menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 17/12/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:20 17/12/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 17/12/2021.
Ảnh hưởng của khô hạn tại Nam Mỹ ngày càng rõ ràng hơn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô
Mở cửa phiên giao dịch ngày 17/12, giá ngô vẫn đang giằng co mạnh sau khi vượt lên vùng đi ngang 575 – 590. Thị trường nông sản đang diễn biến ảm đạm hơn trong phiên cuối tuần kéo theo việc lực mua càng không đủ mạnh để khiến giá tiếp tục hướng lên vùng kháng cự tâm lí 600.
Từ nay cho tới hết tháng 12 này, thời tiết ở Nam Mỹ vẫn sẽ là yếu tố được nhắc đến nhiều nhất khi nói về nguồn cung ngô thế giới. Và với dự báo thời tiết cho thấy khô hạn tiếp tục kéo dài trong vài tuần nữa thì giá ngô vẫn sẽ tiếp tục được hỗ trợ. Thậm chí tác động “bullish” từ thông tin này sẽ ngày càng mạnh hơn do đến hiện tại, phần lớn các tổ chức vẫn đang theo dõi và chưa phản ánh vào các mức dự báo sản lượng của Argentina và Brazil.
Trong khi đó, tác động tới chất lượng mùa vụ đang trở nên rõ ràng hơn. Công ty tư vấn IHS Markit vừa cắt giảm sản lượng ngô vụ 1 của Brazil xuống mức 28.3 triệu tấn từ mức 29.5 triệu tấn trong báo cáo trước.
Khánh Linh
 
Sản lượng cà phê ở Brazil cải thiện có thể khiến cho giá cà phê giảm trong phiên hôm nay
Giá hai mặt hàng cà phê giảm nhẹ trong phiên hôm qua, với hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 0.2% còn 236.9 cents/pound, hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 0.25% còn 2341 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn duy trì ở mức 53% chiết khấu cho giá Robusta.
Các yếu tố hỗ trợ cho giá của cả hai mặt hàng cà phê dường như đã phản ánh hết vào giá, những tin tức mới như dự báo sản lượng của Cơ quan Cung ứng Lương thực Brazil (CONAB) sẽ là chất xúc tác cho thị trường trong giai đoạn tới.
Ngoại trừ sản lượng Robusta, tổng sản lượng cà phê và sản lượng Arabica của Brazil đều giảm mạnh trong năm nay so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với dự báo đưa ra trong giai đoạn trước đó, dự báo mới nhất của CONAB cho thấy sản lượng cà phê của Brazil đã được cải thiện.
Cụ thể, sản lượng Arabica tăng lên 31.42 triệu bao, còn sản lượng Robusta cũng tăng lên 16.29 triệu bao, đồng nghĩa với việc sản lượng cuối niên vụ này của Brazil sẽ đạt 47.72 triệu bao, tăng gần 2% so với ước tính trước đó.
Tiên Phạm
 
Giá đồng có thể giảm điều chỉnh trong phiên hôm nay trước khi tiếp tục tăng
Giá đồng hồi phục gần 3% lên 4.3 USD/pound, kết thúc chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp.
Thị trường đồng hồi phục chủ yếu nhờ vào lực bắt đáy khi giá giảm về vùng hỗ trợ cứng 4.2. Bên cạnh đó, sức mua cũng được lan tỏa từ tâm lý tích cực nói chung trên thị trường kim loại, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất lên 0.25% khiến cho đồng USD bị yếu đi.
Mức tồn kho đồng trên Sở LME tăng nhẹ, vẫn ở dưới 90,000 tấn, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng của các kho châu Á. Có thể thấy, việc mỏ đồng lớn thứ 9 thế giới Las Bambas ngừng hoạt động tạm thời chưa gây nên sự xáo trộn quá lớn đối với cán cân cung cầu của thị trường.
Các số liệu kinh tế của Mỹ được công bố trong hôm qua cũng không quá tịch cực, và khó có thể hỗ trợ cho giá đồng tăng mạnh. Mức tăng trưởng trong sản lượng công nghiệp của Mỹ cũng chỉ đạt 0.5%, và chỉ bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng của tháng 10. Chỉ số PMI sản xuất trong tháng 11 của nền kinh tế số một thế giới đã giảm về dưới mức 57.8 điểm.
Tiên Phạm
 
Mắc kẹt trong khoảng giao dịch hẹp, giá dầu ít có cơ hội bứt phá trong hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá dầu WTI tăng 2.13% lên 72.38 USD/thùng, giá Brent tăng 1.54% lên 75.02 USD/thùng. Mặc dù vẫn nằm vững chắc trên cột mốc vùng 70 USD/thùng, giá dầu hiện tại thấp hơn hẳn các dự báo 100-200 USD/thùng trên thị trường 1-2 tháng trước.
Bên cạnh yếu tố COVID-19 hay biến thể Omicron, có nhiều tác nhân khiến cho giá khó có thể bật tăng lên mức cao hơn, tiêu biểu là tình hình chung của thị trường năng lượng. Trước hết, có thể kể đến kỳ vọng giá khí tự nhiên tăng mạnh sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu thay thế gia tăng và từ đó tác động đến giá dầu.
Tuy vậy, điều này đã không xảy ra. Mặc dù giá khí tự nhiên của châu Âu đã tăng lại lên mức kỷ lục trong tuần này do căng thẳng với nhà cung cấp chính là Nga, tuy nhiên giá tại khu vực khác như Mỹ và châu Á không chịu quá nhiều ảnh hưởng.
Theo các cơ quan dự báo khí tượng, hiện tượng thời tiết La Nina năm nay sẽ không mạnh như năm ngoái, do đó khả năng một đợt lạnh bất thường xảy ra tương đối thấp. Bên cạnh đó, việc các nước tương cường chuẩn bị sẵn cho mùa đông, như tăng cường sản lượng các nhiên liệu thay thế rẻ hơn, ví dụ như chính sách sản xuất than tại Trung Quốc.
Hồng Hoa

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc