Tại phiên tòa xét xử vụ kiện dân sự giữa chủ mua căn hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn Keangnam Vina tại Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm ngày 12/6 vừa qua đã bắt đầu lộ ra những sự thật vẫn còn mù mờ trước đây, liên quan đến cách tính, đo diện tích, tỷ giá ngoại tệ... cho thấy, Keangnam Vina đã bày ra cả một "mê hồn trận thông tin" để dẫn dắt khách hàng thuận theo ý mình.
Khách hàng: Lỡ đặt cọc, mắc luôn hợp đồng...
Trình bày trước Tòa, bà Lê Xuân Hoa, đại diện nguyên đơn T.V.T mua căn hộ tại tầng 7 tòa nhà A Keangnam cho hay: Vào tháng 11/2009, bà T. đến thăm quan căn hộ mẫu của Keangnam tại khu K1, Mễ Trì. Sau đó, nguyên đơn có đề nghị được cấp một bản hợp đồng mua bán căn hộ để nghiên cứu. Tuy nhiên, vào thời điểm này, phía Keangnam lấy lý do sự lộ bí mật kinh doanh nên yêu cầu khách hàng nộp trước khoản tiền là 5.000 USD để bày tỏ thiện chí.
Tới ngày 31/12/2009, bà T. đến khu căn hộ mẫu để ký hợp đồng. Tại đây, bà được đưa cho một bộ hợp đồng đã in sẵn và được yêu cầu xem ngay tại chỗ rồi ký tên ngay thể hiện việc giao kết hợp đồng. Ngoài ra, khi nhận thấy một số điều khoản trong hợp đồng bất hợp lý, bà T. muốn thương lượng thay đổi, hiệu chỉnh nhưng cũng không được chấp thuận vì phía Keangnam lý giải đây là hợp đồng áp dụng chung cho tất cả 900 căn hộ. Nếu khách hàng không đồng ý ký hợp đồng này sẽ bị mất toàn bộ số tiền 5.000 USD tiền “thiện chí” trước đó.
Trước tòa, đại diện nguyên đơn khẳng định, vì chỉ được đọc hợp đồng trong một khoảng thời gian rất ngắn, không được thay đổi, sửa chữa điều khoản nào và nếu không ký thì sẽ mất toàn bộ số tiền đặt cọc nên bà T. đã ký vào bộ hợp đồng mua bán căn hộ tại Keangnam ngay trong ngày 31/12 với giá 319.395 USD cho 118,75m2 nhà.
Sau một thời gian ký kết hợp đồng mua căn hộ, bà T. nhận thấy chủ đầu tư tòa nhà chung cư cao cấp vi phạm cam kết với khách hàng, đặc biệt là diện tích căn hộ trong thực tế không đủ so với nội dung hợp đồng nên nhanh chóng có thông báo chấm dứt việc mua bán tài sản.
Tiếp đến, bà T. cũng yêu cầu Keangnam hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận của mình, nhưng chủ đầu tư tỏ ra bất hợp tác.
Từ những khúc mắc nêu trên, bà T. đã khởi kiện Keangnam ra tòa án, yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật tuyên hợp đồng mua bán căn hộ giữa hai bên vô hiệu, đồng thời buộc chủ đầu tư phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận của khách hàng. Thế nhưng vụ án này cứ kéo dài dai dẳng từ năm 2012 đến nay.
Chủ đầu tư: Tiền hậu bất nhất
Trước thông tin nguyên đơn cho rằng: Khách hàng chỉ được xem căn hộ mẫu tại khu K1, Mễ Trì, Keangnam Vina cho rằng: Trước thời điểm giao kết hợp đồng, khách hàng đã được trực tiếp xem căn hộ mẫu đặt tại tầng 27 của tòa nhà và cũng được trực tiếp xem toàn bộ kết cấu phía bên trong.
Tuy nhiên, trước tòa, bà Lê Xuân Hoa, đại diện nguyên đơn đã đưa ra những dẫn chứng để cho thấy: Vào thời điểm bà T. nộp khoản tiền thiện chí cũng như ký hợp đồng, công trình mới được xây và hoàn toàn chưa có tầng 27. Thông tin trên cũng nhận được sự xác tín của rất nhiều chủ các căn hộ khác ngồi phía dưới và khiến đại diện Keangnam Vina lúng túng, không tìm ra cách giải thích.
Ngoài ra, phía nguyên đơn cũng đưa ra một loạt thông tin về những cái bẫy mà phía chủ đầu tư đã đưa ra để đưa khách hàng vào tròng. Cụ thể, theo bà Hoa, trong phần trình bày về phối cảnh, cảnh quan, người mua được doanh nghiệp quảng cáo đây là công trình gắn với “bầu trời và mặt nước.”
“Trong bản vẽ phối cảnh được đưa ra, công trình nằm sát ngay công viên, hồ nước với diện tích vào dạng lớn nhất Hà Nội,” bà Hoa trình bày trước tòa kèm theo hình ảnh bản phối cảnh.
Tuy nhiên, sau đó, khi tiếp cận với Hồ sơ quy hoạch khu đô thị mới Cầu Giấy, khách hàng mới ngã ngửa khi vị trí hồ nước thực tế được quy hoạch cách xa Keangnam cả cây số. Thay vào vị trí đó là các khu E1, E2, trong đó lô đất E1 được quy hoạch làm nhà tang lễ…
Điều đáng nói hơn, bản quy hoạch này đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2003, nghĩa là 4 năm trước khi Keangnam được chấp thuận làm chủ đầu tư.
“Việc Keangnam cung cấp thông tin không trung thực, qua đó nhằm nâng cao giá bán, thu hút khách hàng là việc làm khó chấp nhận. Bởi nếu biết trước nhà là Nhà tang lễ, rất nhiều người trong chúng tôi đã không lựa chọn dự án này,” bà Hoa trình bày trước Tòa.
Bà Hoa cũng đề nghị Tòa xem xét cụ thể yếu tố kể trên trong quá trình xét xử vụ kiện dân sự.
Trong khi đó, phía Keangnam một mực khẳng định mình không lừa dối khách hàng, bản vẽ phối cảnh chỉ nhằm mục đích giúp khách hàng hình dung về dự án còn lại khách hàng phải tự tìm hiểu về dự án, đó không phải là trách nhiệm của Keangnam. Câu trả lời trên đã gây bức xúc cho nhiều người dự phiên tòa mà phần lớn trong số đó là những “thượng đế” của chính công ty trách nhiệm hữu hạn này.
Vi phạm quy định ngoại hối, nhập nhèm diện tích
Một trong những lý do phía nguyên đơn nêu ra để yêu cầu tòa tuyên hủy hợp đồng giao kết giữa hai bên là phía Keangnam đã vi phạm quy định về quản lý và sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam khi tính giá căn hộ bằng đồng đô la Mỹ.
Bản thân hợp đồng đã ký giữa hai bên cũng thể hiện rõ điều này khi chủ đầu tư định giá căn hộ tại tầng 7 của bà T. là 319.395 USD. Thậm chí 7 lần nộp tiền được quy định cũng được chỉ định rõ bằng đồng đô la Mỹ, với sự quy đổi tương đương sang Việt Nam Đồng.
Giải thích về điều này, ông Nguyễn Đức Mạnh, đại diện bị đơn trả lời: Chủ đầu tư không làm sai vì ngoại tệ chỉ có tính chất quy đổi. Thêm vào đó, theo ông Mạnh, Keangnam là tập đoàn quốc tế nên cần phải sử dụng ngoại tệ cho thống nhất, tạo thuận lợi cho việc hạch toán.
Tuy nhiên, phía luật sư của bị đơn đã bác bỏ lập luận này khi nhấn mạnh: Keangnam Vina là pháp nhân Việt Nam, là công ty có vốn đầu tư nước ngoài chứ không phải công ty nước ngoài nên mọi hoạt động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, trong đó có quy định về việc sử dụng ngoại tệ,
Trước quan điểm của bị đơn: Phía Keangnam không niêm yết, quảng cáo, không thanh toán bằng USD nên không vi phạm; hợp đồng có điều khoản về giá căn hộ nhưng đã được quy đổi sang VND, đại diện Hội thẩm nhân dân cũng khẳng định: Khi ngoại tệ đã trở thành phương tiện để quy đổi ra tiền Việt Nam đồng theo tỷ giá đô la Mỹ tại từng thời điểm [thời điểm nộp tiền được quy định trong hợp đồng-PV] thì có nghĩa là chủ đầu tư đã bán nhà bằng Đô la Mỹ!
Thậm chí, thẩm phán Nguyễn Thị Tâm còn chất vấn: Các lần trước Keangnam Vina lấy lý do sử dụng đồng Đô la trong hợp đồng để chống trượt giá, sao giờ lại đưa ra lý do khác. Ông Mạnh, đại diện bị đơn ậm ừ thừa nhận: “Có thể là như vậy.”
Sự tiền hậu bất nhất của Keangnam Vina trên thực tế đã giăng ra những cái bẫy khó lường cho khách hàng.
Một nội dung khác cũng gây ra rất nhiều tranh luận là việc tính diện tích căn hộ thực tế. Trong hợp đồng mua bán căn hộ không ghi rõ diện tích chung, riêng; trong bản thiết kế căn hộ chuyển tới khách hàng cũng không hề thông tin về các nội dung này dẫn đến người mua chỉ biết rằng diện tích mà họ mua là diện tích thuộc sở hữu riêng của họ chứ không hề trong đó đã bao gồm cả phần diện tích chung là cột, hộp kỹ thuật. Phía bị đơn trình bày: Chính vì lý do hợp đồng không rõ ràng nên trên thực tế căn hộ bà T. đã mua tại tầng 7 nhà A bị hụt mất 15,01 m2.
Phía Keangnam khẳng định không thiếu và theo phương phá đo đạc mà Keangnam viện dẫn thì nếu có thiếu chỉ thiếu 0,08m2, không đáng kể so với diện tích căn hộ.
Đáng chú ý, khi tranh tụng về nội dung này, đại diện Keangnam thậm chí còn cho rằng: Giá cả là được tính cho cả căn hộ chứ không phải theo mét vuông.
Kết thúc một ngày làm việc, thẩm phán Nguyễn Thị Tâm cho hay: Tòa sẽ tiến hành nghị án kéo dài. Tới sáng 17/6 tới đây, tòa sẽ tiến hành tuyên án.
Trong khi đó, đại diện nguyên đơn cho hay: Nếu kết quả vụ án không phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng, họ sẽ tiếp tục theo kiện lên các cấp cao hơn.
Nguồn:Vietnam+