menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 18/8/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

08:35 19/08/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 18/8/2022.
Lực bán nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh và khiến giá ngô hướng về vùng hỗ trợ 590 trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 18/08, giá ngô vẫn đang suy yếu nhẹ ở quanh vùng 610. Trong vài phiên trở lại đây, giá ngô đã cho thấy dấu hiệu đảo chiều trong ngắn hạn sau đợt tăng vọt trước đó. Tuy nhiên, lực mua kĩ thuật khá mạnh ở vùng 610 đã khiến cho lực bán có phần suy yếu trong phiên hôm qua. Với triển vọng nguồn cung vẫn đang thiên về tác động “bearish” đối với giá thì chúng tôi cho rằng ngô có thể sẽ phá vỡ vùng hỗ trợ này trong phiên hôm nay.
Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ công bố báo cáo Xuất khẩu hàng tuần vào tối nay. Do chỉ còn 2 tuần nữa là Mỹ sẽ kết thúc niên vụ hiện tại và chuyển sang niên vụ 22/23 nên các số liệu cũ sẽ không còn ảnh hưởng quá mạnh tới giá. Trong khi đó, số liệu bán hàng niên vụ 22/23, trước khi Mỹ chuyển sang giai đoạn xuất khẩu cao điểm sẽ cho thấy mức độ cạnh tranh của ngô Mỹ trên thị trường quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, thị trường dự đoán khối lượng ngô Mỹ đã bán trong niên vụ 22/23 sẽ tăng lên so với báo cáo trước và tương đương với năm ngoái. Nguồn cung dồi dào dự kiến khi quốc gia này bắt đầu thu hoạch cao điểm cũng góp phần củng cố cho kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, nếu như số liệu cao như dự đoán thì đây cũng không phải là yếu tố bất ngờ và hỗ trợ cho giá bởi hiện tại vẫn còn quá sớm để có thể xác định được nhu cầu nhập khẩu ngô Mỹ, nhất là trong bối cảnh Brazil cũng đang đẩy mạnh việc xuất khẩu sang cho Trung Quốc và tình hình xuất khẩu từ các cảng của Ukraine cũng đang dần được cải thiện.
Theo Sở Giao dịch ngũ cốc Buenos Aires (BAGE), diện tích ngô của Argentina niên vụ 22/23 dự kiến sẽ đạt 7.5 triệu ha, giảm 2.6% so với niên vụ trước. Độ ẩm đất đang ở mức thấp do thiếu mưa trong vài tuần gần đây và lợi nhuận không hấp dẫn đã khi hạn chế ý định gieo trồng của nông dân. Thông tin trên có thể sẽ giúp hỗ trợ giá ngô ở vùng hỗ trợ 590 trong phiên hôm nay.

Tâm lý chốt lời của giới đầu cơ được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn dắt đà giảm của giá bông trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch 17/08, bông và đường đều chung đà giảm. Trong đó, bông giảm mạnh khi thời tiết tại Texas đang chuyển biến tích cực, ủng hộ cho sự khôi phục chất lượng mùa vụ tại đây, đường giảm phiên thứ 3 liên tiếp do giá xăng dầu tại Brazil suy yếu.
Sau chuỗi phiên tăng mạnh với 2 phiên tăng trần, giới đầu cơ đang có tâm lý chốt lời, điều này dự kiến sẽ khiến giá bông nối tiếp đà giảm trong thời gian ngắn tới, bên cạnh chất lượng mùa vụ bông tại Mỹ đang dần có những tín hiệu tích cực khi dự báo thời tiết bắt đầu có mưa từ hôm nay, làm giảm đi khô hạn cho nắng nóng đỉnh điểm kéo dài trước đó.
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu bông lớn nhất thế giới, quyết định nhập khẩu 6,000 tấn trong ngày hôm nay, dành cho kho dự trữ của nhà nước.
Về mặt kỹ thuật, khi theo dõi khung hàng ngày chỉ báo kỹ thuật vẫn đang hỗ trợ đà tăng khi MACD dương và chếch lên, kết hợp với giá nằm trên 3 đường trung bình đi lên. Tuy vậy, khi theo dõi theo khung thời gian ngắn hơn và nhạy cảm với giá hơn như khung 1H, có thể thấy trong phiên sáng nay đường MACD đã lao xuống dưới đường 0 cũng 3 đường trung bình ở trên giá nhưng cũng đi xuống, thể hiện xu hướng giảm của giá. Kết hợp với thông tin cơ bản, nhiều khả năng bông sẽ tiếp nối đà giảm, đẩy giá về mức 110 cents.

