menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 03/8/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

08:59 04/08/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 03/8/2022.
Giá đậu tương có khả năng sẽ tiếp tục giằng co và duy trì khoảng đi ngang quanh mức 1400 trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 03/08, giá đậu tương đang hồi phục và lấy lại sắc xanh sau 2 phiên lao dốc mạnh vào đầu tuần. Lực bán đang có dấu hiệu cân bằng trở lại khi giá gần như chỉ giằng co quanh mức 1400 trong suốt phiên hôm qua. Những thông tin về thời tiết trong ngắn hạn đã gần như phản ánh vào giai đoạn biến động mạnh mẽ vừa qua của đậu tương nên có thể biên độ giá mặt hàng này sẽ thu hẹp dần khi thị trường chờ đợi thêm thông tin cơ bản mới.
Dựa trên khảo sát với khách hàng kết hợp với các yếu tố đầu vào khác, hãng tin StoneX đã dự báo năng suất đậu tương niên vụ 22/23 của Mỹ là 51.3 giạ/mẫu và sản lượng 4.49 tỷ giạ. Đây là tổ chức đầu tiên đưa ra nhận định về triển vọng nguồn cung mùa vụ năm nay của đậu tương Mỹ. Số liệu này cũng đang cho thấy góc nhìn kém lạc quan hơn so với báo cáo Cung – cầu tháng 7. Theo đó, USDA hiện đang ước tính năng suất đậu tương ở mức 51.5 giạ/mẫu. Trong 2 tháng tới, các hãng tin và tổ chức lớn sẽ lần lượt đưa ra dự báo về con số này và đây sẽ là mốc tham chiếu mà thị trường cần chú ý xu hướng và so sánh với báo cáo WASDE. Dự báo của StoneX sáng nay đang góp phần hỗ trợ giá đậu tương tăng trở lại.
Đối với mùa vụ tại Brazil, hoạt động thu hoạch đã hoàn thành nên những số liệu về khả năng xuất khẩu cũng có tác động tới giá. Mới đây, Hiệp hội Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) đã giảm dự báo xuất khẩu đậu tương của Brazil trong tháng 08 xuống còn 5.10 triệu tấn, từ mức 7.39 triệu tấn trong tháng 07. Mức giảm này xuất phát từ việc chu kỳ xuất khẩu đậu tương cao điểm của đậu tương đã diễn ra trong tháng 3 – tháng 5 và nguồn cung đậu tương niên vụ 21/22 thắt chặt hơn. Chính vì thế nên số liệu này sẽ không quá ảnh hưởng tới giá. Ngoài ra, Brazil sẽ bước vào giai đoạn gieo trồng mùa vụ mới vào cuối tháng tới và ý định của nông dân sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến giá.

Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang được kỳ vọng sẽ là yếu tố kìm hãm lực mua của cà phê trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch 02/08, 2 mặt hàng cà phê đều có chung xu hướng giảm. Trong đó, Arabica giảm 1.55% và Robusta giảm nhẹ 0.22%. Nguyên nhân lý giải cho sự suy yếu này đến từ những lo ngại về suy thoái kinh tế tại các quốc gia nhập khẩu cà phê lớn như Mỹ và khu vực EU, làm giảm nhập khẩu, bất chấp sản lượng sụt giảm tại Honduras.
Theo số liệu từ Cooxupe, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất tại Brazil, tiến độ thu hoạch tính đến 29/07 đã đạt 62.77%, tăng khoảng 10 điểm phần trăm so với tuần trước, nhưng vẫn thấp hơn mức 63.14% của cùng kỳ năm ngoái cũng như 69.65% vào năm 2020. Dù vậy, đà tăng trưởng này không được tính là quá tồi vì vẫn duy trì tốc độ của các tuần trước. Thêm vào đó, dự báo thời tiết trong tuần này tại khu vực vành đai cà phê sản xuất Arabica chính của Brazil vẫn tiếp tục khô ráo, ủng hộ cho quá trình thu hoạch, giúp gia tăng kỳ vọng tiến độ sẽ đuổi kịp các năm trước trong thời gian ngắn tới.
Lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ leo thang sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, kỳ vọng sẽ là yếu tố đáng chú ý ảnh hưởng đến diễn biến giá cà phê trong thời gian tới. Nhiều khả năng các lệnh trừng phạt kinh tế tiếp tục được đưa ra, gián tiếp giáng thêm các đòn nặng nền vào 2 nền kinh tế hàng đầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái, khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê nối tiếp đà suy giảm và gây áp lực lên giá.
Về mặt kỹ thuật, giá đang nằm dưới cả 2 đường trung bình động MA10 và MA20, cùng với đường MACD giao nhau với đường Signal hướng xuống dưới, thêm chắc chắn cho xu hướng loa dốc. Kết hợp với các thông tin cơ bản thiên hướng tác động “bearish”, khả năng cao trong phiên hôm nay giá Arabica sẽ giảm về mức 205.08 USD.

