menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 13/7/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:33 13/07/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 13/7/2022.
Rủi ro về nắng nóng gây ảnh hưởng tới mùa vụ Mỹ vẫn duy trì, giá ngô có thể hồi phục trở lại
Giá ngô mở cửa phiên sáng nay chỉ tăng nhẹ sau phiên lao dốc mạnh do tác động từ báo cáo Cung cầu tháng 7 tối qua. Những số liệu đáng chú ý tạo áp lực và khiến giá ngô quay trở lại vùng đáy thấp nhất trong 1 năm qua vẫn là về triển vọng nguồn cung từ Mỹ. Những biến động này theo chúng tôi vẫn đang nằm trong chu kỳ hàng năm của nhóm nông sản. Mặc dù giá ngô năm nay hiện vẫn đang cao hơn so với cùng kì năm ngoái nhưng những diễn biến giá ngô vẫn có sự tương đồng.
Khác với thị trường lúa mì, nguồn cung ngô toàn cầu có đặc điểm tập trung hơn khi chỉ phụ thuộc vào 2 khu vực chính là Mỹ và Nam Mỹ. Nếu như 2 nước sản xuất lớn là Argentina và Brazil đã thu hoạch và các số liệu dự báo sản lượng không còn tác động đáng kể đến giá trong giai đoạn này thì yếu tố gần như duy nhất có thể quyết định đến xu hướng của ngô trong thời gian tới là triển vọng mùa vụ của Mỹ. Trong đó, diện tích đã được phản ánh trong báo cáo ngày 30/06 và nếu có điều chỉnh thì sẽ thường xuất hiện trong báo cáo tháng 11. Chính vì thế nên thời tiết trong tháng 7 và tháng 8 sẽ quyết định lên giá ngô. Mặc dù các số liệu về nguồn cung đang khá tích cực khi tồn kho của Mỹ và thế giới niên vụ 22/23 được cải thiện nhưng kịch bản không chắc chắn do rủi ro khô nóng đang đe doạ đến giai đoạn phát triển quan trọng nhất của cây trồng. Với triển vọng sắp tới, chúng tôi vẫn cho rằng giá ngô có thể sẽ bước vào xu hướng đi ngang trong vài tuần tới, như diễn biến trong cùng kì năm ngoái.
Về nhu cầu, thông tin về khả năng Brazil đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc trong nửa cuối năm nay cũng sẽ là yếu tố có tác động đến giá trong trung và dài hạn. Vào tháng 5, sau khi kí kết giữa 2 nước được hoàn thành, Trung Quốc đã chấp thuận một số loại ngô biến đối gen từ quốc gia Nam Mỹ này và mở ra giai đoạn cơ cấu nhập khẩu có thể thay đổi. Tuy nhiên, do trong ngắn hạn các đơn hàng vẫn chưa bắt đầu nên thông tin này có thể sẽ được phản ánh dần qua các số liệu xuất khẩu vài tháng tới.

Giá bông nhiều khả năng tiếp tục giảm trước dự báo cắt giảm nhập khẩu từ các quốc gia nhập khẩu chính
Kết thúc phiên giao dịch 12/07, bông có phiên giảm kịch sàn do Trung Quốc dự kiến nhập khẩu bông trong năm nay giảm 8 triệu kiện. Đường có phiên giảm gần 1% dưới sức ép của việc giá dầu giảm.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự kiến tăng nhập khẩu đường của nước này khoảng 500,000 tấn từ 3 triệu tấn lên 3.5 triệu tấn. Là quốc gia nhập khẩu đường lớn thứ 3 thế giới, việc tăng nhập khẩu của quốc gia này có ảnh hưởng lớn và tác động tích cực lên giá trước bối cảnh giá đang chịu áp lực từ việc giá dầu giảm. Cùng với đó, theo dữ liệu từ tập đoàn Unica, sản lượng đường trong nửa cuối tháng 06 tại Trung Nam, Brazil đạt 2.48 triệu tấn, giảm 14.98% so với cùng kỳ tháng trước và thấp hơn mức dự báo 2.53 triệu tấn của S&P Commdity, do tỷ lệ mía dùng cho sản xuất ethanol trong giai đoạn này tăng từ 52.4% lên 54.54% so với cùng kỳ năm ngoái, đây sẽ là thông tin hỗ trợ giá trong phiên hôm nay.
Về mặt kỹ thuật, giá đường nhiều khả năng đi ngang khi đường SMA13 nằm dưới SMA34 nhưng có xu hướng chếch nhẹ lên, trong khi, đường SMA34 có xu hướng đi xuống khiến giá đóng cửa của đường nằm giữa 2 chỉ báo này, thể hiện giá co xu hướng giằng co. Dải Bollinger có xu hướng thắt lại củng cố thêm cho lập luận giá bông sẽ giằng co trong phiên hôm nay.
Theo báo cáo Cotton: World Markets and Trade của USDA tháng 06, dự kiến lượng tiêu thụ và nhập khẩu bông của các nước trên thế giới có sự suy giảm so với số liệu trong báo cáo hồi tháng 05. Thêm vào đó, Trung Quốc dự kiến giảm 8 triệu kiện bông nhập khẩu trong năm nay, do tác động của covid sẽ là nhân tố gây áp lực lên giá. Giới hạn giá bông trong phiên hôm nay cũng được mở rộng lên 5 cents/pound sau phiên giảm kịch sàn hôm qua.
Về mặt kỹ thuật, giá khả năng cao tiếp tục giảm khi dải Bollinger tiếp tục mở rộng xuống dưới và đường trung bình MA20 cũng theo xu hướng này. Đường SMA34 ở phía trên cắt đường SMA13 và có chiều hướng đi xuống cùng với đường MACD giao với đường Signal nằm dưới đường 0 thể hiện xu hướng giảm giá.

Giá đồng có thể tiếp tục lao dốc nếu dữ liệu lạm phát tại Mỹ chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt
Sau phiên lao dốc mạnh hơn 4% vào hôm qua, giá đồng có xu hướng bật tăng trở trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây chỉ là nhịp tăng điều chỉnh trước khi giá đồng tiếp tục đà suy yếu khi các tin tức vĩ mô vẫn chưa cho thấy những dấu hiệu tích cực đáng kể nào.
Sáng nay, một số các Ngân hàng Trung ương trên thế giới tiếp tục nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Quốc gia nhập khẩu đồng lớn thứ 3 trên thế giới, Hàn Quốc đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, trở thành mức tăng lớn nhất kể từ khi lãi suất trở thành công cụ tiền tệ chính của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) vào cuối những năm 1990. Nền kinh tế của quốc gia này có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Quyết định này cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng tại BOK về tính cần thiết phải kiềm chế sự leo thang của giá cả đang tiếp tục vượt xa kỳ vọng, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức về tăng trưởng chậm lại.
Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương New Zealand vào sáng nay cũng đã tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm trong cuộc họp lần thứ 3 liên tiếp và cho biết họ sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách "theo tốc độ" cho đến khi chắc chắn kiềm chế lạm phát.
Tối nay, dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tại Mỹ sẽ được công bố và thị trường đồng có thể biến động mạnh khi mạnh mối về lạm phát và các bước đi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dần được hé lộ. Vào hôm qua, các nhà phân tích của Citigroup viết trong một lưu ý cho khách hàng rằng CPI tháng 6 của Mỹ nhiều khả năng sẽ chưa cho thấy tín hiệu hạ nhiệt đối với lạm phát. Dự báo của các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng mặc dù CPI lõi loại sự biến động của năng lượng và thực phẩm sẽ hạ nhiệt, nhưng CPI chung vẫn sẽ tiếp tục mức tăng 0.6% so với tháng trước và 8.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu những con số này tiêu cực, trong bối cảnh sự chặt chẽ trong thị trường lao động vẫn chưa bị phá vỡ, 75 điểm trong cuộc họp cuối tháng của Fed là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra. Thị trường đồng có thể tiếp tục suy yếu trước những thông tin này, nhất là khi khả năng bứt phá trong nhu cầu về đồng tại Trung Quốc vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Về mặt kỹ thuật, trên khung H1, giá đang có xu hướng giằng co tại vùng giá 3.27 USD/pound và nhiều khả năng sẽ dao động với biên độ hẹp trong phiên hôm nay. Nếu chỉ số CPI tích cực hơn kỳ vọng, giá đồng có thể hồi lên mức 3.4 USD/pound.

Sẽ cần thêm thời gian trước khi dầu có thể lấy lại cột mốc 100 USD/thùng
Giá dầu vẫn chưa thể lấy lại mốc 100 USD/thùng, bất chấp một loạt các yếu tố hỗ trợ giá trong báo cáo của OPEC và phát biểu của IEA tối qua.
Trong lần đầu tiên đưa ra dự đoán về nhu cầu tiêu thụ dầu năm 2023, OPEC đưa ra kỳ vọng rất lạc quan rằng nhu cầu tiêu thụ sẽ ở mức kỷ lục 103 triệu thùng/ngày trong năm sau. Trong khi đó, IEA cho rằng khủng hoảng năng lượng hiện tại còn tồi tệ hơn giai đoạn 1970, do khủng hoảng đã lan ra từ dầu thô đến cả khí đốt và than đá.
Một rủi ro khiến cho giá có thể leo thang đó chính là việc nhóm các nước G7 thất bại trong việc đưa ra mức giá trần cho dầu nhập khẩu của Nga. Biện pháp đặt mức giá trần có luận điểm là sẽ tạo ra khoảng giá đủ để đáp ứng chi phí sản xuất của Nga để phần nào thúc đẩy nước này xuất khẩu, mặt khác tránh cho nước này thu được khoản lợi nhuận lớn. Theo nguồn tin của Reuters, Nhật Bản đang xem xét vùng giá 40-60 USD/thùng. Dù vậy, vẫn còn nhiều bất ổn trong tính khả thi của đề án này, nhất là liệu Nga có sẵn sàng chịu mức giá áp đặt này hay không, hay là sẽ đáp trả bằng việc giảm xuất khẩu để thúc đẩy giá trên thị trường quốc tế tăng mạnh. Bên cạnh đó, 2 nước mua dầu lớn của Nga là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không dễ dàng tham gia thỏa thuận này. Theo một quan chức Mỹ, trong trường hợp xấu nhất, giá dầu có thể tăng vọt lên mức 140 USD/thùng. Các yếu tố này có thể giúp cho giá dầu phục hồi về vùng 100 USD/thùng trong 1-2 tuần tới.
Trên biểu đồ ngày, RSI và MACD đang hướng sâu xuống bên dưới, và MACD liên tục duy trì tại vùng âm. Giá đang tiếp cận vùng hỗ trợ mạnh 94,4 USD/thùng, tuy nhiên sẽ rất rủi ro để tiến hành mua “bắt đáy”. Do đó, các nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát thị trường trong phiên hôm nay.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc