Cụ thể, chỉ số đôla ICE, theo dõi tỷ giá giữa USD và giỏ 6 đồng tiền khác, xuống thấp nhất 3 tuần trước khi tăng nhẹ lên 94,832 điểm và gần như ngang với số điểm chốt phiên 9/10.
Trong đó, USD giảm 0,2% so với yên xuống 119,96 yên và giảm 0,1% so với euro xuống 1,1363 USD. Trong phiên giao dịch, có lúc euro đã chạm mốc cao nhất 3 tuần so với USD.
USD giảm chủ yếu do giới đầu tư không còn niềm tin vào khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong cuối năm 2015 do kinh tế Mỹ phát ra những tín hiệu không đồng nhất và kinh tế toàn cầu tăng trưởng trì trệ.
Sau khi Fed quyết định tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp kỷ lục trong tháng 9/2015, phần lớn các quan chức Fed đều cho biết, khả năng Fed nâng lãi suất trong cuối năm 2015 vẫn đang được bàn bạc. Tới đây, Fed sẽ tiếp tục họp chính sách trong ngày 27 - 28/10 để đánh giá lại hiệu quả chính sách hiện tại.
USD cũng bị ảnh hưởng một phần do khối lượng giao dịch thấp khi thị trường Mỹ ngừng giao dịch để nghĩ lễ.
Ngoài ra, việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tung gói kích thích mới cũng khiến nội tệ của những nước xuất khẩu hàng hóa, như Australia, tăng mạnh. So với đôla Australia, USD giảm 0,3% xuống thấp nhất 8 tuần ở 0,736 USD.
Theo đó, PBOC cho biết sẽ mở rộng chương trình thử nghiệm đối với hoạt động cho vay tại ngân hàng, cho phép các ngân hàng thế chấp tài sản để vay ngân hàng trung ương.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ chỉ tăng nhẹ do cổ phiếu của lĩnh vực hàng hóa và điện nước đồng giảm mạnh trong chỉ số S&P 500.
Chỉ số Dow Jones và S&P 500 lần lượt tăng 0,28% và 0,13% trong khi Nasdaq tăng 0,17% với khoảng 5,1 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ.
Năng lượng là lĩnh vực giảm mạnh nhất trong chỉ số S&P 500 do giá dầu thô của Mỹ và Brent đồng lao dốc lần lượt 5,1% và 5,3%. Dẫu vậy, giới đầu tư vẫn rất lạc quan, chờ đợi kết quả kinh doanh của khối doanh nghiệp Mỹ trong tuần này.
Nguyễn Dung
Theo Reuters, Bloomberg