Tại Hàn Quốc, những bà mẹ công sở đã trở nên thường xuyên chuẩn bị bánh mì cho các bữa sáng bởi nó rất thuận tiện và dễ ăn, tiết kiệm cho họ nhiều thời gian. Người dân ở các thành phố cũng đã quen thuộc với các loại bánh mì, bánh ngọt, mì sợi, mì ống…Nhu cầu lúa mì ở Hàn Quốc đã tăng nhanh gấp đôi so với tiêu thụ gạo kể từ 2008. Xu hướng tiêu dùng ở các thị trường châu Á khác cũng diễn ra tương tự.
Châu Á vốn chủ yếu tự cung tự cấp lúa gạo, nhưng nhu cầu bánh mì và bột mì phổ biến ở khắp nơi, từ Mumbai tới Manila đã đưa khu vực này trở thành thị trường nhập khẩu lúa mì lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhập khẩu trên 40 triệu tấn mỗi năm trong vòng 5 năm qua, chiếm 25% tổng nhập khẩu lúa mì toàn cầu.
“Tôi ăn bánh mì và uống cà phê mỗi sáng”, cô Lee Seung-Hee có 2 con nhỏ cho biết. Cô Hee đi làm hàng ngày và thường cho con ăn bánh mì vào các bữa phụ. Cô cho biết thêm: “Chồng tôi thích ăn cơm nên tôi cố gắng nấu cơm cho anh ấy, nhưng khi tôi quá bận thì anh ấy cũng phải ăn bánh mì”.
Hàn Quốc chi khoảng 6,36 nghìn tỷ won (5,37 tỷ USD) cho bánh mì, bánh ngọt và các loại bánh bột mì khác trong năm 2014, theo nghiên cứu của SPC Group, chủ sở hữu các chuỗi cửa hàng Paris Croissant và Paris Baguette.
Trong khi tiêu thụ gạo ở Hàn Quốc năm 2014 xuống thấp kỷ lục 65,1 kg/người thì tiêu thụ bột mì lại đạt mức cao nhất kể từ 2006 là 33,6 kg.
"Các bà nội trợ đang có xu hướng tăng cường sử dụng bánh mì và cà phê cho bữa sáng, thay vì cơm và kim chi”, Kang Byung-Oh, Giáo sư kinh tế thuộc Đại họi Chung-Ang cho biết trong nghiên cứu về ẩm thực của các địa phương.
SPC Group, hãng đang điều hành một nhà máy sản xuất bánh mì lớn nhất châu Á và có khoảng 5.000 tiệm bánh ở Hàn Quốc, cho biết thị trường bánh mì xứ Hàn tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm.
“Các bạn có thể thấy xu hướng này trên toàn khu vực, bởi các nước châu Á đang dần Âu hóa… Các món ăn làm từ bột mì làm nhanh và thuận tiện,” ông Koh Hee-Jong, Giáo sư nông học và sinh học thuộc Đại học Quốc gia Seoul cho biết.
Tiêu thụ tăng nhanh, nhất là mì
Tiêu thụ lúa mì gia tăng tập trung ở những thành phố lớn, nơi đang có ngày càng nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu – những người thường xuyên sử dụng các thực phẩm ăn liền như pizza hay sandwichs.
Tại Indonesia, nước nhập khẩu lúa mì lớn thứ 2 thế giới, tiêu thụ mì tăng khiến nhu cầu lúa mì tăng hơn 60% kể từ 2005 lên gần 8 triệu tấn mỗi năm.
Ngay tại Ấn Độ, nước sản xuất lúa mì lớn thứ 2 thế giới, tiêu thụ dự báo cũn sẽ vượt trên 5 triệu tấn so với sản lượng trong năm 2015, khiến họ phải nhập khẩu nhiều lúa mì nhất trong vòng 8 năm. Nhu cầu tập trung ở các đồng bằng phía Bắc - nơi sản xuất lúa mì chính của Ấn Độ, và đang tăng lên ở cả khu vực phía Nam – nơi có truyền thống tiêu thụ gạo là chính.
Bangladesh dự kiến cũng sẽ phải nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn lúa mì mỗi năm để đáp ứng nhu cầu trong nước – vào khoảng 4 triệu tấn.
“Từ trước tới nay chúng tôi sử dụng cơm gạo 3 lần mỗi ngày, nhưng nay chỉ 1 lần trong ngày”, Humayra Ahmed, một nhân viên ngân hàng ở Dhaka và cũng là mẹ của 2 con cho biết.
Trung Quốc cũng là nơi mà nhu cầu bột mì tăng nhanh, với mức tiêu thụ năm 2014 đạt kỷ lục 118 triệu tấn. Cùng với những kỷ lục về tiêu thụ pizza và mì, nhu cầu bánh ngọt cũng đang tăng rất nhanh.
“Đó là đặc trưng của lối sống, người dân nay thường xuyên sử dụng bánh ngọt và cà phê trong các cuộc trò chuyện, khi đi chơi với bạn bè…”, Linda Li, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Mintel China cho biết.
Sản lượng thấp
Sản lượng lúa mì ở một số nước châu Á còn khá thấp. Sản xuất của Hàn Quốc chỉ đáp ứng được khoảng 1/2 mức tiêu thụ, còn lại phải nhập khẩu. Australia, Nga, Ucraina, Canada, Mỹ và châu Âu là những thị trường được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng tăng tiêu thụ bột mì ở châu Á, với tổng xuất khẩu của nhóm này tăng 40% kể từ 2005. Vậy liệu các nước xuất khẩu, như Australia chẳng hạn, có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của các nước châu Á trong tương lai?
“Khi theo dõi mức tiêu thụ lúa mì ta thấy khoảng chênh lệch lớn giữa tăng trưởng tiêu thụ loại ngũ cốc này so với gạo. Chúng tôi cần sản lượng hàng năm cao kỷ lục mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu”, Ole Houe, nhà phân tích đồng thời là nhà môi giới thuộc IKON Commodities ở Sydney cho biết.
Theo Vân Chi
CafeF/Trí Thức Trẻ
Nguồn:CafeF/Trí Thức Trẻ