Có thể nói thị trường ô tô Việt Nam chưa bao giờ biến động như năm 2017 với hàng loạt diễn biến bắt nguồn từ xu hướng giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về mức 0% từ đầu năm 2018.
Trong xu thế này, các hãng liên tiếp đua nhau giảm giá bán xe, còn người tiêu dùng vẫn có tâm lý chờ đợi mua xe giảm theo thuế nhập khẩu khiến thị trường không thể bứt phá suốt nhiều tháng. Chỉ đến khi các chính sách liên quan được ban hành với điều kiện kinh doanh chặt chẽ, người tiêu dùng “vỡ mộng” mua xe giá rẻ theo thuế, còn doanh nghiệp phân phối nhỏ lẻ cũng đang điêu đứng.
* “Bão” giảm giá bao trùm thị trường
Năm 2017, thị trường ô tô Việt Nam chịu tác động bởi nhiều yếu tố, bên cạnh các chính sách quản lý của nhà nước, xu hướng chuyển dịch từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu xe nguyên chiếc về phân phối cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường. Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử doanh nghiệp ngoại đạo công bố sản xuất xe ô tô mang thương hiệu Việt là yếu tố quan trọng tác động tới tâm lý thị trường.
Tuy nhiên, tâm điểm của thị trường cũng như ngành công nghiệp ô tô năm 2017 lại chính là cuộc đua giảm giá bán xe đến "nghẹt thở" giữa các hãng trước xu hướng giảm thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ nội khối ASEAN về 0% từ đầu năm 2018 và điều kiện mới cho sản xuất lắp ráp, kinh doanh xe ô tô mới cũng như cũ khiến doanh nghiệp đứng ngồi không yên.
Trong cuộc đua giảm giá năm 2017 không thể không nhắc tới “ông lớn Thaco” với 3 thương hiệu xe du lịch trong tay là Kia, Mazda và Peugeot đã “nổ phát súng” đầu tiên khi công bố giảm giá bán hàng loạt các mẫu xe của mình sau đó doanh số bán xe lên cao như “diều gặp gió”, trong khi doanh số bán hàng của các mẫu xe cùng phân khúc sụt giảm thê thảm.
Chính “phát súng” này khiến các doanh nghiệp có xe trong cùng phân khúc từ xe bình dân đến xe hạng sang buộc phải giảm giá theo để giành giật thị phần như Huyndai Thành Công, Honda, GM Việt Nam, Ford Việt Nam, thậm chí đến cả ông lớn đến từ Nhật Bản là Toyota vốn không có thói quen giảm giá bán xe bao năm nay cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi để kích cầu tiêu dùng và đẩy hết hàng tồn.
Tính đến thời điểm nửa cuối năm 2017, những đợt giảm giá càng diễn ra mạnh mẽ hơn và theo đó tăng cấp độ lên thành "bão giá", đồng thời bao trùm toàn thị trường ô tô Việt Nam. Đơn cử trong đầu tháng 9, chỉ ít ngày Honda áp dụng chính sách này giảm giá đến 222 triệu đồng, doanh số mẫu CR-V lần đầu đứng thứ 2 ở Top những mẫu xe bán chạy thị trường với hơn 1.300 xe, tăng trưởng gần 500% so với tháng trước. Có thể thấy, nhu cầu mua xe thực sự của người Việt còn tiềm năng, thị trường chững lại lúc này chỉ do tâm lý chờ đợi.
Từ giá xe cao hơn so với các nước trong khu vực đến 20%, sau nhiều tháng các hãng chạy đua giảm giá, đến nay giá xe đã giảm từ 10% đến 30%, thậm chí có những mẫu xe còn rẻ hơn trong khu vực, người tiêu dùng đã và đang được hưởng lợi lớn từ cuộc đua giảm giá.
Trong cuộc đua giảm giá này không chỉ ở mẫu xe tồn mà ngay cả những mẫu xe đang “ăn” khách có doanh số bán tốt hàng tháng cũng được doanh nghiệp giảm giá để cạnh tranh và giành giật thị phần khiến người tiêu dùng trong nước rơi vào “ma trận” dù trước đó doanh nghiệp công bố giá xe giảm đã chạm đáy. Mặc dù vậy, tâm lý chờ đợi giá xe ô tô giảm vào năm 2018 để mua được xe giá rẻ đã khiến cho sức mua ô tô trên toàn thị trường không thể phục hồi.
Chỉ đến tháng 11 vừa qua cùng với việc giảm giá và doanh nghiệp công bố giá bán mới cho năm 2018 với các dòng lắp ráp trong nước giảm theo thuế nhập khẩu linh kiện, doanh số bán xe ở một số hãng đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, cùng thời điểm này có doanh nghiệp cũng giảm giá và công bố giá bán cho cả năm 2018 với xu hướng giảm hơn đã khiến không ít người tiêu dùng chờ đợi sang năm 2018 mới mua xe khiến cuộc đua chạy doanh số cuối năm của các hãng vẫn tiếp tục.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sau nhiều tháng sụt giảm doanh số và chỉ sau khi các doanh nghiệp giảm giá bán xe và công bố giá cho năm 2018, chính sách này đã phát huy tác dụng kích cầu nên tổng doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 11 đạt 24.752 xe, tăng 13% so với tháng 10. Tuy nhiên, tính chung doanh số 11 tháng chỉ đạt 244.670 xe các loại, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả trên và chỉ còn một tháng nữa kết thúc năm, sức tiêu thụ toàn thị trường ô tô năm 2017 không thể đạt bằng con số kỷ lục 304.000 xe, tăng 24% của năm 2016 chứ chưa nói đến tăng ít nhất 10% như dự báo của VAMA trước đó.
* “Giấc mơ” xe giá rẻ có trở thành hiện thực?
Năm 2017 được đánh giá là năm chính sách ô tô có biến động. Cuối tháng 5/2017, Bộ Tài chính bổ sung danh mục bảng tính lệ phí trước bạ mới khiến hàng trăm mẫu xe có chi phí lăn bánh tăng giá; trong đó có xe sang tăng phí cao nhất đến hơn 2,6 tỷ đồng.
Từ thời điểm 1/7/2017 áp dụng Luật Đầu tư mới; trong đó bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu phải có ít nhất một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phù hợp với loại xe nhập khẩu và có cam kết việc triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu theo quy định. Điều kiện này gây khó cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ.
Đến ngày 17/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2017 NĐ-CP siết chặt điều kiện sản xuất kinh doanh xe ô tô. Theo Nghị định này, ngoài yêu cầu các thủ tục giấy tờ khắt khe, mỗi lô xe mới nhập về phải lấy mẫu xe đại diện cho từng kiểu loại xe để thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật. Chi phí cho thử nghiệm này không dưới 100 triệu đồng mỗi xe và thời gian kéo dài khoảng 2 tháng... Những quy định này khiến doanh nghiệp nhập khẩu hết sức khó khăn.
Chưa hết, tiếp theo Nghị định 116, ngày 16/11/2017, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Trong đó, Nghị định đề cập đến thuế nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh không quá 1.0L áp dụng mức thuế tuyệt đối 10.000 USD/xe. Với xe có dung tích trên 1.0L đến dưới 2.5L, mức tính thuế hỗn hợp được tính cả giá tính thuế của ô tô đã qua sử dụng nhân mức áp thuế từ 150 - 200% và cộng thêm 10.000 USD/xe.
Như vậy, từ ngày 1/1/2018, mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp áp dụng với ô tô cũ nhập khẩu sẽ tăng thêm hàng nghìn USD khiến doanh nghiệp bỏ cuộc, xe cũ hết đường về Việt Nam.
Ủng hộ các chính sách của Chính phủ bảo hộ để phát triển ngành công nghiệp ô tô sau 20 năm song ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An - doanh nghiệp có nhiều năm nhập khẩu ô tô cho rằng, đến nay mới ban hành các nghị định này là quá muộn, đặc biệt, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0% đang “chạm ngõ”.
Theo ông Tuấn, Chính phủ ban hành các chính sách này cách đây 5 năm cùng thời điểm với Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương sẽ hợp lý hơn, khi đó doanh nghiệp không phải chờ đợi và xác định ngành nghề kinh doanh tiếp theo.
Tuy nhiên, Nghị định 125/2017/NĐ-CP cũng bổ sung quy định áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu kiện trong thời gian 5 năm (từ năm 2018 đến năm 2022). Từ việc ưu đãi thuế này đã tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp đầu tư bài bản như Thaco, Hyundai Thành Công tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, đẩy mạnh sản xuất, gia tăng sản lượng, qua đó giảm giá bán xe cho người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu ngược.
Ông Bùi Kim Kha, Phó Tổng Giám đốc (Thaco) chia sẻ, trong điều kiện ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ và trước bối cảnh hội nhập, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực về còn 0%, việc Chính phủ điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện nhằm khuyến khích và duy trì sản xuất lắp ráp trong nước, giúp giá xe lắp ráp trong nước có cơ hội giảm theo tương ứng.
Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi này, doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải và đạt đủ sản lượng quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, thời điểm 1/1/2018, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt mới được áp dụng, giảm thêm 5% cho dòng xe từ 2.0L trở xuống cũng giúp giá xe giảm đôi chút.
Nguồn: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN