menu search
Đóng menu
Đóng

Nói “KHÔNG” với thuốc lá để bảo vệ răng miệng của bạn và những người xung quanh!

15:41 10/11/2020

Hút thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến răng miệng

Răng miệng là một phần quan trọng làm nên sự hoàn thiện trong cơ thể của con người. Là người hút thuốc trực tiếp hay hút thuốc thụ động thì bộ phận răng miệng của bạn cũng chịu những tác động tiêu cực.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng
Hút thuốc lá làm kích thích các tế bào biểu mô niêm mạc lưỡi, má, sàn miệng và các vị trí khác ở miệng và họng tạo ra các tổn thương tiền ung thư (leukoplakia) rồi tiến triển thành ung thư biểu mô (squamous cell carcinoma).
Có khoảng 90% số người bị ung thư miệng, môi, lưỡi và cổ họng do hút thuốc. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 6 lần so với người không hút, theo nguồn tin Nha Khoa Viễn Đông. Người mẹ hút thuốc trong lúc mang thai có nguy cơ sinh con bị dị tật môi và vòm miệng cao cấp 2 lần so với bình thường.
Hút thuốc lá gây ra bệnh nha chu
Thuốc lá làm tăng mức độ nặng và lan rộng của bệnh vùng quanh răng. Hút thuốc làm giảm lưu lượng máu và tế bào miễn dịch tạo điều kiện cho vi khuẩn Porphyromonas Gingivalis gây bệnh quanh răng, dẫn đến tiêu xương hàm.
Những người hút thuốc có nguy cơ bị viêm lợi nhiều hơn, có nhiều mảng bám răng và cao răng ở cả trên và dưới lợi. Người trẻ hút thuốc nhiều có nguy cơ bị viêm lợi hoại tử loét - một loại bệnh nặng và có thể dẫn đến mất răng. Những người có sức khỏe tốt mà hút thuốc kéo dài nhiều năm sẽ có nguy cơ bị viêm quanh răng mạn tính, bệnh tiến triển từ từ làm lung lay nhiều răng.
Hút thuốc lá có thể gây rối loạn vị giác
Vị giác của người hút thuốc bị thay đổi bởi khói và các chất hóa học có trong thuốc lá, mức ảnh hưởng càng tăng nếu dùng thuốc lá càng nhiều. Người hút thuốc có xu hướng ăn mặn hơn người không hút thuốc và mất dần cảm giác ngon miệng.
Khói thuốc trong miệng người hút sẽ gây ảnh hưởng đến các nụ nếm ở giữa các rãnh của lưỡi khiến chúng yếu đi và nhanh chóng biến mất dù chưa kết thúc chu kỳ vòng đời của nụ nếm. Sau một thời gian hút thuốc, bạn sẽ mất cảm giác nếm vị đắng khi uống cà phê, về lâu dài sẽ làm mất dần cảm nhận trên lưỡi với những món ăn khác.
Hút thuốc lá ảnh hưởng tới việc lành vết thương sau phẫu thuật và chấn thương
Thuốc lá là một chất gây co mạch ngoại vi làm giảm cung cấp máu đến vùng có vết thương. Các-bon monoxit và các chất hóa học có trong khói thuốc ức chế các quá trình sinh học làm lành vết thương, làm giảm chức năng của bạch cầu khiến bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn. Hút thuốc còn làm giảm tốc độ lưu chuyển máu trong mao mạch ngoại vi, làm chậm hình thành cục máu đông sau khi nhổ răng, phẫu thuật…
Ngoài ra, hút thuốc lá còn gây hôi miệng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi cười do răng bị ố vàng, nhiều cao răng và mảng bám, hàm răng không đều dẫn đến kém tự tin khi giao tiếp.
Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một môi trường sống khỏe mạnh. Hãy từ bỏ thuốc lá ngay hôm nay để cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn.
Ph.Hòa (Theo nhakhoaviendong, nhakhoavietsmile, suckhoedoisong, vtv)

Nguồn:VITIC