Theo thông tin từ
Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá và dự tính con số này sẽ lên đến 70.000 người vào năm 2030. Chính vì vậy, cần có các giải pháp can thiệp mạnh tay từ phía cơ quan chức năng và sự thay đổi trong hành vi của người dân. Trong đó, truyền thông về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người được xác định là giải pháp chủ yếu và cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Tại Quyết định 229 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” cũng đã xác định: “Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp chủ đạo”.
Với mục tiêu hết năm 2020, tỷ lệ người hút thuốc ở Việt Nam giảm xuống dưới 39%, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các ban ngành, cơ quan, đơn vị cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức; tuyên truyền về mô hình, tấm gương cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quy định về môi trường không khói thuốc…
Công tác truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá cần được nỗ lực triển khai từ tuyến trung ương đến các địa phương, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bao gồm cả báo hình, báo viết, các trang mạng xã hội.
Nội dung truyền thông gồm: chính sách pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tác hại của thuốc lá với sức khỏe của người sử dụng và những người khác không sử dụng thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc lá; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; các biện pháp cai nghiện thuốc lá, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá và môi trường sống không có khói thuốc lá. Vận động Nhân dân không sử dụng thuốc lá trong đám cưới, đám tang và các cuộc vui của gia đình, bản làng… Qua đó, người dân nắm bắt những kiến thức cơ bản phòng, chống tác hại thuốc lá để chủ động thực hiện.
Thông qua hình thức tuyên truyền này, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, mối nguy hại của thuốc lá với sức khoẻ con người cũng như các sáng kiến, giải pháp, mô hình thiết thực về phòng, chống tác hại thuốc lá được truyền tải và được người xem đón nhận. Nhờ tác động tích cực của truyền thông, nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp chiến dịch tuyên truyền, nhận thức về tác hại của hút thuốc và hút thuốc lá thụ động của người dân đã được nâng cao.
Nguồn:VITIC (Ph. Hòa)