Áp lực vĩ mô tiếp tục có thể là một trở ngại lớn đối với đà phục hồi của giá đồng
Trong phiên giao dịch sáng nay, giá đồng tiếp nối đà suy yếu khi vắng bóng các tin tức tích cực đủ mạnh để hỗ trợ cho giá. Dưới áp lực kép từ các yếu tố vĩ mô và cung cầu, nhiều khả năng giá sẽ tiếp tục gặp sức ép trong các phiên sắp tới.
Lạm phát tại Anh chính thức đạt ngưỡng 2 con số trong tháng 7, với chỉ số CPI tăng vọt 10.1% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất kể từ năm 1982. Thậm chí, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) còn đưa ra dự báo lạm phát sẽ đạt mức 13.3% trong tháng 10. Điều này làm gia tăng khả năng mạnh tay hơn trong tiến trình thắt chặt tiền tệ của BOE và do đó khiến xác suất xảy ra suy thoái ngày càng cao. Các chuyên gia phân tích nhận định, nền kinh tế nước này có thể sẽ rơi vào suy thoái kể từ cuối năm nay.
Trong bối cảnh tương tự, lo ngại về lạm phát ăn sâu vào nền kinh tế khiến cho thành viên Hội đồng Quản trị, ông Martins Kazaks tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khẳng định với báo giới rằng, ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất với mục tiêu không cho phép lạm phát trở nên cố thủ. Có thể thấy rằng, sức ép vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và do đó, thị trường kim loại nói chung và thị trường đồng nói riêng sẽ còn tiếp tục đối diện với nhiều áp lực.
Trong khi đó, xét trên khía cạnh cung – cầu, nhu cầu về đồng tại thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang chịu sức ép bởi chính sách phân bổ lại điện năng do ảnh hưởng của nắng nóng kỷ lục, khiến nhiều nhà máy luyện kim phải đóng cửa nhằm đảm bảo tải điện.
Bên cạnh đó, với sự suy yếu trong các hoạt động kinh tế, Goldman Sachs Group đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong cả năm xuống 3% từ mức 3.3% trước đó, trong khi Nomura Holdings cắt giảm dự báo xuống 2.8% từ 3.3%. Lăng kính tiêu cực này có thể tiếp tục tạo sức ép đối với triển vọng tiêu thụ đồng tại quốc gia này.
Tuy nhiên, thị trường cũng đang đón nhận một vài thông tin tích cực từ phía Chính phủ Trung Quốc trong việc thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ. Truyền thông quốc gia này cho biết chính quyền địa phương có thể bán hơn 229 tỷ USD trái phiếu để tài trợ cho đầu tư cơ sở hạ tầng và sẽ tung ra nhiều hơn các gói kích thích khác. Tuy nhiên, thông tin này chưa thể tác động tích cực lên thị trường trong ngắn hạn và giá đồng trong các phiên tới nhiều khả năng vẫn chịu nhiều áp lực.

Giá dầu có thể tiếp tục giảm khi các tin tức tiêu cực lấn át những yếu tố hỗ trợ
Giá dầu gần như đi ngang trong phiên sáng khi thị trường không có chất xúc tác nào mới. Việc giá dầu chưa tìm được hướng đi là điều bình thường bởi các tin tức có ảnh hưởng mạnh tới giá thường xuất hiện vào phiên tối.
Trong phiên hôm qua, mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu cũng không tăng quá mạnh mà gần như chỉ phục hồi rất nhẹ, bởi sức mua trên thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự gia tăng của đồng USD và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ.
Báo cáo của EIA mặc dù cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu tăng lên, tuy nhiên nhà đầu tư sẽ cần theo dõi thêm nhiều tuần để đánh giá xem liệu xu hướng hồi phục này có thể kéo dài. Ngoài ra, những kỳ vọng vào thỏa thuận hạt nhân của phương Tây với Iran có thể làm củng cố nguồn cung dầu cũng khiến cho sức bán vẫn gia tăng trên thị trường dầu.
Yếu tố hỗ trợ chính với giá dầu hiện nằm ở các hoạt động giao dịch trên thị trường hàng vật chất, bởi dù triển vọng tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô, nhưng trong ngắn hạn, nguồn cung dầu vẫn chưa tránh khỏi tình trạng bị thắt chặt. Nhu cầu tiêu thụ ở Châu Âu hiện tại vẫn cao và thúc đẩy thêm các hoạt động nhập khẩu dầu từ châu Á, trong bối cảnh các lệnh cấm vận với Nga sẽ đi vào hiệu lực từ cuối năm nay.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc