menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 14/7/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:03 14/07/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 14/7/2022.
Nhu cầu nhập khẩu ngô Mỹ suy yếu có thể sẽ tạo sức ép và khiến giá điều chỉnh về vùng 580
Mặc dù mở cửa phiên sáng nay trong sắc xanh nhưng lực mua đối với ngô vẫn đang bị hạn chế ở vùng kháng cự tâm lí 600. Nguồn cung hiện tại đang phụ thuộc phần lớn vào triển vọng thời tiết ở Midwest cho tới hết tháng 8. Với bối cảnh nhu cầu đang là yếu tố “bearish”, chúng tôi vẫn cho rằng giá sẽ bước vào xu hướng kể từ nay cho tới cuối năm. Tuy nhiên, cho tới khi lo ngại về nắng nóng ảnh hưởng tới mùa vụ của Mỹ được xoa dịu thì giá ngô sẽ khó giảm sâu xuống dưới vùng 570 do đây là vùng giá ngô ở trong cùng kì năm ngoái. Mặc dù thời tiết đang là yếu tố chung mang tính chu kỳ nhưng sự gián đoạn xuất khẩu ở Ukraine vẫn khiến cho nguồn cung năm nay vẫn thắt chặt hơn năm ngoái.
Xét về nhu cầu, các số liệu trong báo cáo hàng tuần tại Mỹ đang củng cố cho khả năng tồn kho cuối vụ 22/23 của Mỹ sẽ gia tăng. Khối lượng bán hàng ngô trong tuần trước đã giảm mạnh về mức thấp nhất niên vụ. Chỉ số Dollar-Index tăng mạnh và tiếp tục đạt mức đỉnh mới trong 20 năm qua khiến cho giá ngô CBOT trở nên kém cạnh tranh hơn so với nguồn cung từ Nam Mỹ. Bên cạnh đó, những rào cản ban đầu trong việc mua hàng từ Brazil của Trung Quốc cũng đã bị xoá bỏ khi dự báo cho thấy xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh trong nửa cuối năm nay. Mặc dù động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đi tìm nguồn cung thay thế cho Ukraine nhưng với đặc điểm mức giá cạnh tranh và sản lượng hàng năm cũng được gia tăng, có thể trong thời gian tới Brazil cũng sẽ giành bớt một phần thị phần xuất khẩu của Mỹ.
Trong báo cáo Export Sales tối nay, khối lượng bán hàng của Mỹ cũng được dự báo nhiều khả năng vẫn sẽ tiêu cực. Nếu như các số liệu tới cho thấy các đơn hàng bị vẫn tiếp tục bị huỷ thì sẽ là dấu hiệu cho thấy xuất khẩu ngô của Mỹ nhiều khả năng sẽ bị cắt giảm do cạnh tranh từ nguồn cung Nam Mỹ và từ đó tạo áp lực lên giá mặt hàng này.

Arabica khả năng cao quay lại đà giảm khi nguồn cung từ Brazil đang dần được cải thiện
Kết thúc phiên giao dịch 13/07, hai mặt hàng cà phê đều có sự khởi sắc vì lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn, khi tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US tiếp tục giảm về mức thấp nhất gần 23 năm qua.
Cooxupe, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất Brazil, cho biết, thu hoạch cà phê khu vực này đạt 33.29% tăng so với mức 25.72% của tuần trước nhưng vẫn thấp hơn mức 35.61% của cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Cepea cho biết, mặc dù xuất khẩu cà phê trong niên vụ vừa qua, tính đến hết tháng 06, giảm so với niên vụ trước nhưng riêng Arabica trong tháng 06 tăng 11.5%. Trong khi những lo ngại về suy thoái toàn cầu vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), thì xuất khẩu cà phê tăng khả năng cao là do việc thu hoạch cà phê tại Brazil có sự cải thiện so với giai đoạn trước đó, làm gia tăng cung ứng ra thị trường và gây sức ép lên giá.
Về mặt kỹ thuật, dải Bollinger mở rộng xuống dưới, đường SMA13 giao nhau với đường SMA34 theo hướng đi xuống, kết hợp với đường MACD cắt đường Signal và đi xuống dưới đường 0, thể hiện xu hướng giảm của giá. Cùng với thông tin cơ bản có tác động bearish giá, nhiều khả năng giá Arabica trong phiên hôm nay sẽ quay lại đà giảm sau phiên khởi sắc trước đó.
Lo ngại về suy thoái kinh tế có thể tiếp tục là yếu tố gây tác động tiêu cực lên giá Robusta. Cà phê Robusta tại Rondônia và Espírito Santo đang bước vào những ngày thu hoạch cuối cùng, dự kiến sẽ hoàn thành việc thu hoạch trong nửa cuối tháng 07. Cepea cũng cho biết thêm, chất lượng cà phê trong niên vụ này đang rất tốt, sản lượng dự kiến sẽ thấp hơn 1 chút so với mức dự báo 22.8 triệu bao của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra hồi tháng 06 nhưng sẽ cao hơn dự báo 17.7 triệu bao của Conab.

