Tại số báo trước, Đầu tư Bất động sản đã có bài phản ánh về việc cư dân Dự án Sakura 47 Vũ Trọng Phụng, Hà Nội tố cáo chủ đầu tư là Công ty Hùng Tiến Kim Sơn (thuộc Tập đoàn Alphanam) có hàng loạt sai phạm.
Theo phản ánh của cư dân, chủ đầu tư đã xây chồng lấn thêm tầng, khiến dự án được thiết kế với 22 tầng, nhưng thực tế đã lên đến 27 tầng (bao gồm cả tầng kỹ thuật). Trong đó, các tầng xây thêm được chủ đầu tư chia nhỏ thành căn hộ để bán. Ngay 2 tầng kỹ thuật là tầng 3B và tầng 12A, thay vì sử dụng đúng công năng, chủ đầu tư lại cải tạo làm văn phòng cho thuê và chia nhỏ thành căn hộ để bán.
Đặc biệt, mặc dù dự án được chủ đầu tư bàn giao căn hộ từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện hệ thống báo cháy, chưa được cơ quan công an phòng cháy chữa cháy chứng nhận. Do đó, đến nay 100% cư dân mua căn hộ tại dự án này vẫn chưa đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ. Ngoài ra, khách hàng còn tố chủ đầu tư có dấu hiệu chiếm đoạt khu sinh hoạt cộng đồng tại tầng 1, chuyển nhượng trái phép khu sinh hoạt cộng đồng cho đơn vị kinh doanh siêu thị và chiếm đoạt 2% phí bảo trì chung cư…
Theo anh Nguyễn Chử Quân, chủ nhân căn hộ tại tầng 20 Chung cư Sakura, với hàng loạt vi phạm tại dự án này, chủ đầu tư Hùng Tiến Kim Sơn có dấu hiệu lừa đảo.
Anh Quân cho biết, lo ngại lớn nhất của cư dân hiện nay là nếu xảy ra hỏa hoạn, thì thiệt hại với cư dân là rất lớn. Bởi dự án cao 27 tầng này đến nay chưa có hệ thống báo cháy. Thậm chí, hệ thống đường ống khớp nối tới các vòi chữa cháy chưa hoàn thiện, hệ thống máy bơm phục vụ vòi chữa cháy của tòa nhà cũng chưa có. Vì vậy, sau nhiều năm đi vào vận hành, tòa nhà vẫn chưa được cơ quan phòng cháy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy. Việc không được cơ quan chức năng công nhận đủ tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, khiến các cư dân đến nay chưa ai làm được sổ đỏ.
Ông Nguyễn Duy Thọ, một trong số cư dân đầu tiên chuyển về sinh sống tại chung cư này cho biết, sau khi bán xong nhà, chủ đầu tư đã “đem con bỏ chợ” từ vài năm nay.
Cụ thể, dự án này đến nay vẫn chưa thành lập được Ban quản trị chung cư, nhưng chủ đầu tư cũng không hề quan tâm đến chuyện này. Việc quản lý, vận hành tòa nhà, chủ đầu tư cũng bỏ mặc, không tham gia từ lâu. Vì vậy, cư dân đã phải đứng ra thành lập Ban quản lý tòa nhà để tự vận hành, quản lý tòa nhà, chứ không thể thuê một đơn vị khác, vì chưa có Ban quản trị, chưa có con dấu, tài khoản hay tư cách pháp nhân để đi thuê đơn vị bên ngoài.
Ông Thọ cho biết thêm, hiện ông là Trưởng Ban quản lý tòa nhà, nhưng không phải là người của chủ đầu tư hay đơn vị quản lý nào, mà do cư dân tín nhiệm bầu ra. Theo ông Thọ, việc cơi nới, sử dụng sai chức năng tại nhiều tầng chung cư đã ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống hạ tầng tòa nhà.
Cụ thể, hệ thống điện thường xuyên quá tải, tình trạng thiếu nước thường xuyên diễn ra, trong khi tại các tầng sử dụng sai chức năng, hệ thống đường ống nước bục, vỡ thường xuyên.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một số đại diện cư dân Tòa nhà Sakura cho rằng, không chỉ chủ đầu tư Hùng Tiến Kim Sơn, mà cả công ty mẹ của chủ đầu tư là Tập đoàn Alphanam cần có trách nhiệm hơn trong việc hoàn thành nghĩa vụ với dự án và khách hàng. Trong đó, việc làm đầu tiên là cần hoàn thiện hệ thống báo cháy và chữa cháy cho tòa nhà, vốn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của số đông cư dân tòa nhà.
Về những sai phạm tại Dự án Sakura và ý kiến của đại diện chủ đầu tư, Đầu tư Bất động sản sẽ tiếp tục phản ánh tại số báo sau.