Những phát hiện bất ngờ này được công bố trên tạp chí Nature cho thấy một số ít tế bào thoát khỏi tổn thương có thể giúp phổi phục hồi. Điều này cũng được phát hiện ngay ở cả những bệnh nhân đã hút một gói thuốc mỗi ngày trong 40 năm liền trước khi từ bỏ.
Hàng nghìn chất hóa học trong khói thuốc làm hỏng và gây đột biến DNA trong tế bào phổi của con người, từ từ biến đổi các tế bào này từ khỏe mạnh thành ung thư. Điều đó xảy ra trên quy mô lớn trong phổi của một người hút thuốc trước khi họ bị ung thư. Phần lớn các tế bào lấy từ đường hô hấp của người hút thuốc đã bị thuốc lá làm đột biến, mỗi tế bào chứa tới 10.000 biến đổi gen.
Tiến sĩ Kate Gowers, một nhà nghiên cứu tại UCL, cho biết: “Các tế bào này có thể được coi như những quả bom hẹn giờ nhỏ, chờ đợi các cú đánh tiếp theo khiến tiến triển thành ung thư”.
Tuy nhiên, một phần nhỏ tế bào không bị tổn thương. Hiện chưa rõ chính xác cách một phần nhỏ tế bào này tránh được sự tàn phá dây truyền do hút thuốc gây ra nhưng các nhà nghiên cứu cho biết chúng dường như "tồn tại trong một boongke hạt nhân". Tuy nhiên, sau khi một người bỏ thuốc lá, chính các tế bào này sẽ phát triển và thay thế các tế bào bị tổn thương trong phổi.
Ở những người bỏ thuốc lá, có tới 40% tế bào của họ trông giống như tế bào của những người chưa bao giờ hút thuốc. "Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ trước phát hiện này", Tiến sĩ Peter Campbell thuộc Viện Sanger, nói với BBC News: "Có một quần thể loại tế bào này bổ sung một cách kỳ diệu cho lớp niêm mạc của đường thở. Một trong những điều đáng chú ý là ở những bệnh nhân đã bỏ thuốc, ngay cả sau 40 năm hút thuốc, đã tái tạo các tế bào hoàn toàn như không bị tổn thương do tiếp xúc với khói thuốc lá".
Động lực để bỏ thuốc lá
Các nhà nghiên cứu vẫn cần đánh giá thêm mức độ phục hồi của phổi. Nghiên cứu này tập trung vào các đường hô hấp chính hơn là các cấu trúc nhỏ như phế nang, có vai trò lọc oxy từ không khí khi phổi hít thở. Mỗi năm, nước Anh phát sinh khoảng 47.000 trường hợp ung thư phổi và gần 3/4 trong số đó là do hút thuốc lá.
Nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi giảm đáng kể sau ngày bỏ thuốc lá, đơn giản là vì tránh được bất kỳ đột biến nào khác do hút thuốc gây ra. Tiến sĩ Rachel Orritt thuộc Viện Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, cho biết: "Đây thực sự là một điều tốt, thúc đẩy mọi người ngừng hút thuốc để có thể nhân đôi lợi ích: ngăn ngừa nhiều tổn thương đối với các tế bào phổi do thuốc lá gây ra và cũng cho phổi cơ hội phục hồi một số tổn thương khác để có các tế bào khỏe mạnh hơn".
L. Giang (Theo bbc)
Nguồn:VITIC