ghi nhận tăng trưởng dương trong tháng 9/2023, EU cho thấy nhu cầu tại các quốc gia trong khối không hề giảm. Tháng 9 năm nay, EU tiêu thụ hơn 14 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 9% so với tháng trước đó.
Tính chung trong 9 tháng năm 2023, EU nhập khẩu 129 triệu USD cá tra, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá trị XK tăng trưởng dương trở lại vào tháng 9/2023, EU đang dần trở lại cuộc đua về nhập khẩu cá tra từ Việt Nam.
Riêng đối với thị trường CPTPP, mặc dù XK vẫn giảm, nhưng mức giảm đã thu hẹp xuống 4% trong tháng 9/2023 khi kim ngạch XK cá tra sang thị trường này đạt 21 triệu USD. Đây cũng là mức giảm thấp nhất của khối thị trường này kể từ đầu năm nay. Đáng chú ý, một số thị trường trong khối CPTPP ghi nhận tăng trưởng dương từ 10% - 70% như Nhật Bản, Mexico, New Zealand,...
Tháng 9/2023, XK cá tra sang một số thị trường chính đã có dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài sụt giảm. Đây là một trong những tín hiệu tích cực trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.
Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, trong số các thị trường chủ lực nhập khẩu cá tra của Việt Nam, thị trường Trung Quốc vẫn là kỳ vọng lớn nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay. Sau khi nước này tái mở cửa hoàn toàn, hoạt động giao thương đang dần trở lại bình thường. Kỳ vọng kinh tế Trung Quốc ổn định hơn trong những tháng cuối năm, thu nhập và tiêu dùng của người dân nước này phục hồi sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản, VASEP cho biết.
Các doanh nghiệp XK cá tra kỳ vọng, tín hiệu phục hồi trong tháng cuối quý 3/2023 sẽ tạo đà cho XK cá tra Việt Nam trong quý cuối của năm nay.