Ngô có thể sẽ tiếp tục đà hồi phục trong phiên hôm nay nhờ diễn biến của giá lúa mì
Giá ngô đang giằng co ở vùng hỗ trợ 576 của khoảng đi ngang và diễn biến chủ yếu bị ảnh hưởng bởi giá lúa mì khi các thông tin của ngô đang khá vắng. Ngô là mặt hàng chịu áp lực bán nhẹ nhất thị trường nông sản trong đầu tuần này do lo ngại chung về triển vọng của nền kinh tế nên khi thị trường hồi phục trở lại thì giá ngô cũng không biến động quá mạnh.
So với giai đoạn cách đây vài tháng, biến động của ngô đang ngày càng hẹp hơn và mất đi vị thế thường xuyên dẫn đầu xu hướng của thị trường nông sản. Thay vào đó, giá ngô chủ yếu chịu tác động của dầu thô khi nhu cầu tiêu thụ trong sản xuất ethanol đang thu hút mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư.
Trong phiên hôm nay, có thể đà hồi phục của ngô vẫn sẽ được duy trì. Nếu như việc xuất hiện biến thể Omicron khiến cho giá đã giảm mạnh liên tục 2 phiên với mức giảm gần 30 cents thì khi đây không còn là vấn đề đáng lo ngại đối với thị trường thì theo chúng tôi, giá có thể hồi phục trở lại vùng trên của khoảng đi ngang trong vài phiên tới.
Khánh Linh
Tình hình lũ lụt ở Tây Nguyên có thể tiếp tục hỗ trợ cho giá Robusta lập đỉnh mới
Hai mặt hàng cà phê tiếp tục nối dài đà tăng trong phiên hôm qua. Hợp đồng Arabica tháng 3/2022 tăng 1.44% lên 236.6 cents/pound. Hợp đồng Robusta tháng 1/2022 lập đỉnh 10 năm mới, ở mức 2335 USD/tấn. Khoảng cách giữa hai Sở vẫn duy trì ở mức 55% chiết khấu cho giá Robusta.
Viện Cà phê Quốc gia Honduras (IHCAFE) mới đây công bố xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 11 cao hơn 173% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng cộng 151,512 bao. Lý do cho sự chênh lệch lớn này xuất phát từ việc, vào thời điểm này năm ngoái, Chính phủ Honduras thực hiện các chính sách đóng cửa và làm cho xuất khẩu cà phê của nước này giảm mạnh. Vì thế, khi các hoạt động giao thương bắt đầu khôi phục trở lại trong năm nay, khối lượng xuất khẩu của Honduras đã tăng mạnh.
Bên cạnh đó, việc sản lượng của Brazil và Colombia sụt giảm đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cà phê của các nước khác như Ethiopia hay Honduras. Hiện Honduras là nước có sản lượng Arabica lớn thứ tư trên thế giới. Tuy nhiên, những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu vẫn khiến cho khối lượng xuất khẩu của Honduras trong niên vụ 2021/22 giảm 2% so với kỳ trước còn, 5.7 triệu bao.
Tiên Phạm
Giá đồng có cơ hội phục hồi trong ngắn hạn nhờ vào lực mua kỹ thuật
Giá đồng hồi phục 1.21% lên 4.299 USD/pound sau hai phiên giảm liên tiếp do lực bán tháo trên một loạt các thị trường đầu tư.
Triển vọng tiêu thụ của đồng bị ảnh hưởng khi mà ở Mỹ xuất hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên. Tuy nhiên, trong phiên hôm qua giá đồng hồi phục mạnh mẽ nhờ vào lực bắt đáy. Bên cạnh đó, Ủy ban đồng Chile cũng công bố sản lượng của Công ty sản xuất đồng thế giới - Coldeco, và của mỏ đồng lớn nhất thế giới – Escondilda, đồng loạt giảm trong tháng 10, do ảnh hưởng của các cuộc biểu tình rải rác trên khắp cả nước. Một số cuộc biểu tình vẫn duy trì sang đến tháng 11, và có thể sẽ tiếp tục gây tổn thất đến sản lượng đồng của Chile.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, nơi tiêu thụ đồng số một thế giới, sản lượng đồng tinh luyện của nước này được dự đoán sẽ tăng nhẹ trong tháng 11, lên 850,000 tấn. Vì thế, nguồn cung đồng trên thế giới cũng sẽ không bị thâm hụt trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc vẫn duy trì các chính sách giãn cách nghiêm ngặt có thể khiến chó các hoạt động sản xuất bị đình trệ hơn và kìm hãm sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ đồng.
Tiên Phạm
Khả năng cao hôm nay sẽ tiếp tục là phiên giao dịch biến động với thị trường dầu
Đúng như kỳ vọng, hôm qua là 1 phiên giao dịch đầy biến động với giá dầu đi trong biên độ lớn lên đến 5 USD/thùng. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.42% lên 66.5 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1.16% lên 69.67 USD/thùng.
Mặc dù cuộc họp tháng 12 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng mimh OPEC+ đã kết thúc với quyết định duy trì mức tăng 400,000 thùng/ngày trong tháng 1 năm sau, triển vọng của thị trường không vì thế mà trở nên rõ ràng hơn. Đặc biệt là khi thị trường ngày càng chịu tác động nhiều giữa các thông tin mang tính chất “ngoại giao” giữa một bên là các nhà sản xuất lớn như OPEC+ và bên còn lại là các nước tiêu thụ, dẫn đầu là Mỹ.
Có vẻ như chính sách ngoại giao của Mỹ dành cho nhóm nước Trung Đông cuối cùng cũng đã giành hiệu quả, với một số nhà phân tích cho rằng Nhà Trắng cũng đã tác động phần nào đến kết quả ngày hôm qua. Hơn thế nữa, việc OPEC+ để ngỏ khả năng điều chỉnh chính sách cho thấy nhóm vẫn chưa từ bỏ quyền lực điều tiết thị trường của mình. Thêm vào đó, Nhà Trắng cũng cho biết họ sẽ điều chỉnh thời gian tung dầu từ kho dự trữ để đạt được hiệu quả lẫn độ linh hoạt cao.
Hồng Hoa
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV