menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường vật liệu xây dựng tháng 2/2019

08:29 11/03/2019

Vinanet -Trong tháng thị trường vật liệu xây dựng biến động, tăng giá ở nhóm hàng sắt thép nhưng sụt giảm ở mặt hàng gạch nung tuynel. Hoạt động xuất, nhập khẩu ảm đạm khi sắt thép và xi măng đều sụt giảm cả lượng và trị giá,
Giá
Cùng với đà tăng mạnh của giá quặng sắt thế giới, thị trường thép xây dựng nội địa có 3 đợt điều chỉnh tăng giá, với tổng mức tăng phổ biến từ 550.000-650.000 đồng/tấn tùy theo chủng loại sản phẩm và thương hiệu.
Giá gạch nung tuynel tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ cuối năm 2018 cho đến nay có sự cạnh tranh khố liệt về giá giữa gạch sản xuất trong tỉnh và gạch sản xuất tại các tỉnh khác.
Trong những ngày cuối tháng 2/2019, giá gạch nung tuynel tại thị trường thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc có biến động rất lớn. Cụ thể, tại các nhà máy sản xuất gạch nung tuynel như: Công ty Cổ phần Gạch ngói Hợp Thành; Công ty TNHH Quyết Thắng; Công ty Cổ phần Xây dựng Lạng Sơn có trụ sở ở huyện Cao Lộc đều báo giá tại nhà máy từ 900 đến 980 đồng/viên (giảm 70 đồng/viên so với thời điểm đầu tháng 11 năm ngoái).
Còn tại các đại lý vật liệu xây dựng nằm trên quốc lộ 1A địa bàn thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc, giá gạch nung tuynel được các đại lý nhập từ Bắc Giang có giá từ 880 đồng/viên đến 900 đồng/viên. Như vậy, tại thị trường gạch nung tuynel tại Lạng Sơn đang có biến động về giá theo hướng giảm, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
Tại Bắc Giang, giá bán gạch nung tuynel ở ngay các cửa lò vào cuối tháng 2/2019 dao động từ 720 đồng/viên đến 750 đồng/viên. Nếu tính cước vận chuyển đến thành phố Lạng Sơn với giá vận chuyển 50 đồng/viên, thì giá thành bán tại các đại lý ở Lạng Sơn cũng vẫn dưới 900 đồng/viên, thấp hơn giá bán tại các cơ sở sản xuất trong tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 7 doanh nghiệp sản xuất gạch nung tuynel với công suất hơn 100 triệu viên/năm. Tuy nhiên, từ tháng 11/2018 các sơ sở đều phải giảm quy mô sản xuất, giảm giá thành và tìm cách giữ thị phần. Trong đó, riêng tại huyện Cao Lộc có 3 nhà máy sản xuất gồm: Công ty Cổ phần Gạch ngói Hợp Thành, Công ty TNHH Quyết Thắng và Công ty Cổ phần Xây dựng Lạng Sơn, công suất thực chỉ đạt 55% năng lực sản xuất. Hiện 3 doanh nghiệp này đang tồn tại nhà máy gần 11 triệu viên chưa tiêu thụ được.
Hải Dương giá gạch nung tại các cửa hàng vật liệu xây dựng cũng giảm, đáng chú ý thời điểm tháng 12/2018 giảm mạnh nhất so với cuối năm 2017.
Theo một số chủ nhà máy gạch tuynel, giá bán gạch nung loại 2 lỗ dao động từ 570 - 700 đồng/ viên, gạch đặc từ 730 - 850 đồng/ viên, giảm từ 200 - 300 đồng/ viên. Nếu so với thời điểm cuối năm 2016, giá gạch xây hiện chỉ bằng một nửa. Nguyên nhân do hiện nay ít công trình xây dựng dân dụng khởi công, nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách phải sử dụng gạch không nung nên lượng tiêu thụ gạch nung giảm. Ngoài ra, một số nhà máy gạch tuynel mới được xây dựng, nâng công suất làm cho lượng gạch cung cấp ra thị trường lớn, kéo giá gạch đi xuống.
Sản xuất và hoạt động xuất khẩu nhập khẩu
Xi măng, Clanhke
Theo cục XNK (Bộ Công Thương), ước tính xuất khẩu clanhke và xi măng trong tháng 2/2019 đạt khoảng 2,5 triệu tấn, trị giá 105 triệu USD, giá xuất bình quân 42 USD/tấn, giảm 13% về lượng và 14,8% trị giá, giảm 2,1% về giá so với tháng 1/2019; nếu so với tháng 2/2018, tăng 15,2% về lượng và 36,3% trị giá, giá bình quân tăng 18,3%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2019 đã xuất được chừng 5,37 triệu tấn, trị giá 228 triệu USD, tăng 7,4% về lượng và 29,9% trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, tháng 1/2019 xuất khẩu clanhke và xi măng tăng cả lượng và trị giá, tăng lần lượt 10% về lượng và 9% trị giá so với tháng 12/2018 đạt tương ứng 2,8 triệu tấn, trị giá 123,26 triệu USD.
Clanhke và xi măng của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, trong đó Philippien đứng đầu về lượng xuất, đạt 778,2 nghìn tấn, trị giá 38,9 triệu USD, giá xuất bình quân 50,07 USD/tấn, tăng 33,98% về lượng, 49,56% trị giá và giá bình quân tăng 11,62% so với tháng 1/2018.
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Philippines (Bộ Công thương), Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) vừa có thông báo về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm xi măng nhập khẩu vào quốc gia này.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, sau quá trình điều tra, DTI kết luận rằng lượng nhập khẩu xi măng gia tăng đột biến là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời kỳ điều tra.
Do đó, để bảo vệ cũng như thúc đẩy ngành sản xuất nội địa tiếp tục phát triển, DTI quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời 8,40 Php/túi 40kg, tương đương 210 peso/tấn (khoảng 4 USD/tấn).
Theo đó, biện pháp tự vệ tạm thời này sẽ có hiệu lực trong 200 ngày dưới hình thức tiền ký quỹ đối với xi măng nhập khẩu với sản phẩm bị điều tra là xi măng có mã HS: 2523.2990 và 2523.9000; thời kỳ điều tra để xem xét lượng tăng nhập khẩu, thiệt hại từ năm 2013-2017.
Cơ quan điều tra cho rằng, lượng xi măng nhập khẩu đã gia tăng tới 70% trong giai đoạn 2014-2017. Được biết, Việt Nam là nước có lượng xuất khẩu và thị phần xuất khẩu xi măng lớn nhất vào Philippines trong giai đoạn này.
Thép
Xuất khẩu sắt thép và sản phẩm trong tháng 2 đều sụt giảm. Cụ thể, theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, Việt Nam đã xuất khẩu 458,8 nghìn tấn sắt thép các loại, trị giá 290,95 triệu USD, giảm 40,5% về lượng và 39,9% trị giá so với tháng 1/2019. Tính chung 2 tháng đã xuất khẩu 1,22 triệu tấn trj giá 773,6 triệu USD, tăng 34,4% về lượng và 18,6% trị giá so với cùng kỳ 2018; Sản phẩm từ sắt thép đạt 174,6 triệu USD, giảm 39,9% so với tháng 1/2019, tính chung 2 tháng đạt 464 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Cùng với xuất khẩu, nhập khẩu sắt thép cũng sụt giảm trong tháng 2/2019. Theo đó:
+Phế liệu sắt thép: Tháng 2/2019 đã nhập 217,1 nghìn tấn, trị giá 61,5 triệu USD, giảm 20,9% về lượng và giảm 31,2% trị giá so với tháng đầu năm 2019. Tính chung 2 tháng đã nhập 487,2 nghìn tấn, trị giá 149,2 triệu USD, giảm 44,9% về lượng và giảm 5,11% trị giá so với cùng kỳ.
+Sắt thép: Lượng nhập là 864,2 nghìn tấn trong tháng 2/2019, trị giá 553,6 triệu USD, giảm 24,9% về lượng và giảm 30,8% trị giá so với tháng 1/2019. Tính chung 2 tháng đầu năm đã nhập trên 2 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 2,7% về lượng và giảm 5,8% trị giá so với cùng kỳ.
+Sản phẩm từ sắt thép: Kim ngạch nhập 219,3 triệu USD trong tháng 2/2019, giảm 42% so với tháng 1/2019, tính chung 2 tháng 2019 đạt 601,6 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ.
Về sản xuất, tháng 2/2019, lượng sắt thép thô ước đạt 1,549 triệu tấn, tăng 88,79% so với cùng kỳ năm 2018; lượng thép cán ước đạt 430.000 tấn, tăng 3,38%; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 391.700 tấn, tăng 36,42%. Tính chung 2 tháng đầu năm, lượng sắt thép thô đạt 3,295 triệu tấn, tăng 75,9% so với cùng kỳ năm 2018; thép cán đạt 909.800 tấn, giảm 0,5%; thép thanh, thép góc đạt 830.600 tấn, giảm 0,2%.
Nguồn: VITIC Tổng hợp/Vatlieuxaydung, satthep  

Nguồn:vinanet