Giá đồng có thể sẽ tiếp tục giảm trước lo ngại về lãi suất và triển vọng nhu cầu thực tế yếu ớt
Đồng mở cửa phiên giao dịch sáng nay với mức giá cao hơn, tuy nhiên, giá đồng đã tiếp tục đà giảm trong phiên trước áp lực lạm phát tăng cao và lo ngại về các hành động thắt chặt của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới.
Trước đó, giá đồng đã nhận được động lực tăng giá nhẹ sau khi dữ liệu nhập khẩu đồng tại Trung Quốc cho thấy dấu hiệu cải thiện hơn so với các tháng trước đó. Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy nhập khẩu đồng tháng 6 của Trung Quốc tăng 15.5% so với một tháng trước lên 537,000 tấn và là mức tăng lớn nhất kể từ đầu năm đến nay. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng tích cực của chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong tháng qua của Trung Quốc, sau đợt phong toả làm tê liệt hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, nhu cầu cuối cùng của Trung Quốc nhiều khả năng vẫn còn bị hạn chế bởi các chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt tiếp diễn. Bên cạnh đó, ngành bất động sản và xây dựng đang đứng trên bờ vực nợ xấu gia tăng. Một số lượng người mua nhà Trung Quốc bất mãn và đang từ chối trả tiền thế chấp cho các dự án xây dựng chưa hoàn thành. Theo Bloomberg, nhiều người mua nhà đã ngừng thanh toán thế chấp cho ít nhất 100 dự án tại hơn 50 thành phố tính đến thứ Tư. Con số này tăng từ 58 dự án vào thứ Ba và chỉ có 28 dự án vào thứ Hai. Triển vọng bất động sản xấu đi có thể cản trở tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc, khi ngành này vốn chiếm tới khoảng 20% GPD quốc gia này. Đồng thời, hơn 20% nhu cầu đồng cho ngành xây dựng cũng gặp nhiều thách thức và do vậy, thị trường đồng vẫn ít khả năng phục hồi mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, yếu tố vĩ mô vẫn đang là tâm điểm chi phối mạnh nhất tới giá đồng, đặc biệt là khi CPI tháng 6 tại Mỹ tăng vọt 9.1%, mức cao nhất trong gần 4 thập kỷ và làm dấy lên lo ngại về mức tăng lãi suất kỷ lục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thêm 100 điểm cơ bản ngay trong cuộc họp tháng này. Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME ngay lập tức cho thấy có tới 75% tin vào mức tăng này. Con số này vào tuần trước chỉ là 0%. Nếu các dữ liệu về lạm phát chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể nào vào 2 tháng tiếp theo, rất có thể mức tăng vào cuộc họp tháng 9 cũng sẽ quanh mức 50 – 75 điểm cơ bản. Đây sẽ là trở lực lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và giá đồng nhiều khả năng vẫn còn dư địa giảm giá.

Nhiều khả năng dầu thô sẽ còn tiếp tục điều chỉnh khi thị trường chờ đợi kết quả lãi suất của Fed
Giá dầu nhanh chóng đánh mất đà tăng trong phiên sáng khi thị trường vẫn chưa tìm được động lực bứt phá để lấy lại cột mốc 100 USD/thùng.
Thời điểm hiện tại, có thể thấy rõ sự phân hóa trên thị trường hàng thực và thị trường tương lai. Thực tế, giá bán chính thức của các quốc gia Trung Đông như của Saudi Arabia liên tục tăng, cho thấy sự thiếu hụt thấy rõ tại thời điểm hiện tại. Các mốc giá chính, như dầu Forties tại Biển Bắc và dầu thô Midland của Mỹ, đang giao dịch ở mức phí cao hơn so với giá dầu trên thị trường tương lai. Điều này tạo ra sự hỗ trợ mạnh cho giá trên thị trường tương lai, khiến cho giá không sụt giảm quá sâu khỏi cột mốc 100 USD/thùng.
Ngoài ra, đối với thị trường hôm nay, quan trọng sẽ là thông tin về chỉ số giá đầu vào PPI. Ngày hôm qua, CPI tại Mỹ tăng mạnh 9.1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức kỳ vọng 8.8% của thị trường đã tạo ra lo ngại Fed sẽ tiến hành tăng lãi suất kỷ lục thêm 100 điểm phần trăm. Nếu hôm nay PPI tăng mạnh hơn cả mốc kỳ vọng 10.7%, khả năng cao các nhà đầu tư sẽ tiếp tục rút tiền khỏi các tài sản tài chính và chuyển sang nắm giữ tiền mặt, cùng lúc đẩy giá Dollar Mỹ lên cao và gây sức ép lớn đến giá dầu. Có thể thấy, cho đến khi có quyết định chính thức từ cuộc họp của Fed trong cuối tháng 7, dầu sẽ còn chịu nhiều sức ép, và có thể sẽ còn điều chỉnh.
Giá dầu chỉ dao động ở nửa dưới của Bollinger Band, cùng với việc các chỉ số RSI và MACD đều hướng sâu xuống dưới cho thấy áp lực bán rất mạnh. Hiện giá đang được hỗ trợ ở mức 94 USD, tuy nhiên khối lượng giao dịch giảm dần và thường thấp hơn ở những phiên tăng nên giá dầu có thể biến động hẹp hơn.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc