menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 22/9/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:18 22/09/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch ngày 22/9/2022.
 

Áp lực cạnh tranh từ nguồn cung ở Nam Mỹ có thể sẽ khiến cho giá đậu tương suy yếu về vùng 1455

Mở cửa phiên giao dịch ngày 22/09, giá đậu tương đang tăng trở lại sau phiên suy yếu trước đó. Như chúng tôi dự đoán, thông tin xoay quanh căng thẳng chính trị ở Biển Đen và khả năng Ukraine gián đoạn xuất khẩu đã không tác động “bullish” đáng kể đến giá đậu tương. Trong vài phiên tới, các yếu tố cơ bản sẽ được phản ánh rõ hơn trong diễn biến của mặt hàng này. Bên cạnh việc thiệt hại đối với mùa vụ đậu tương năm nay của Mỹ đang đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ cho giá duy trì đà tăng thì triển vọng nhu cầu và dự báo cho hoạt động gieo trồng sắp tới ở Nam Mỹ cũng là 2 yếu tố mà thị trường cần quan tâm trong giai đoạn tới.
Hoạt động gieo trồng đậu tương đang bắt đầu tại Brazil với những số liệu khá tích cực. Tiến độ diễn ra khá nhanh chóng nhờ thời tiết khô ráo với dự báo diện tích niên vụ 22/23 sẽ đạt mức kỉ lục. Trong khi đó, tại Argentina, nông dân cũng đang đẩy mạnh tốc độ bán hàng trong vài tuần vừa qua sau khi chính phủ Argentina áp dụng chính sách tỉ suất hối đoái mới. Không những thế, việc Fed quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm đã khiến cho Dollar tăng mạnh và hàng hóa từ Mỹ càng đắt đỏ hơn. Khối lượng đậu tương xuất khẩu từ Argentina đang tăng mạnh do chi phí mua hàng giao tháng 10 từ quốc gia Nam Mỹ này rẻ hơn khoảng 200 USD/tấn so với hàng Mỹ và Brazil. Bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn đang tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng mới của Dollar Index và tạo áp lực lên giá đậu tương CBOT. Tác động “bearish” từ yếu tố này sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn khi Mỹ sắp bước vào giai đoạn xuất khẩu cao điểm trong vài tuần tới.
Trong phiên hôm nay, nếu như số liệu bán hàng đậu tương trong báo cáo Export Sales nằm dưới mức 500,000 tấn thì sẽ càng khẳng định cho việc nhu cầu nhập khẩu đậu tương Mỹ đang bị cạnh tranh hơn và là yếu tố tạo sức ép đến giá.

Giá bông khả năng cao tiếp tục tăng trong phiên hôm nay nhờ hỗ trợ từ yếu tố kỹ thuật
Kết thúc phiên giao dịch 21/09, giá bông bất ngờ bật tăng mạnh gần 4%, dù cho đồng Dollar Mỹ tăng sau khi FED nâng lãi suất, khiến cho bông Mỹ trở nên đắt đỏ hơn. Đường 11 cũng ghi nhận sự khởi sắc với mức tăng khiêm tốn chỉ 0.01 cents khi Ấn Độ xem xét nâng mức giá bán tối thiểu của đường và ethanol tại quốc gia này.
Đồng Dollar Mỹ vẫn cho thấy động lực tăng khi FED vừa tăng mạnh lãi suất với 75 điểm cơ bản vừa khẳng định sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian tới. Điều này được dữ kiến sẽ tiếp tục đẩy giá bông Mỹ tăng cao, đây sẽ không phải là thông tin có lợi đối với nguồn cung tại Mỹ khi quốc gia này đã bắt đầu vụ thu hoạch mới với những tín hiệu về tiến độ rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái. Khi giá bông tăng sẽ hạn chế lực mua từ khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, kết hợp với nguồn cung được đẩy ra sau thu hoạch sẽ khiến giá bông gặp áp lực.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ bao đang cho thấy động lực tăng khi xuất hiện mô hình nến nhấn chìm tăng trưởng khi thân của cây nến xanh thể hiện giá bông trong phiên hôm qua bao phủ hoàn toàn cây nến biểu thị giá giảm hôm trước nữa. Điều này biểu hiện giá có khả năng đảo chiều, bắt đầu xu hướng tăng giá mới. 

Rủi ro vĩ mô nhiều khả năng sẽ tiếp tục lấn át các tin tức tích cực đối với thị trường đồng
Sau khi chịu sức ép bán mạnh trong phiên hôm qua, giá đồng lấy lại đà tăng trong phiên sáng nay dựa vào các yếu tố kỹ thuật và một phần triển vọng tiêu thụ tích cực hơn tại Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều khả năng sức ép vĩ mô vẫn sẽ tiếp tục lấn át và gây áp lực đến giá trong phiên ngày hôm nay.
Sau quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp của Fed, đưa mức lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2008, thị trường cho rằng 1.25 điểm phần trăm nữa sẽ còn tiếp tục được bổ sung trong năm nay. Điều này có thể làm gia tăng nguy cơ suy thoái khi chi phí vay của doanh nghiệp tăng cao có thể đè nặng lên các hoạt động kinh tế. Trong trường hợp này, rủi ro tiêu thụ đồng của các nhà sản xuất bị thu hẹp sẽ mang lại tác động tiêu cực cho giá đồng.
Các nhà đầu tư vẫn đang có xu hướng rời xa thị trường rủi ro như chứng khoán hay tiền điện tử, và tăng cường nắm giữ đồng Dollar Mỹ với vai trò trú ẩn an toàn trong bối cảnh lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục cao hơn. Điều này đã khiến các nền kinh tế duy trì mức lãi suất thấp như Nhật Bản hay Trung Quốc gặp nhiều bất lợi với đồng nội tệ. Hiện tại, đồng Nhân dân tệ liên tiếp trượt giá so với Đồng USD, đạt mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Đồng Yên Nhật cũng tiếp tục lao dốc, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) giữ nguyên lãi suất trong một nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khoảng cách khác biệt trong chính sách tiền tệ sẽ làm gia tăng áp lực dòng vốn chảy ra tại Trung Quốc hay Nhật Bản và do đó, làm hạn chế nỗ lực kích thích kinh tế của Chính phủ. Đây đều là 2 quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất trên thế giới, chủ yếu sử dụng cho các hoạt động công nghiệp, cơ sở hạ tầng và bất động sản.
Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, mặc dù Chính phủ liên tục tăng cường thúc đẩy kinh tế, đặc biệt là thông qua tín dụng và xây dựng cơ sở hạ tầng, tuy nhiên bức tranh tăng trưởng vẫn còn khá ảm đạm. Goldman Sachs Group tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm sau từ mức 5.3% xuống còn 4.5%, và cho rằng chính sách Không Covid sẽ duy trì ít nhất là đến quý I năm 2023. Trong khi đó, đơn vị này vẫn giữ quan điểm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay chỉ đạt 3%. Áp lực vĩ mô nhiều khả năng vẫn sẽ hạn chế khả năng phục hồi mạnh mẽ của giá đồng bất chấp hoạt động kinh tế khởi sắc hơn các tháng trước đó. 

Giá dầu sẽ cần phải điều chỉnh thêm trước khi tạo ra điểm mua vào phù hợp
Giá dầu lấy lại sắc xanh trong phiên giao dịch sáng nay, khi lực mua bắt đáy quay trở lại với thị trường kết hợp với căng thẳng địa chính trị leo thang. Tuy vậy, đà tăng khó có thể duy trì được lâu.
27 bộ trưởng ngoại giao của khối EU tham dự cuộc họp hàng năm của các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên Hợp Quốc cho biết sẽ chuẩn bị gói cấm vận thứ 8. Theo dự kiến, trong cuộc họp chính thức tháng 8, nhóm sẽ họp lại để công bố gói trừng phạt mới.
Tuy vậy, khả năng cao giá sẽ còn phải điều chỉnh thêm trong phiên hôm nay. Mặc dù chưa có thông tin về mức độ các lệnh cấm vận lần này, tuy nhiên sẽ khó có thể nặng nề hơn các lệnh trừng phạt trước, vì EU đã thống nhất sẽ cấm nhập khẩu dầu từ Nga từ tháng 12. Trong khi đó, thất bại trong việc đặt trần giá lên khí tự nhiên đầu tháng cho thấy đây là nguồn cung khí là một vấn đề nhậy cảm mà không quốc gia châu Âu nào muốn tác động. Như vậy, các gói trừng phạt có thể sẽ chỉ nhắm đến các tổ chức tài chính, bảo hiểm, nhằm giảm nguồn thu của Nga và có thể sẽ không tác động lớn đến nguồn cung các mặt hàng năng lượng.
Tại Trung Quốc, các nhà lọc dầu đang kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm dầu thêm 15 triệu tấn để hỗ trợ nền kinh tế. Theo dữ liệu theo dõi tàu của Reuters, trong tháng 9, 10 khối lượng dầu nhập từ Mỹ và Trung Đông sẽ tăng lên. Tuy vậy, số dầu này đã được đặt mua từ giai đoạn tháng 7-8, và dữ liệu cho thấy các nhà sản xuất tại Trung Quốc cũng đang tận dụng dầu từ trong tồn kho, do đó thông tin này sẽ không tạo ra nhiều hỗ trợ cho giá dầu. Trong 8 tháng đầu năm, ước tính mỗi ngày tồn kho dầu Trung Quốc được bổ sung 1.46 triệu thùng/ngày. 

Nguồn:Vinanet/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: tin mxv
Link gốc