Giá lúa mì có khả năng sẽ hồi phục trở lại sau khi chạm hỗ trợ 870 do lo ngại đối với mùa vụ các nước sản xuất lớn
Mở cửa phiên giao dịch ngày 13/10, giá lúa mì đang hồi phục trở lại sau phiên suy yếu do ảnh hưởng từ các số liệu của báo cáo Cung – cầu tháng 10. Những nghi ngờ của thị trường về việc USDA đang phản ánh chậm trễ mùa vụ thuận lợi năm nay của Nga và kỳ vọng vào sự điều chỉnh ở các báo cáo sau đã khiến lúa mì trở thành mặt hàng giảm mạnh nhất trong phiên hôm qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, lực bán sẽ khó duy trì do nhìn chung, nguồn cung lúa mì toàn cầu vẫn đang thắt chặt khi mùa vụ ở các nước sản xuất lớn khác đang đứng trước nguy cơ thiệt hại đáng kể so với dự kiến ban đầu.
Quốc gia hiện đang gặp bất lợi về thời tiết nhất là Argentina. Trung tâm nghiên cứu hàng hóa của Refinitiv mới đây đã giảm dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 22/23 của nước này xuống còn 16.4 triệu tấn, giảm 3% so với dự báo trước đó, do hạn hán trên vùng đồng bằng Pampas tiếp tục trở nên tồi tệ hơn. Nhiệt độ dự kiến sẽ duy trì ở mức trung bình vào cuối tháng 10, nhưng không có dấu hiệu cho thấy khô hạn sẽ kết thúc. Hầu hết các vùng sản xuất lúa mì chính của Argentina (trừ La Pampa) đều ghi nhận độ ẩm đất thấp nhất trong vòng 5 năm. Nếu như mô hình La Nina tái xuất hiện trong năm thứ 3 liên tiếp nữa thì độ ẩm sẽ càng trở nên thâm hụt hơn nữa và khiến cho cây trồng liên tục chịu căng thẳng trong suốt giai đoạn phát triển vì thiếu nước.
Tại Mỹ, mặc dù tồn kho lúa mì cuối niên vụ 22/23 được dự báo ở mức 576 triệu giạ, cao hơn so với mức 563 triệu giạ trong báo cáo trước đó nhưng đây vẫn là mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Ngoài ra, dự báo thời tiết ngắn hạn cho thấy khí hậu sẽ đột ngột chuyển sang lạnh trong tuần tới trên khắp các vùng Đồng bằng và Midwest. Hiện tượng lạnh bất thường cũng có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 02 năm sau, tiềm ẩn nguy cơ lúa mì bị thiệt hại do băng giá.
Giá cà phê khả năng cao sẽ giằng co trong phiên hôm nay khi các thông tin cơ bản diễn biến trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/10, giá 2 mặt hàng cà phê đồng loạt giảm. Trong đó, Arabiac giảm mạnh gần 4% do dữ liệu xuất khẩu cà phê trở nên tích cực trong tháng 09 của Brazil kết hợp với mưa tại vành đai trồng cà phê chính ủng hộ cho sự phát triển cây trồng trong niên vụ sau, Robusta có phần khiêm tốn hơn với mức giảm hơn 1%.
Đà giảm của tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US những phiên gần đây đã có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, từ đầu tháng 10 đến nay, tổng lượng tồn kho chỉ ghi nhận mức giảm nhẹ với 907 bao loại 60kg, thấp hơn rất nhiều so với mức giảm 74,308 bao trong 10 ngày trước đó. Việc đà giảm chững lại cũng được xem là tín hiệu tốt với nguồn cung sau thời gian dài giảm sâu, từ đó thúc đẩy lực bán trên thị trường.
Dự báo thời tiết trong 10 ngày tới cho thấy mưa vẫn tiếp tục diễn ra tại khu vực Đông Nam, vùng trồng cà phê chính của Brazil. Điều này được dự đoán sẽ tiếp tục cung cấp độ ẩm nhất định cho sự phát triển cây trồng tại đây, từ đó thúc đẩy nguồn cung cà phê cho niên vụ tiếp theo.
Trong tối nay, số liệu về giá tiêu dùng CPI tháng 09 của Mỹ sẽ được công bố, đây sẽ là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định tăng lãi suất trong lần điều chỉnh sắp tới của Cục Dự trữ Liên bảng Mỹ (FED). Do vậy, chỉ số Dollar Index có thể sẽ giao động mạnh trong tối nay và kéo theo sự giá cà phê.
Rủi ro dịch bệnh và sức ép vĩ mô có thể đồng thời tác động đến giá đồng trong phiên hôm nay
Giá đồng đang đón nhận lực bán tương đối mạnh trước khi thị trường tập trung phân tích dữ liệu lạm phát tháng 9 của Mỹ sẽ được công bố vào tối nay. Nhiều khả năng áp lực giảm giá vẫn còn tiềm ẩn khi rủi ro dịch bệnh tiếp tục gia tăng tại các trung tâm kinh tế của Trung Quốc, trong khi áp lực lạm phát nhiều khả năng vẫn sẽ còn cao.
Theo Bloomberg, số ca nhiễm Covid-19 tại thành phố Thượng Hải đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua, làm dấy lên lo ngại về các đợt phong toả mới. Thành phố cảng Thiên Tân đã phong tỏa một quận và siêu đô thị phía nam Quảng Châu, đã đóng cửa một số trường học. Trịnh Châu, một trung tâm sản xuất iPhone, cũng đã phong tỏa ít nhất hai quận. Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Trung Quốc lần thứ 4 trong tuần này đã có bài báo cho thấy sự ủng hộ đối với chính sách Zero- Covid, ngay trước thềm Đại hội Đảng. Điều này đang làm dấy lên lo ngại rằng Chính sách này khó có thể được tháo gỡ trong ngắn hạn. Do đó, rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế vẫn còn tiềm ẩn sẽ là lực cản đối với tiêu thụ kim loại nói chung và đồng nói riêng tại Trung Quốc.
Mặc dù một số lo ngại về phía nguồn cung tại Nam Phi do đối mặt với các cuộc đình công ở đường sắt và cảng dẫn đến tình trạng tồn đọng hàng hóa và gián đoạn chuỗi cung ứng có thể hỗ trợ nhẹ cho giá, song rủi ro về nhu cầu suy yếu nhiều khă năng vẫn sẽ là yếu tố lấn át đối với thị trường đồng. Tồn kho đồng trên sở Thượng Hải cũng đang tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 7 lên hơn 14,000 tấn, trong khi nhu cầu chưa có sự bứt phá rõ rệt sẽ khó hỗ trợ cho giá đồng trong giai đoạn hiện nay.
Về mặt vĩ mô, các nhà đầu tư sẽ chờ đợi dữ liệu lạm phát trong tháng 9 của Mỹ được công bố vào tối nay. Hôm qua, chỉ số giá sản xuất PPI đã tăng 0.4% so với tháng trước, vượt kỳ vọng tăng 2% của các chuyên gia kinh tế. Lạm phát đầu vào vẫn ở mức cao khó có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng CPI hạ nhiệt một cách đáng kể. Trong trường hợp CPI tháng 9 của Mỹ tăng mạnh hơn dự báo 8.1%, lo ngại lãi suất tiếp tục được nâng cao sẽ khiến giá đồng gặp áp lực.
Giá dầu vẫn còn có khả năng phục hồi trong phiên hôm nay khi rủi ro nguồn cung chưa được xóa bỏ
Giá dầu giảm trong phiên sáng nay dưới tác động của báo cáo EIA và OPEC. Trong báo cáo thị trường mới nhất, cả 2 cơ quan này đều đang nhấn mạnh rủi ro về phía nhu cầu suy yếu đối với thị trường. Dù vậy, khả năng giá phục hồi vẫn còn khi nguồn cung thực tế vẫn đang chứa đựng nhiều ẩn số.
Trên thị trường vẫn không thiếu những lời cảnh báo nguồn cung sụt giảm do tác động của các lệnh cấm vận đối với nguồn cung dầu từ Nga. Nguyên nhân là do khó có thể nói trước tác động thực sự của các lệnh cấm vận của phương Tây sẽ như thế nào, khi họ vẫn đang thúc đẩy kế hoạch áp đặt trần giá dầu lên cho Nga dù OPEC+ đã cắt giảm sản lượng. Nga đã cảnh báo có trả đũa các lệnh trừng phạt bằng việc ngừng bán dầu cho nước nào tham gia vào kế hoạch chống lại nước này. Mặc dù trong báo cáo tháng 10, IMF cho rằng GDP của Nga trong năm 2022 và 2023 sẽ tăng trưởng âm ở mức -3.4% và -2.3%, tuy nhiên, thực chất đây là điều chỉnh tăng 2.6% và 1.2% so với con số đưa ra trong tháng 7. Hưởng lợi từ giá khí tự nhiên và giá dầu tăng đã giúp cho Nga tránh được sụt giảm mạnh trong kinh tế và giúp họ giữ được kinh tế không quá suy giảm, có thể chống chịu tốt dù có phải đối mặt với gói trừng phạt thứ 8. Và thực chất, hàng năm doanh thu từ dầu chiếm khoảng 10% GDP nước này, chứ không phụ thuộc quá nhiều như Saudi Arabia, với tiền bán dầu đóng góp đến 40-50% GDP. Do đó, khả năng Nga hy sinh khối lượng bán dầu cũng không phải nhỏ. Nhất là nếu giá dầu tăng, Nga hoàn toàn có thể bù đắp doanh thu bị mất.
Nguồn:Vinanet/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)