Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá giá giảm nhẹ do đồng rupee yếu đi so với USD trong bối cảnh nhu cầu mạnh lên (từ một số khách hàng châu Phi khi thấy giá rẻ) mà nguồn cung lại hạn chế (đồng rupee đã giảm hơn 6% giá trị từ đầu năm tới nay, hiện ở mức thấp nhất 16 tháng). Gạo đồ 5% tấm giảm khoảng 8 USD (gần 2%) xuống 398 USD/tấn. Ở mức này, gạo Ấn Độ đắt hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan nhưng rẻ hơn so với của Việt Nam. Hiện giá gạo Ấn Độ đang ở quanh mức thấp nhất trong vòng một năm.
Trong quý 2, giá gạo Ấn Độ liên tiếp giảm, và tính chung trong cả quý, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm 26 USD/tấn (khoảng 5,5%).
Nhu cầu từ khách hàng châu Phi còn yếu trong khi Bangladesh gần như dừng nhập khẩu gạo sau khi áp thuế 28% đối với gạo nhập khẩu vì sản lượng trong nước hồi phục. Lúc này các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ đặt hy vọng vào thị trường Trung Quốc, sau khi nước này mới đây đồng ý sửa đổi một số điều trong Biên bản ghi nhớ liên quan đến kiểm dịch thực vật, cho phép Ấn Độ tăng xuất khẩu gạo non-basmati sang Bắc Kinh. Bên cạnh đó, giá rẻ hơn một số đối thủ cạnh tranh tạo lợi thế cho gạo Ấn Độ thu hút khách hàng châu Phi quay trở lại.
Sản lượng gạo năm 2017/18 ước tính cao kỷ lục 111,01 triệu tấn, so với 109,7 triệu tấn của niên vụ trước. Tồn trữ của Tổng Công ty Lương thực Ấn Độ (FCI) và các đơn vị trực thuộc đến ngày 7/5 đạt 32,96 triệu tấn (mức quy định là 32 triệu tấn). Trong đó riêng tồn trữ của FCI đến cuối tháng 4 đạt 25 triệu tấn lúa, cao nhất từ năm 2013.
Ấn Độ đã vào mùa mưa nhưng lượng mưa chưa nhiều, việc gieo xạ vụ Hè có thể bị chậm lại. Do giá gạo basmati thời gian qua tăng cao, nông dân Ấn Độ đang mở rộng diện tích trồng loại lúa này, dự kiến sẽ tăng 10% so với năm ngoái, một phần nhờ thời tiết thuận lợi. Năm 2017, diện tích trồng lúa basmati của nước này giảm khoảng 7-10% so với năm trước đó vì giá thấp trong năm 2016.
Xuất khẩu gạo năm marketing 2017/18 (tới 31/3/2018) đạt kỷ lục cao 12,7 triệu tấn tăng 18% so với năm trươc đó, chủ yếu nhờ nhu cầu mạnh từ Bangladesh, châu Phi và Sri Lanka. Từ tháng 4/2018, xuất khẩu gạo Ấn Độ chậm lại do giảm xuất khẩu gạo basmati sang Saudi Arabia và gạo non- basmati sang Bangladesh đồng thời nhu cầu từ các nước châu Phi cũng thấp. Hiện Bangladesh đã giảm mạnh nhập khẩu, nhưng Ấn Độ kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng lên từ thị trường Trung Quốc, sau khi lãnh đạo hai nước ký tuyên bố chung gần đây.
Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, giá giảm mạnh do do nhu cầu yếu và triển vọng nguồn cung sẽ tăng lên trong bối cảnh đồng baht yếu đi so với USD. Gạo 5% tấm giảm 43 USD/tấn tương đương gần 10% xuống 390-400 USD/tấn - mức giá thấp nhất kể từ đầu năm 2018. Hiện trên thị trường gạo Thái Lan, nguồn cung tại các kho tương đối dồi dào nên các nhà máy tạm ngưng mua bán; hoạt động hậu cần bị chậm lại vì đang mùa mưa.
Trong quý 2, giá gạo Thái tăng mạnh vào tháng 4, tương đối vững trong tháng 5 nhưng giảm nhanh vào tháng 6. Tính chung trong quý 2, gạo Thái Lan giảm khoảng 8%. Các thị trường châu Phi hàng năm thường nhập khẩu gạo đồ từ Thái Lan, nhưng nhu cầu từ khu vực này trong nửa đầu năm nay đã giảm sút.
Đầu tháng 5, Thái Lan đã thông qua cơ chế cấp tín dụng xây kho gạo nhằm ổn định giá và hỗ trợ xuất khẩu. Gói tín dụng này vào khoảng 1,67 tỷ baht (khoảng 55 triệu USD) dành cho các đối tượng nông dân và doanh nghiệp xây dựng các kho để bảo quản và hoãn bán gạo ra thị trường vào chính vụ nhằm bình ổn thị trường. Mục tiêu chính sách là cấp 10.000 khoản vay, trong đó chính phủ sẽ hỗ trợ 3% lãi suất hàng năm.
Xuất khẩu gạo Thái Lan 4 tháng đầu năm nay tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,31 triệu tấn, vượt xa các đối thủ lớn. Bộ Ngoại thương hợp tác với Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo đang xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ gạo Thái Lan tại Malaysia và Indonesia.
Tại Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, giá gạo xuất khẩu tăng mạnh vào tuần cuối tháng 5 – đầu tháng 6, lên mức cao chưa từng có kể từ tháng 1/2012 (465-475 USD/tấn) do nguồn cung hạn hẹp (đã thu hoạch lúa vụ phụ nhưng chất lượng chỉ ở mức khá) và một số khách hàng chủ chốt như Indonesia và Philippines đều thông báo sẽ nhập khẩu gạo bổ sung. Tuy nhiên sau đó giá giảm dần, do đó tính chung trong khoảng một tháng qua (24/5 – 21/6), giá gạo xuất khẩu giảm nhẹ, loại 5% tấm giảm 5 USD/tấn (khoảng 1%) xuống 450 – 455 USD/tấn.
Trong quý 2, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp tăng tới hết tuần đầu tháng 6 và chỉ giảm từ đó tới nay, tính chung trong cả quý, giá tăng 43 USD/tấn (hơn 10%). Từ cuối tháng 4 tới nay, gạo Việt Nam luôn cao nhất trong số 3 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới (Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam).
Trên thị trường nội địa, giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL tăng khá mạnh trong tháng 4 và 5 do nhu cầu gạo xuất khẩu cao trong khi đa phần các doanh nghiệp đều không còn gạo tồn kho từ năm 2017. Đó là giai đoạn các doanh nghiệp cần gom hàng để thực hiện những hợp đồng đã ký trước đó, đồng thời mua tích trữ vì vụ Đông Xuân là vụ mùa lớn nhất và có chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, sang tháng 6 giá bắt đầu giảm bởi nhu cầu xuất khẩu chậm lại, nhu cầu mua từ các doanh nghiệp cũng giảm đi và không thắng gói thầu nào trong phiên đấu giá mới nhất của Philippines. Dù giá gạo trong nước đang chững lại, nhưng hiện vẫn đang ở mức cao kỷ lục trong vài năm gần đây. So với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo đã tăng bình quân gần 1 triệu đồng/tấn, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người nông dân.
Mặc dù suốt quý giá luôn biến động, song so với thời điểm đầu quý 2, giá cuối quý gần như không thay đổi đối với các loại lúa khô tại kho loại thường, lúa dài và gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm; nhưng tăng khá mạnh đối với các loại gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm, gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn, gạo 15% tấm và Gạo 25% tấm.
Còn tính chung trong 6 tháng đầu năm, thị trường lúa gạo có xu hướng tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng để trang trải các hợp đồng đã ký với Indonesia và Philippines. Trong đó, lúa thường tăng 100 – 200 đồng/kg, lúa chất lượng cao tăng 400 – 500 đồng/kg.
Diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân trên cả nước trong năm nay ước đạt 3.102.200 ha, bằng 99,6% so với cùng kỳ, với năng suất dự kiến đạt 66,2 tạ/ha, tăng 3,9 tạ/ha so với cùng kỳ; sản lượng đạt 20,5 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn (tăng 5,7% so vụ Đông Xuân năm trước và tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây).
Về xuất khẩu, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6 ước đạt 604.000 tấn với giá trị đạt 317 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm đạt tăng 24,6% lên 3,6 triệu tấn và tăng 42,4% về giá trị lên 1,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018 với 30% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt 844.100 tấn và 449,4 triệu USD, giảm 21,1% về khối lượng và 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Campuchia, xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt 197.354 tấn, giảm 7% so với 212.394 tấn trong cùng kỳ năm 2017. Trong quý 1, 25,7% xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc, tương đương 41.412 tấn. Tỷ trọng gạo thơm xuất khẩu từ Campuchia sang Trung Quốc đã tăng từ 47% lên 76% trong 4 năm vừa qua.
Tại Trung Quốc, Chính phủ đang thực hiện chính sách giảm diện tích trồng lúa để tiết kiệm nguồn nước và giảm lượng tồn kho. Diện tích lúa năm 2018 giảm khoảng 2,2% so với niên vụ trước, còn khoảng 29,3 triệu ha. Bên cạnh đó, trợ cấp cho ngành này cũng bị cắt giảm, thể hiện ở giá sàn thu mua gạo giảm 13% so với niên vụ trước. Được biết, trong 5 năm qua, lượng gạo nhập khẩu vào thị trường này đã tăng hơn 10%/năm do giá gạo nhập khẩu thấp hơn giá gạo nội địa - vốn duy trì ở mức cao do các chính sách hỗ trợ sản xuất và chi phí sản xuất cao.
Thói quen nhập khẩu gạo của Trung Quốc cũng có sự thay đổi. Trước đây, mùa lễ hội (mùa Xuân) là giai đoạn nhu cầu gạo tăng cao, nhưng những năm gần đây, nhiều xu hướng tiêu dùng mới nổi, như thương mại điện tử, đã làm giảm áp lực mua sắm trong kỳ Lễ Tết. Tiêu thụ gạo bình quân đầu người giảm dần và việc mua sắm thuận tiện nên người tiêu dùng nước này giờ đây thường mua gạo ít một chứ không mua nhiều để tích trữ như trước đây.
Tại Philippines, dự trữ gạo của Philippines tính đến ngày 1/5 tăng 33,3% so với một tháng trước đó lên mức cao nhất trong 6 tháng nhờ sản lượng lúa tháng 4 tăng. Lượng dự trữ này đủ dùng trong 90 ngày mặc dù vẫn thấp hơn 9,48% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ hai liên tiếp lượng gạo tồn kho của Philippines tăng, sau 6 tháng giảm mạnh trước đó vì kho dự trữ của Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) cạn kiệt.
Ngày 29/5, Cơ quan thu mua ngũ cốc của Philippines đã cho phép các thương nhân nhập khẩu 805.200 tấn gạo theo hạn ngạch hàng năm nhằm đẩy tăng nguồn cung trong nước và kiềm chế giá tăng. Gạo bắt đầu được giao vào đầu tháng 7 và phải kết thúc trước tháng 3/2019. Như vậy, tổng khối lượng gạo nhập khẩu được phê duyệt trong năm nay lên 1,3 triệu tấn, gồm 500.000 tấn Cơ quan NFA mua để bổ sung kho dự trữ.
Ngày 5/6, NFA cấp phép cho 5 công ty thương mại nhập khẩu tổng cộng 250.000 tấn gạo trong cuộc đấu thầu ngày 22/5. Trong số đó, 212.500 tấn mua của Thái Lan, phần còn lại mua của một số nhà cung cấp khác.
Tại Bangladesh, sản lượng gạo từ vụ lúa Hè dự báo đạt 19,7 triệu tấn, cao hơn mục tiêu đặt ra là 19 triệu tấn. Theo Tùy viên của USDA tại Bangladesh, sản lượng lúa nước này niên vụ 2018 – 2019 dự báo đạt 34,7 triệu tấn, tăng 6,3% so với niên vụ trước.
Ngày 7/6 Bangladesh thông báo áp thuế trở lại 28% đối với gạo nhập khẩu nhằm hỗ trợ người trồng lúa trong bối cảnh sản lượng lúa vụ Hè tăng cao. Trước đó, khi giá gạo trong nước cao kỷ lục vì lũ lụt, Bangladesh đã giảm thuế nhập khẩu gạo 2 lần trong năm 2017, từ mức 28% ban đầu xuống chỉ 2%. Nhập khẩu gạo vào nước này giai đoạn tháng 7/2017- tháng 4/2018 vì thế tăng lên mức cao chưa từng có là 3,7 triệu tấn.
Phó chủ tịch Tổ chức Olam Ấn Độ, Nitin Gupta, dự báo nhập khẩu gạo của Bangladesh có thể giảm tới 66% trong niên vụ tới bởi sản lượng lúa gạo trong nước phục hồi. Dự trữ gạo của Chính phủ đã tăng lên 1 triệu tấn, từ mức 245.000 tấn hồi tháng 5/2017 –thấp nhất trong vòng 10 năm.
Nhập khẩu gạo của Bangladesh gần đây giảm mạnh khi thị trường trong nước không còn thiếu hụt nghiêm trọng như năm ngoái nữa. Đây là một trong những lý do chính khiến giá gạo Ấn Độ giảm mạnh, tác động giảm giá gạo chung trên thị trường thế giới.
Tại Indonesia, Chủ tịch mới của Cơ quan Hậu cần Quốc gia (Bulog), Budi Waseso, cam kết sẽ luôn đảm bảo đủ cung gạo và sẽ không can thiệp vào hoạt động thị trường gạo.
Tại Malaysia, Bộ Nông nghiệp nước này thông báo đã có đủ cung gạo, trong đó 73% tự sản xuất, phần còn lại là gạo nhập khẩu.
Tại Nigeria, thị trường lớn thứ 3 thế giới, USDA dự báo chắc chắn sẽ tăng 12% nhập khẩu gạo lên 2,9 triệu tấn trong năm 2018/19 do nhu cầu tăng trong bối cảnh sản lượng trong nước sụt giảm vì chi phí cao và xung đột trong nước. Sản lượng gạo nước này đã tăng gần 50% trong 5 năm qua, lên 3,7 triệu tấn vào năm 2017/18 (kết thúc vào tháng 5), trong khi nhu cầu nội địa niên vụ đó tăng 4% lên 6,7 triệu tấn.[1]
Tại Ai Cập, Thủ tướng Sherif Ismail ngày 5/6 cho biết quốc gia này sẽ bắt đầu nhập khẩu gạo để tăng lượng dự trữ và kiểm soát thị trường, động thái diễn ra chỉ vài tháng sau chiến dịch cắt giảm sản xuất trong nước. Ai Cập thường dư thừa gạo nhưng năm nay phải giảm diện tích trồng lúa để tiết kiệm nước sông Nile vì Ethiopia chuẩn bị làm đầy hồ chứa phía sau một con đập khổng lồ trị giá 4 tỷ USD đang được xây dựng ở phía thượng nguồn của sông. Trong tuyên bố của Thủ tướng Ai Cập không nêu rõ chính xác thời điểm và khối lượng gạo dự kiến sẽ nhập, tuy nhiên theo các nguồn tin trong ngành, sau khi tính đến lượng gạo tồn kho trong niên vụ trước, lượng gạo ước tính sẽ nhập khẩu từ 200.000-300.000 tấn. Còn giới thương gia nhận định Ai Cập sẽ nhập khẩu tới 1 triệu tấn gạo trong năm 2019.
Chính quyền Cairo hồi đầu năm nay đã tăng tiền phạt đối với hoạt động trồng lúa bất hợp pháp và quyết định chỉ được canh tác trên 724.000 feddan (tương đương 304.080 ha), giảm mạnh so với mức quy định 1,1 triệu feddan trong năm 2017. Giá lúa gạo tại Ai Cập liên tục tăng trong thời gian vừa qua, giá lúa bình quân trong tháng 5/2018 là 4.700 LE/tấn (267 USD/tấn) so với mức 4.000 LE/tấn (228 USD/tấn) trong tháng 1/2018; giá gạo đã tăng lên gần 8.000 LE/tấn (455 USD/tấn) trong tháng 5 so với mức 6.500 LE/tấn (369 USD/tấn) trong tuần đầu tháng 3/2018.
Được biết, Ai Cập hiện duy trì chính sách mở cửa đối với lúa gạo nhập khẩu và thực hiện chính sách miễn thuế đối với mặt hàng này. Nước này hiện tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo cân đối cung cầu trong nước.
Tại Iraq, Chính phủ đã có lệnh đã cấm nông dân trồng lúa và các loại cây trồng tốn nước khác do tình trạng thiếu nước ngày càng nghiêm trọng bởi hạn hán và mực nước các sông sụt giảm, một phần bởi nhữn quốc gia ở đầu nguồn xây dựng nhiều nhà máy thủy điện.
Tại Uzbekistan, do hạn hán nghiêm trọng gây thiếu nước, nước này năm nay sẽ giảm diện tích trồng lúa từ 162.000 ha xuống 94.000 ha.
Tại Bờ Biển Ngà, Chính phủ muốn tăng sản xuất gạo nhằm tự cung cấp lương thực vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu, quốc gia này mới nhận được 30 triệu USD từ chương trình cho vay ngân hàng Exim của Ấn Độ. Khoản vốn vay này sẽ được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng mới để thúc đẩy sản xuất gạo. Bên cạnh đó, chính phủ cũng giảm giá gạo địa phương để hạn chế gạo nhập khẩu. Gạo là lương thực cơ bản của người dân, nhất là tại các thành phố lớn của Bờ Biển Ngà với lượng tiêu thụ đạt khoảng 1,5 triệu tấn gạo mỗi năm. Tuy nhiên vì sản xuất lúa trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân nên mỗi năm quốc gia này phải nhập khẩu tới 900.000 tấn gạo, chủ yếu từ Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.
Nguồn:Vinanet