Những yếu tố trái chiều sẽ khiến cho đà tăng của giá đồng chậm lại trong các phiên tới
Đồng mở cửa phiên giao dịch sáng nay với mức giá thấp hơn, tuy nhiên, lực mua cũng đang bắt đầu quay trở lại. Các yếu tố cung cầu trên thị trường Trung Quốc vẫn có thể đem lại cho thị trường đồng động lực tăng giá. Tuy nhiên, mức tăng sẽ hạn chế hơn cho với tuần trước khi những lo ngại về biến động địa chính trị sẽ làm giảm tâm lý đầu tư rủi ro.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đồng tinh luyện tại quốc gia này trong tháng 6 đạt mức 373.000 tấn, mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Trung Quốc là quốc gia sản xuất đồng tinh luyện lớn nhất trên thế giới. Việc tăng cường nhập khẩu mặt hàng này cho thấy những hoạt động tại các nhà máy luyện trong giai đoạn vừa qua vẫn còn gặp nhiều trở ngại bởi yếu tố dịch bệnh, ảnh hưởng tới sản lượng đầu ra. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh phần nào sự khởi sắc cho quá trình phục hồi về nhu cầu trong tháng 8 và sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng.
Trong khi đó, nguồn cung thu hẹp vẫn hứa hẹn mang lại động lực tăng cho thị trường đồng. Theo khảo sát mới nhất của Hãng thông tin kim loại Thượng Hải (SMM), tính đến ngày 1 tháng 8, tồn kho đồng cathode ở các khu vực chính tại Trung Quốc chỉ còn 69,400 tấn, giảm mạnh 86,500 tấn so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp mới trong 6 năm. Trên Sở giao dịch Thượng Hải, tồn kho đồng đang ở mức 5,151 tấn và là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1 năm nay.
Mặc dù vậy, trước những rủi ro xoay quanh căng thẳng Mỹ - Trung, cùng với lo ngại về suy thoái kinh tế trên toàn cầu, giá đồng vẫn đang được đặt trong những thách thức lớn. Trung Quốc đã công bố các biện pháp trừng phạt thương mại và các cuộc tập trận quân sự khiêu khích trong nhiều thập kỷ sau chuyến thăm của bà Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới Đài Loan. Những yếu tố này có thể sẽ tạo thêm gánh nặng cho tình hình thương mại vốn đang căng thẳng trên toàn cầu và gây áp lực tới thị trường đồng.

Dầu thô nhiều khả năng tiếp tục gặp áp lực khi các rủi ro địa chính trị và nhu cầu gia tăng trên thị trường
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch sáng nay, khi thị trường vẫn đang tỏ ra lo ngại về rủi ro địa chính trị gia tăng.
Thị trường vẫn đang theo dõi sát các thông tin về phản ứng của các bên giữa chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi với Đài Loan. Trung Quốc đã tiến hành tập trận quanh vùng Đài Loan. Điều này khiến cho thị trường lo ngại có thể khiến cho căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên, gây khó khăn cho thương mại cũng như thị trường tài chính. Dollar Index tiếp tục tăng điểm cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang nhạy cảm với và tâm lý tránh rủi ro vẫn đang cao hơn bao giờ hết và lượng tiền mặt các nhà đầu tư nắm giữ sẽ chưa quay trở lại thị trường.
Ngày hôm nay, cuộc họp của OPEC+ sẽ là tâm điểm của thị trường, bên cạnh báo cáo dầu hàng tuần của Cơ quan Năng lượng Mỹ EIA. Thị trường sẽ chờ đợi xem chính sách của OPEC+ sẽ tiến triển như thế nào, sau khi các nước thành viên đã kết thúc các ràng buộc về sản lượng đề ra trong cuộc họp tháng 04/2020. Trong khi đó, mặc dù số lượng trong báo cáo của EIA tuần trước cho thấy tiêu thụ dầu tại Mỹ phần nào phục hồi, tuy nhiên hoàn toàn có khả năng con số tối nay sẽ cho thấy tín hiệu này bị đảo ngược, gây áp lực với giá dầu.
Giá dầu đang giảm về mức hỗ trợ cũ 93 USD/thùng. Bollinger Band trên khung H4 đang có xu hướng mở rộng và hướng về phía dưới, cùng với các chỉ số MACD và RSI khá tiêu cực, cho thấy khả năng giá sẽ giảm tiếp.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc