Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh 276,09 điểm (1,58%) xuống 17.148,94 điểm, chỉ số S&P 500 cũng hạ 31,28 điểm (1,53%) xuống 2.012,66 điểm còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 104,32 điểm (2,08%) và chốt phiên ở mức 4.903,09 điểm.
Phố Wall đã “đỏ sàn” sau khi chứng kiến các sàn chứng khoán châu Á chao đảo vì thông tin chứng khoán Trung Quốc giảm đến 7% trước những số liệu đáng buồn về hoạt động chế tạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bên cạnh đó, căng thẳng leo thang trong quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran sau khi Riyadh ra lệnh hành quyết 47 phạm nhân, trong đó có giáo sỹ Hồi giáo dòng Shii'te Nimr al-Nimr, cũng đã phủ bóng đen lên phiên giao dịch đầu tiên của Năm mới trên toàn cầu.
Ngoài ra là thông tin Viện Quản lý nguồn cung Mỹ công bố báo cáo cho thấy hoạt động chế tạo của nước này đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 12/2015.
Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, phiên giao dịch “mở màn” của các sàn chứng khoán châu Âu cũng đã diễn ra không mấy vui vẻ, với thị trường Frankfurt (Đức), Milan (Italy), Paris (Pháp) và London (Vương quốc Anh) lần lượt “rớt giá” nặng nề với mức giảm 4,3%, 3,2%, 2,5% và 2,4%.
Căng thẳng leo thang trong quan hệ ngoại giao Saudi Arabia và Iran và quan ngại về "sức khỏe" của kinh tế Trung Quốc đã phủ bóng đen lên phiên giao dịch đầu tiên của năm mới tại thị trường chứng khoán các nước Arab vùng Vịnh.
Trong phiên giao dịch ngày 4/1, 6 thị trường chứng khoán các nước vùng Vịnh đều giảm điểm, trong đó có hai thị trường chứng khoán lớn nhất là Saudi Arabia và Qatar ghi nhận mức giảm nhiều hơn cả, riêng thị trường Oman tăng nhẹ.
Cụ thể, chỉ số Tadaul All-Shares trên thị trường Saudi Arabia giảm 2,36%, chốt phiên ở 6.788,13 điểm. Trong khi đó, Qatar Exchange mất tới 2,64%, xuống còn 10.041,70 điểm, tương tự chỉ số Dubai Financial Market Index cũng giảm 1,6%, song vẫn duy trì ở mức trên 3.000 điểm. Hai chỉ số Abu Dhabi và Kuwait lần lượt tụt 1,3% và 0,83%.
Ngoài ra, những dấu hiệu không khả quan về nền kinh tế Trung Quốc dẫn tới sự giảm điểm của chứng khoán toàn cầu cũng là yếu tố khiến thị trường chứng khoán các nước vùng Vịnh chao đảo.
Kết thúc năm 2015, hầu hết thị trường chứng khoán tại các nước vùng Vịnh đều ảm đảm do giá dầu thô tụt dốc nhanh chóng.
Trước đó, cùng ngày, hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến của Trung Quốc đã phải kết thúc sớm hơn, vào lúc 13 giờ 28 phút sau khi cổ phiếu giảm 7%, qua đó khởi động cơ chế "tự ngắt" mới trong ngày giao dịch đầu tiên của năm 2016.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thị trường chứng khoán Trung Quốc hoạt động giao dịch trong ngày kết thúc sớm.
Động thái này xảy ra đồng thời với việc khởi động cơ chế "tự ngắt," được áp dụng nhằm kiềm chế sự biến động mạnh trên thị trường chứng khoán.
Vào lúc 13 giờ 13 phút ngày 4/1, hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã ngừng trong 15 phút và được nối lại lúc 13 giờ 28 phút, nhưng ngay lập tức chỉ số Hushen 300 giảm thêm 2%, và hoạt động giao dịch trong ngày kết thúc.
Vào lúc đóng cửa giao dịch, chỉ số Tổng hợp Thượng Hải giảm 6,85%, trong khi chỉ số Thâm Quyến giảm 8,16% và Chỉ số ChiNext (tương tự chỉ số NASDAQ của Mỹ), giảm 8,21%.
Sự sụt giảm trên được cho là do hoạt động của ngành chế tạo tại Trung Quốc trong tháng 12 vừa qua yếu hơn dự kiến đồng thời tỉ giá hối đoái đồng nhân dân tệ giảm mạnh. Trên thị trường giao dịch ngoại hối Trung Quốc, tỉ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ ngày 4/1 đã giảm 96 điểm xuống 6,5032 nhân dân tệ đổi 1 USD./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Nguồn:TTXVN/Vietnam+