menu search
Đóng menu
Đóng

Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong giáo dục giúp con em mình tránh xa thuốc lá điện tử

10:00 17/10/2024

Ảnh minh họa

Hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi đang có xu hướng tăng nhanh với diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Đây là điều đáng báo động khi loại hình thuốc lá này đang ngày càng “tấn công” vào các trường học dưới các hình thức bắt mắt như dạng USB, bút, hoặc dạng hình khẩu súng… với nhiều hương vị hấp dẫn như hương vani, nước hoa, các loại hoa quả.... Việc này đã gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, hành vi, lối sống của thanh thiếu niên.
 
Tổ chức Y tế thế giới WHO cảnh báo, không có ngưỡng an toàn cho việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và không có một loại thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe con người. Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không phải là sản phẩm ít độc hại hơn thuốc lá thông thường và cũng không phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá. Có thể khẳng định rằng, thuốc lá điếu thông thường hay thuốc lá thế hệ mới đều có hại cho sức khỏe con người và là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Để giúp con em mình tránh xa thuốc lá điện tử thì điều các cha mẹ nên làm là cùng con tìm hiểu về tất cả những thông tin liên quan đến thuốc lá điện tử, như: thuốc lá điện tử là gì? Sự khác nhau giữa thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử; các hóa chất có trong thuốc lá điện tử; các loại hình dáng, hương vị của nó… đặc biệt là giúp con hiểu được tác hại của nó ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào.
Cha mẹ cần giáo dục ý thức đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống cho con để con tránh xa cạm bẫy do bạn bè rủ rê, lôi kéo thử dùng thuốc lá điện tử. Ngoài học tập, các con cũng cần tham gia vào những hoạt động khác như: chơi thể thao, trồng cây, vệ sinh lớp học, làm việc nhà, hoạt động câu lạc bộ... Khi đó, các con sẽ quên đi các trò nguy hiểm như chơi điện tử, đua xe, hút thuốc lá…
Các bố mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm đến con hơn, lắng nghe con nhiều hơn nhất là ở lứa tuồi dậy thì, tâm sinh lý có nhiều thay đổi. Bố mẹ giám sát, lắng nghe con trên cơ sở tôn trọng tránh áp đặt con dẫn đến hành vi chống đối. Bố mẹ có thể phối hợp với thầy cô, nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của con để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện những dấu hiệu khác thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.
Bố mẹ có thể cho con xem các video hay kể các tình huống giả định khác nhau để cùng thảo luận với con về các cách phát hiện và ứng phó khi bị dụ dỗ thử thuốc lá điện tử. Các con sẽ có kỹ năng nhận biết và ứng phó kịp thời khi bị dụ dỗ.
Hiện nay có một thực trạng đáng buồn là không có nhiều gia đình có những biện pháp hiệu quả để giúp con tránh xa thuốc lá. Vẫn còn nhiều gia đình do nhận thức hạn chế, do bận mải mưu sinh chưa quan tâm lắm đến việc giúp con em mình tránh những ảnh hưởng từ thuốc lá. Nhiều bố mẹ vẫn chưa làm gương cho con, vẫn còn hút thuốc lá trước mặt con làm cho trẻ em tiếp xúc thường xuyên và sống chung với thuốc lá từ nhỏ. Điều này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ do hút thuốc thụ động. Khi trẻ lớn lên sẽ nghiện thuốc lá và tiếp tục gây ảnh hưởng đến mình, đến nhiều người khác trong gia đình và xã hội.
Loại bỏ khói thuốc khỏi môi trường gia đình là quan trọng, nhưng việc giúp trẻ tránh xa thuốc lá ở ngoài xã hội cũng quan trọng không kém. Khó khăn lớn nhất là việc làm thế nào để con không hút thuốc, nhất là khi con bước vào tuổi dậy thì dễ học đòi theo bạn bè. Để giúp con tránh xa thuốc lá điều quan trọng trước hết là cha mẹ phải giáo dục để trẻ hiểu tác hại của thuốc lá, có kỹ năng tránh xa thuốc lá và đặc biệt không hút thuốc.
 

Nguồn:VITIC tổng hợp