Gạo 5% tấm của Ấn Độ giá giảm 3 USD/tấn xuống 404 – 408 USD/tấn.
Đồng rupee tiếp tục giảm tạo cơ hội để các nhà xuất khẩu Ấn Độ giảm giá xuất khẩu hàng hóa (tính theo USD). Đồng rupee đã giảm khoảng 6% từ đầu năm 2018 tới nay, hiện xuống mức thấp nhất 16 tháng. Nhờ đó gạo Ấn Độ trở nên có sức hấp dẫn trên thị trường quốc tế.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ đã tăng 18% lên kỷ lục cao 12,7% trong tài khóa 2017/18 (kết thúc vào 31/3) do nhu cầu (gạo non-basmati) mạnh sang các thị trường Bangladesh, Benin và Sri Lanka.
Tuy nhiên, phía Bangladesh cho biết trong thời gian tới họ sẽ không mua với khối lượng lớn nữa vì “dự trữ của Chính phủ đã cải thiện đáng kể”, một lãnh đạo của Bộ Lương thực Bangladesh cho biết.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá tăng lên 460-465 USD/tấn, từ mức 455 -460 USD/tấn cách đây một tuần. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/2014.
“Tin Indonesia có kế hoạch mua thêm 500.000 tấn góp phần đẩy giá gạo tăng, trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp và mới đây Philippines cũng vừa chào mua gạo”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết. “Indonesia dự kiến sẽ làm việc trực tiếp với Tổng công ty lương thực miền nam VN và Tổng công ty lương thực miền Bắc Việt nam để mua gạo của các doanh nghiệp tư nhân, chứ không mở một cuộc đấu thầu”.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm nhẹ xuống 435-440 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 435-445 USD/tấn cách đây một tuần, do baht yếu đi.
Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết, nhu cầu chậm song họ hy vọng giá giảm sẽ hấp dẫn được khác hàng. “Thị trường vẫn trầm lắng, nhưng giá hiện đang giảm, đó là cơ hội để bán được hàng”.
Thái Lan sẽ mở bán đấu giá 43.700 tấn gạo dự trữ (đủ chất lượng làm lương thực cho người) còn lại vào hôm nay (18/5). 2 triệu tấn gạo chất lương thấp hơn sẽ được bán đấu giá trong tháng tới.
Những thông tin liên quan
Indonesia nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo
Bộ Thương mại Indonesia vừa quyết định cho phép Cơ quan Hậu cần Quốc gia (Bulog) nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo trong năm 2018 sau khi đã cho phép nhập khẩu lượng tương đương hồi đầu năm. Lượng gạo này sẽ được nhập khẩu từ nhiều nước như: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Ấn Độ và Pakistan, được kỳ vọng sẽ giúp giảm giá gạo nội địa, hiện vẫn đang cao hơn mức giá trần do chính phủ ấn định, ông Oke cho hay. “Chúng tôi ủy quyền cho Bulog nhập khẩu 500.000 tấn gạo từ nay đến tháng 7/2018”. Chính phủ Indonesia đã nhập khẩu 500.000 tấn gạo hồi đầu năm để giảm nhiệt giá gạo nội địa,
Quyết định nhập khẩu gạo này làm dấy lên tranh cãi do Bộ Nông nghiệp trước đó tuyên bố rằng Indonesia sản xuất đủ gạo để đáp ứng nhu cầu nội địa. Lãnh đạo cơ quan an ninh lương thực thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia Agung Hendiardi cho biết quyết định nhập khẩu thêm gạo nhằm đảm bảo tính sẵn có của mặt hàng lương thực thiết yếu này trên thị trường bởi giá bán lẻ gạo tại các khu vực Java, Lampung, South Sumatra, Bali. West Nusa Tenggara và Sulawesi vẫn cao hơn mức giá trần 9.400 Rupiah/kg do chính phủ ấn định.
Chủ tịch mới của Bulog, ông Budi Waseso tuyên bố ông có thể đảm bảo gạo luôn sẵn có trên thị trường bởi dưới sự lãnh đạo của ông, cơ quan này sẽ không còn can thiệp vào hoạt động thị trường gạo, một cơ chế sử dụng để đẩy giá giảm khi nguồn cung gạo xảy ra khan hiếm. “Dưới sự lãnh đạo của tôi, sẽ không cần thiết phải can thiệp vào thị trường – hoạt động khiến Bulog luôn luôn là người chữa cháy. Tôi muốn gạo luôn luôn sẵn có trên thị trường”, ông Budi phát biểu trước báo giới gần đây. Để ngăn chặn tình trạng khan hiếm gạo, ông Budi cho biết các kho gạo của Bulog sẽ luôn có sẵn gạo.
Trung Quốc giảm diện tích trồng lúa gạo
Trung Quốc kế hoạch năm 2018 sẽ giảm 10 triệu mu (khoảng 666.600 ha) trồng lúa gạo xuống còn 440 triệu mu (khoảng 29,3 triệu ha).
Sản lượng lúa quý 2/2018 của Philippines giảm 3,1%
Theo cơ quan thống kê Philippines, sản lượng lúa của nước này giảm 3,1% trong quý 2/2018 so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu do diện tích sản xuất giảm và không đủ nguồn cung nước cho sản xuất lúa. Cơ quan Thống kê Philippines cho biết sản lượng lúa quý 2/2018 đạt 4,022 triệu tấn, so với 4,15 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2017. Philippines thường phải nhập khẩu gạo, hiện đang mua 500.000 tấn gạo từ 2 đợt đấu thầu riêng rẽ trong tháng 5/2018 để tăng cường các kho dự trữ đang cạn kiệt. Thái Lan và Việt Nam thắng thầu cung ứng một nửa lượng gạo trên từ đợt đấu thầu hồi đầu tháng.
Bộ Ngoại thương Thái Lan xúc tiến thương mại gạo tại Malaysia, Indonesia
Bộ Ngoại thương Thái Lan hợp tác với Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đang xúc tiến mở rộng thị trường gạo Thái tại Malaysia và Indonesia. Lãnh đạo cơ quan ngoại thương Adul Chotinisakorn cho biết cả Malaysia và Indonesia đều được dự báo sẽ tăng nhập khẩu gạo từ Thái Lan và đây là tín hiệu tích cực cho mùa thu hoạch lúa gạo sắp tới.
Xuất khẩu gạo Pakistan tăng 27% lên 1,57 tỷ USD từ 7/2017 – 4/2018
Trong 10 tháng đầu năm tài khóa hiện tại, tính từ tháng 7/2017 – 4/2018, xuất khẩu gạo Pakistan tăng 27% so với cùng kỳ năm trước lên 1,57 tỷ USD do xuất khẩu gạo sang Indonesia, Kenya và các thị trường khác tăng. Xuất khẩu gạo trong cùng kỳ năm tài khóa trước đạt 1,23 tỷ USD. Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu gạo non-basmati lớn nhất của Pakistan.