menu search
Đóng menu
Đóng

TT trái cây: Hạt dẻ Trùng Khánh vào mùa, măng cụt Lái Thiêu tự tin xuất ngoại

15:30 21/10/2019

Vinanet - Dẫn nguồn tin Báo Nông nghiệp Việt Nam, hiện hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng) đang vào mùa chín rộ, với vị ngọt, bùi rất riêng biệt khác với các loại hạt dẻ của Trung Quốc và Lạng Sơn và rất hấp dẫn bất cứ ai lần đầu thưởng thức.
Nhờ điều kiện tự nhiên đặc thù của khu vực địa lý, phân bố ở các sườn đồi có độ cao khoảng 450 - 600m, xung quanh được bao bọc bởi núi đá vôi tạo nên khí hậu mát mẻ quanh năm thích hợp cho sự phát triển và sinh trưởng của cây dẻ, đặc biệt là thời kỳ ra hoa.
Vào khoảng tháng 9, 10 hàng năm thời điểm hạt dẻ chín rộ. Lúc này, quả dẻ sẽ tách vỏ và rơi xuống đất. Người trồng mỗi sáng chỉ việc ra vườn dùng một dụng cụ để gắp dẻ rồi mang về.
Mỗi quả sẽ có từ 2 - 3 hạt, to khoảng như ngón chân cái. Sau khi tách hạt, dùng dao hoặc kéo cắt đầu hạt thành hình chữ thập, rồi đem luộc sơ qua từ 40 - 45 phút. Cuối cùng đem rang qua chảo, khi thấy mùi thơm thoang thoảng là có thể ăn được ngay.
Một gia đình trồng dẻ từ năm 1997 với khoảng 200 cây chia sẻ, sau khi cây phát triển và cho thu hoạch, thấy khoảng cách trồng gần quá làm cây phát triển kém nên đã chặt đi một nửa số cây. Mỗi năm cho khoảng hơn 1 tấn quả, thu nhập trung bình khoảng 100 triệu đồng. Năm nay mưa nhiều, kéo dài suốt từ tháng 5 nên tỷ lệ đậu quả thấp. Thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày thu được cả tạ hạt. Nhưng năm nay mất mùa, đi nhặt cả sáng mới được khoảng chục kg, không đủ cung cấp theo đặt hàng của khách.
Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trùng Khánh cho biết, khoảng đầu những năm 2000, huyện đã đưa một số hộ dân sang thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để tham quan, học tập mô hình trồng dẻ của nước bạn. Theo kinh nghiệm, để ươm được cây dẻ cần lấy hạt nằm ở giữa 3 hạt thì cây mới phát triển tốt.
Nếu trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật khoảng 4 năm sẽ cho thu hoạch. Cây dẻ có thể cho quả vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Với giá bán hiện nay khoảng hơn 100 nghìn đồng/kg, nếu mỗi hộ dân trồng từ vài chục đến hàng trăm cây sẽ cho thu nhập khá, thậm chí hàng trăm triệu đồng/năm.
Với tiềm năng của cây hạt dẻ, Đại hội Đảng bộ huyện Trùng Khánh nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định dẻ là cây trồng đặc sản có nguồn gốc bản địa cần đẩy mạnh khai thác. HĐND huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ, phát triển cây hạt dẻ gắn với quảng bá du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao.
Tại các xã vùng quy hoạch như Đình Minh, Phong Châu, Chí Viễn, Khâm Thành, Ngộc Côn, Ngọc Khê… đã giao chỉ tiêu trồng mới mỗi xã từ 15 - 30ha với phương thức nhà nước hỗ trợ giống, có nghiệm thu tỷ lệ mọc, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đến nay, toàn huyện Trùng Khánh có hơn 200ha trồng dẻ, trong đó hơn 170ha đang cho thu hoạch. Mấy năm gần đây, toàn huyện trồng mới khoảng 70ha. Nhưng đáng tiếc là có nhiều hộ gia đình trồng xong không quan tâm chăm sóc tốt nên để cây chết, phát triển kém hoặc bị trâu bò phá hoại.
Theo Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã tăng cường trồng mới diện tích hạt dẻ. Chú trọng công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tiềm năng của cây dẻ đối với phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt là giúp người dân hiểu rõ, coi hạt dẻ như cây ăn quả để quan tâm đến công tác chăm sóc, giúp cây phát triển tốt, đem lại sản lượng cao, thu nhập ổn định cho người dân.
Cũng theo nguồn tin từ Báo Nông nghiệp Việt Nam, măng cụt Lái Thiêu tự tin xuất khẩu.
Không chỉ là nơi quy tụ nhiều khu công nghiệp, thị xã Thuận An – Bình Dương còn là mảnh đất trù phú với nhiều loại cây trái đặc thù miền Đông Nam Bộ. Riêng măng cụt Lái Thiêu đã trở thành một thương hiệu được biết đến trong và ngoài nước. Hiện tại, người dân vùng này rất tự tin khi măng cụt xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Măng cụt Lái Thiêu - “nữ hoàng trong vương quốc trái cây”.
Được bồi đắp phù sa của sông Sài Gòn, cộng với hệ thống thủy lợi được đầu tư bài bản, người làm vườn tại Thuận An rất tự hào về những sản phẩm trồng trọt của họ, nhất là trái măng cụt được mệnh danh “nữ hoàng” trong vương quốc trái cây.
Gọi là măng cụt Lái Thiêu, nhưng loại trái cây này không chỉ được trồng trên diện tích nhỏ hẹp của phường Lái Thiêu đang thịnh vượng mua bán như một khu vực trung tâm của thị xã Thuận An. Măng cụt Lái Thiêu được trồng nhiều nhất tại xã An Sơn và rải rác ở các phường Bình Nhâm, Cầu Ngang, Hưng Định, An Thạnh…
Một thách thức mà măng cụt Lái Thiêu đang phải đối mặt là tốc độ đô thị hóa. Nằm giữa TP.HCM và thành phố Thủ Dầu Một, giá đất ở Thuận An tăng vọt theo nhu cầu giãn dân. Dù không đắt đỏ như giá đất ở phường Lái Thiêu, nhưng giá đất ở các phường khác cũng đầy… khiêu khích cho mơ ước rời bỏ ruộng vườn để làm giàu nhanh chóng của nhiều người.
Tháng 11 âm lịch, măng cụt ra hoa và 5 tháng sau thì chín rộ khắp vườn. Trung bình, mỗi ha măng cụt thu được 2,9 tấn trái. Tuy nhiên, giá bán măng cụt lại dao động khác nhau, phụ thuộc vào mức độ trái chín mà nhà vườn thu hái. Mùa măng cụt 2019 vừa qua, đầu vụ giá 80 ngàn đồng/kg, giữa vụ 40 ngàn đồng/kg, cuối vụ lại lên 110 ngàn đồng/kg. Dù vậy, giá măng cụt Lái Thiêu vẫn cao nhất so với măng cụt từ những vùng khác.
Theo nhận định của Giám đốc công ty trái cây Navifood, đưa măng cụt Lái Thiêu vào thị trường chính ngạch Trung Quốc cũng là một cơ hội cho các chủ vườn trên địa bàn thị xã Thuận An. Giá xuất khẩu dĩ nhiên sẽ cao hơn giá trong nước, đồng thời cũng giúp chủ vườn không bị ép giá vào giữa vụ măng cụt chín rộ. Tuy nhiên, để có số lượng lớn phục vụ xuất khẩu thì phải có kế hoạch cụ thể để hợp tác đặt hàng với các chủ vườn.

Nguồn: VITIC