menu search
Đóng menu
Đóng

Chứng khoán toàn cầu giảm phiên thứ 3 liên tiếp

07:50 22/10/2015

Vinanet - Kết quả kinh doanh hàng quý, các cuộc họp chính sách của ngân hàng trung ương và giá dầu thô lao dốc là 3 yếu tố kéo giảm một số thị trường chứng khoán lớn.
Chỉ số MSCI toàn cầu giảm 0,31% trong cả phiên 21/10.

Trong đó, chứng khoán Mỹ giảm vì cổ phiếu y tế và năng lượng lao dốc. Các chỉ số S&P 500 và Dow Jones lần lượt giảm 0,6% và 0,3% với tổng khoảng 6,8 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ.

Cổ phiếu năng lượng và vật liệu thô giảm hơn 0,9% trong cả phiên 21/10 do giá dầu liên tục lao dốc. Đây cũng là 2 lĩnh vực giảm mạnh nhất trong S&P 500. Cổ phiếu y tế cũng giảm mạnh sau khi ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton bày tỏ lo ngại sâu sắc về kế hoạch sáp nhập giữa một số công ty bảo hiểm y tế. Cổ phiếu y tế giảm 0,86% trong cả phiên.

Hiện tại, giới đầu tư tại Mỹ vẫn đang bận rộn với các báo cáo tài chính hàng quý của khối doanh nghiệp. Đây cũng là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách Fed đánh giá lại tình hình kinh tế Mỹ và qua đó xem xét thời điểm nâng lãi suất.

Hiện tại đã có khoảng 46% doanh nghiệp thuộc S&P 500 công bố kế quả kinh doanh quý III/2015. Trong đó có 47% doanh nghiệp có doanh thu bán hàng vượt ước tính và 74% doanh nghiệp vượt mục tiêu lợi nhuận.

Cùng với thị trường chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm do tình hình kinh doanh yếu kém của một số doanh nghiệp và những đồn đoán xung quanh cuộc họp chính sách của ECB. Nhiều chuyên gia cho rằng, ECB sẽ không thay đổi chương trình mua tài sản 1 nghìn tỷ euro nhưng có thể sẽ đánh tín hiệu thay đổi trong tương lai gần. Chỉ số FTSEurofirst 300 gần như đi ngang sau khi giảm 0,8% trong đầu phiên.

Tại châu Á, Trung Quốc là thị trường giảm mạnh nhất trong số các thị trường chứng khoán lớn. Chỉ số Shanghai Composite và CSI300 lần lượt giảm 3,1% và 2,9%, và ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 9/2015.

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc do cổ phiếu của các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ điều chỉnh mạnh, kích hoạt làn sóng bán tháo trên diện rộng trong phiên buổi chiều.

Ngược lại, thị trường chứng khoán Nhật Bản lại tăng mạnh với chỉ số Nikkei tăng 1,9%. Số liệu thương mại yếu ớt của tháng 9/2015 đẩy hứng thú đầu tư của thị trường lên cao với đồn đoán ngân hàng trung ương sẽ tăng cường nới lỏng chính sách trong cuộc họp ngày 30/10.

Nguyễn Dung

Theo Reuters