Chỉ số MSCI toàn cầu, theo dõi diễn biến chứng khoán tại 46 thị trường chứng khoán lớn trên toàn thế giới, giảm 0,32%.
Tại Mỹ, thị trường chứng khoán giảm phiên thứ 2 liên tiếp, trong đó cổ phiếu của một số công ty bị bán tháo mạnh khiến chỉ số Dow Jones giảm gần 1%.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones giảm 0,92% và S&P 500 giảm 0,47%. Nasdaq cũng giảm 0,29%. Có tổng 6,9 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ.
Cổ phiếu WalMart bị bán tháo mạnh nhất trong chỉ số S&P 500 và Dow Jones, với mức giảm 10% sau khi dự báo lợi nhuận trên một cổ phiếu sẽ giảm 12% trong năm tài chính 2017. Phiên lao dốc này đã lấy đi gần 22 tỷ USD trong giá trị thị trường của WalMart.
Ngoài ra, một số cổ phiếu khác cũng bị bán tháo như Target (giảm 3,5%), JPMorgan (giảm 2,5%), Boeing (giảm 4,3%).
Cổ phiếu tại Mỹ giảm một phần do triển vọng u ám của kinh tế Mỹ trong quý III/2015 khi doanh số bán lẻ tháng 9 gần như không tăng, PPI giảm mạnh nhất kể từ đầu năm và USD tăng giá đang kéo giảm lợi nhuận của lĩnh vực sản xuất, du lịch.
Cùng với những tín hiệu này, báo cáo PPI ngày 13/10 của Trung Quốc đang dấy lên lo ngại về tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như nguy cơ giảm phát tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tâm lý lo sợ lan dần sang các thị trường lớn khác như châu Âu, Nhật Bản với chỉ số FTSEurofirst 300 và Nikkei lần lượt giảm 0,8% và 1,9%. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản đã liên tiếp lao dốc hơn 1% trong 3 phiên kể từ sau kỳ nghỉ lễ đầu tuần.
Tại thị trường Trung Quốc đại lục và Hong Kong, số liệu kinh tế yếu ớt của Trung Quốc vẫn ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên các sàn chứng khoán. Chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng theo đó lần lượt giảm 0,93% và 0,7%.
Nguyễn Dung
Theo Reuters