Nhiều người vẫn lầm tưởng thuốc lá điện tử không gây hại vì khi hút vào không tỏa ra khói hay chứa mùi khó chịu như hút thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của nó chẳng kém gì thuốc lá điếu thông thường. Thuốc lá điện tử gây nghiện, ảnh hưởng phát triển não bộ của trẻ em và thanh thiếu niên. Có 25 căn bệnh liên quan sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi…
Đáng lo ngại, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là trong giới trẻ. Theo điều tra, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13 đến 15 tuổi đã tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023, trong đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm trẻ từ 15 đến 24 tuổi là 7,3%.
Nguyên nhân khiến học sinh tiếp cận thuốc lá điện tử
Với đặc điểm tâm sinh lý tuổi dậy thì, tuổi mới lớn, các em muốn “nổi loạn”, muốn thể hiện và khẳng định bản thân đã trưởng thành và giống với người lớn. Ngoài ra, học sinh tìm đến thuốc lá điện tử còn do sự tò mò, kích thích, dễ bị thu hút bởi những điều mới lạ và muốn thử nghiệm bản thân.
Nhiều học sinh cũng thường bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, thậm chí ép buộc sử dụng thuốc lá điện tử. Các em lựa chọn hút thuốc lá điện tử như là cách để hoà đồng với bạn bè, sợ bị bạn bè xa lánh, cô lập. Đặc biệt rất nhiều học sinh chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe, đại đa số học sinh nghĩ rằng chỉ có thuốc lá truyền thống mới độc hại còn thuốc lá điện tử thì không, nên không chỉ bản thân hút mà còn lôi kéo bạn bè khác cùng hút.
Bên cạnh đó là sự thiếu quan tâm của bố mẹ, gia đình dành cho con cái. Các em tìm đến thuốc lá điện tử hay chất gây nghiện như là một cách để giải tỏa những căng thẳng, stress trong cuộc sống và trong học hành.
Các biện pháp giúp học sinh tránh xa thuốc lá điện tử
Các trường học cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục các em học sinh về tác hại của thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử trong các buổi sinh hoạt ở trường, ở lớp nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh. Đây là biện pháp hữu hiệu giúp các em hạn chế tiếp xúc, sử dụng thuốc lá điện tử.
Cần sự phối hợp quản lý học sinh chặt hơn nữa giữa nhà trường và phụ huynh, thực hiện ba quản là: quản thời gian, quản tiền bạc, quản quan hệ của con. Giờ tan trường nhắc nhở các em về nhà ngay, không tụ tập trước cổng trường, vì có thể tiếp xúc với người hút thuốc lá điện tử, với sự tò mò của trẻ nhỏ sẽ dễ hút thử, nhiều lần sẽ gây nghiện.
Khi phát hiện học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, trước hết thầy, cô giáo cần giữ bình tĩnh và gặp riêng học sinh để lắng nghe, nắm bắt nhận thức của học sinh về thuốc lá điện tử, lý do học sinh sử dụng thuốc lá điện tử.
Để phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử đối với học sinh, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của nhà trường, giáo viên, nhân viên trong việc tìm hiểu tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh, đồng thời phối hợp giáo dục, định hướng các em nhận thức được tác hại đối với sức khỏe và tương lai, từ đó các em thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp.
Nguồn:VITIC tổng hợp