menu search
Đóng menu
Đóng

Thế giới thực sự biết gì về khủng hoảng di cư châu Âu?

10:27 06/09/2015

Vinanet - Cho tới nay Đức hiện là quốc gia có số lượng đơn xin tị nạn lớn nhất với hơn 202000 đơn và Anh có khoảng 32000 đơn, đứng thứ sáu trong danh sách.

Có bao nhiêu dân tị nạn và di cư đang đến châu Âu?

Số lượng người từ các quốc gia khác đến châu Âu đòi tị nạn đã gia tăng đáng kể từ năm 2011.

Đây là số liệu hàng năm về người yêu cầu xin tị nạn tại 28 quốc gia châu Âu cũng như Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Liechtenstein tính tới năm 2014, khi có tới 662205 đơn xin tị nạn.

Đây không hẳn là con số lớn nhất đã được ghi nhận. Năm 1992 đã có tới 697085 đơn xin tị nạn trong đó có hơn 438000 đơn là ở Đức, sự đột biến chủ yếu do lượng người tị nạn từ cuộc xung đột ở Balkans.

Nhưng những con số mới nhất cho thấy cuộc khủng hoảng đã trở nên nghiêm trọng trong những tháng gần đây. Tính ra đã có đến gần 840.000 đơn xin tị nạn tại 32 quốc gia châu Âu trong vòng 12 tháng cho đến tháng 6/2015, tăng 62% so với 516250 đơn được ghi nhận trong 12 tháng trước đó.

Cơ quan quản lý biên giới Liên minh châu Âu, Frontex và Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) đã cho biết cuộc khủng hoảng hiện nay là tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Frontex đã công bố các số liệu về người được phát hiện ra là vượt biên trái phép vào Châu Âu. Con số hơn 280,000 người trong năm 2014 đã xác lập một kỷ lục với lượng gấp đôi năm 2011, thời điểm xảy ra “Mùa Xuân Ả Rập”  

Những con số này thực tế đã bao gồm cả những người sau đó đã nộp đơn xin tị nạn và không bao gồm những người đã vượt biên trái phép vào châu Âu mà không bị phát hiện.

Họ đến từ đâu?

Năm 2014, nhóm người xin tị nạn đông nhất đến từ Syria, tiếp sau đó là Afghanistan, Kosovo, Eritrea và Serbia.

Mặc dù vậy cũng có những xu thế khác. Gần đây số lượng đơn từ một vài quốc gia châu Phi đã tăng lên, đặc biệt là từ Nigeria cũng như Ukraine và Iraq.

Thậm chí khi đã bỏ qua Syria (xanh lá cây) và 5 quốc gia khác có nhóm người xin tị nạn đông nhất, vẫn có một sự gia tăng từ các khu vực còn lại trên thế giới trong việc xin tị nạn tại các nước châu Âu (đỏ):

Họ đến đó bằng cách nào?

Frontex đã công bố chi tiết những con đường người dân chủ yếu đang sử dụng để vượt biên trái phép vào châu Âu.

Cho đến nay, con đường phổ biến nhất là “tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải” (bằng thuyền từ Bắc Phi tới Malta và miền nam Italia); “tuyến đường phía Đông Địa Trung Hải” (bằng đường biển và đường bộ vào Hy Lạp, Bulgari và Cộng hòa Sip), cuối cùng là “tuyến đường Tây Balkan” (từ Đông Âu hay châu Á vào Hungary thông qua vùng Balkans).

Cơ quan biên giới liên minh châu Âu cũng chỉ ra rằng việc vượt biên trái phép không chỉ gồm những người trốn trong xe tải hoặc băng qua Địa Trung Hải, “Một trong những tuyến đường phổ biến nhất cho dân nhập cư vào châu Âu chính là thông qua các cảng hàng không quốc tế”.

“Hầu hết những người đang cư trú bất hợp pháp tại châu Âu, ban đầu sở hữu giấy tờ đi lại hợp lệ và thị thực có hiệu lực cho tới khi quá hạn”.

Họ đi đâu?

Cho tới nay Đức hiện là quốc gia có số lượng đơn xin tị nạn lớn nhất với hơn 202000 đơn và Anh có khoảng 32000 đơn, đứng thứ sáu trong danh sách.

Những người vượt biên không thành công thì sao?

Tổ chức Di trú Quốc tế đang cố gắng thống kê số lượng người đã thiệt mạng trên đường đến châu Âu.

Tính đến ngày hôm qua, trong năm nay đã có 2701 người đã chết khi đang cố vượt biển Địa Trung Hải, chiếm 72% trong tổng số người đã tử vong theo ghi nhận của IOM trên toàn thế giới.

Đại đa số những người này đã thiệt mạng trên tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải. Tháng cao điểm nhất là tháng 4  khi có tới 1265 người thiệt mạng, theo sau đó là tháng 8 với 638 người.

Có bao nhiêu người là tị nạn?

Một cuộc tranh luận hiện đang diễn ra khá ác liệt về việc liệu nên gọi những người tìm cách đến châu Âu này là “dân di trú” hay “dân tị nạn”

Từ tị nạn có ý nghĩa về mặt pháp lý, được nhắc tới trong các đoạn khác nhau trong luật quốc tế. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã định nghĩa người tị nạn là “người chạy trốn xung đột vũ trang hay bị ngược đãi” và “những người mà đối với họ việc từ chối cho tị nạn có thể gây hậu quả chết người”.

“Người xin quyền tị nạn” là một phạm trù rộng lớn hơn. Những người đang xin quyền tị nạn có thể được cấp quy chế tị nạn hoặc có thể được chấp thuận tị nạn vì lý do nhân đạo mà không bị coi là một người tị nạn.

Từ “di trú” còn là một thuật ngữ có ý nghĩa rộng hơn nữa. Một số người cho rằng từ này đang trở nên xấu đi – mặc dù vẫn được các cơ quan như IOM sử dụng.

Đây là những gì đã xảy ra đối với những người xin quyền tị nạn tại châu Âu trong năm vừa qua: 17% đã được cấp quy chế tị nạn, và chỉ hơn 21% không bị coi là người tị nạn nhưng vẫn được phép ở lại.

61.5% đã bị từ chối quyền xin tị nạn, điều này cho thấy các nhà chức trách đã không tin rằng họ có lý do nhân đạo cho việc mong muốn nhập cư (chưa có Dữ liệu tại Áo cho năm 2014).

Hơn thế nữa ...

Frontex cho biết 71% trong số những người đến châu Âu bất hợp pháp trong năm 2014 là nam giới và 83% là người lớn.

Số liệu của Eurostat cho thấy 67% trong số những người xin quyền tị nạn năm ngoái là nam giới.

Hơn một nửa số người Syria (57%) đã xin quyền tị nạn là nam giới tuổi từ 18 đến 64, điều này có nghĩa là hơn 70,000 nam giới trong độ tuổi quân ngũ đã chạy trốn khỏi cuộc nội chiến để đến châu Âu.

Chúng tôi không có số liệu thống kê có bao nhiêu người Syria nhập cư đã tham gia cuộc chiến, hoặc thành phần dân tộc, tôn giáo hay đảng phái chính trị của họ.

Tại sao những người Syria lại không chọn các quốc gia lận cận với Syria hay các quốc gia Ả Rập hay Hồi giáo khác?



Thực tế, số người tị nạn Syria đến châu Âu thấp bởi vì đã có hàng triệu người hiện đang sống trong các trại xung quanh đất nước.

Số liệu mới nhất của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho thấy hiện có ít hơn 2 triệu người Syria đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, hơn một triệu tại Li Băng và hơn 600,000 người tại Jordan.

Cơ quan tị nạn cho hay có không đến 350,000 người Syria đã đệ đơn xin tị nạn tại 37 quốc gia châu Âu kể từ tháng 4/2011, điều đó có nghĩa là chỉ có 6% người Syria trong số những người chạy trốn chiến tranh đã tìm cách lánh nạn ở châu Âu.
Thanh Nguyên

Theo Channel4