menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 23/4/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:53 23/04/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 23/4/2021.

Ngô và lúa mì đồng loạt chạm trần, dẫn dắt xu hướng nhóm nông sản

Phiên giao dịch ngày 22/04 đã lan tỏa sắc xanh lên bảng giá thị trường nông sản và ghi nhận những sự kiện đáng chú ý của các mặt hàng ngô và lúa mì. Giá ngô hợp đồng tháng 7 đã tăng 4.12%, lên mức kịch trần 631.75 cents/giạ. Đây đã là phiên thứ 4 trong chuỗi tăng giá của ngô, giúp ngô chạm tới mức cao nhất kể từ năm 2013. Trong khi đó, giá lúa mỳ đóng cửa ở mức 710.50 cents/giạ, với mức tăng vọt 35.5 cents, và là mức tăng mạnh nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua.

Các thông tin về thời tiết bất lợi cho mùa vụ và nguồn cung thắt chặt khi nhu cầu toàn cầu tăng cao tiếp tục là những yếu tố hỗ trợ cho giá các loại ngũ cốc này. Với ngô, thời tiết khô hạn tại các vùng gieo trồng ở Brazil và hiện tượng băng giá vẫn đang tiếp diễn ở Midwest đã gia tăng lo ngại về chất lượng và sản lượng ngô, tạo sức ép lên nguồn cung toàn cầu. Bên cạnh đó, số liệu trong báo cáo Export Sales của bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tối qua cho thấy doanh số bán hàng của ngô tuần vừa qua không quá tích cực. Tuy nhiên, dự báo của USDA chi nhánh Trung Quốc về nhập khẩu ngô của nước này trong năm 2020/21 đạt mức kỉ lục 28 triệu đã cho thấy nhu cầu đang tăng mạnh. Những thông tin này đã góp phần giúp giá ngô dẫn đầu xu hướng tăng của thị trường nông sản và đóng cửa kịch trần trong phiên hôm qua.

Thời tiết băng giá tại đồng bằng phía nam nước Mỹ đang gây thiệt hại nặng nề cho mùa vụ lúa mỳ gieo trồng tại đây, và hiện tượng này được dự báo còn có thể kéo dài trong ít nhất 1 tuần nữa. Nhu cầu nhập khẩu lúa mì cũng tăng lên, đặc biệt là trong ngành chế biến thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc do sự hồi phục của đàn lợn ở nước này. Thêm vào đó, sức nóng trong căng thẳng giữa Nga và Ukraina, 2 nước xuất khẩu lúa mì lớn của thế giới, cũng là nguyên nhân khiến giá lúa mỳ tăng mạnh.

 

Cà phê Arabica có thể tiếp tục mạnh lên trong thời gian tới

Kết thúc ngày giao dịch 22/04, 2 mặt hàng cà phê tiếp tục trái chiều nhưng đổi vai so với phiên trước đó, trong khi giá đường thay đổi không đáng kể.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE US tăng mạnh trở lại 1.45% sau khi điều chỉnh nhẹ, đóng cửa ở mức 136.15 cent/pound. Giá vẫn đang trong xu hướng giằng co với biên độ 2 cents quanh vùng 135 mà MXV News dự đoán trước đó.

Đồng Real bất ngờ tăng mạnh hơn 2% trong phiên hôm qua sau khi Brazil nghỉ lễ ngày kỷ niệm anh hùng dân tộc Xavier, khiến lực bán hầu như bị áp đảo. Số đơn xin thất nghiệp tuần này của Mỹ tiếp tục giảm về mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây, cho thấy các tín hiệu tích cực về việc nhu cầu cà phê tại quán sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới.

Về mặt kỹ thuật, giá vẫn đang nằm trên xu hướng tăng dài hạn và đường MACD bắt đầu cắt lên đường Signal củng cố xu hướng này. Tuy nhiên, hôm nay là phiên cuối tuần, và giá đang chạm lên cạnh trên của dải Bollinger, khiến cho lực mua có thể sẽ chững lại. MXV News dự đoán, Arabica có thể sẽ dao động với vùng giá 134 – 137 cents.

 

Áp lực chốt lời có thể khiến giá bạc giảm trong phiên giao dịch cuối tuần

Đóng cửa ngày giao dịch 22/4, tất cả các mặt hàng kim loại được giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đồng loạt giảm điểm. Trong đó, giá bạc giảm mạnh 1.47%, kết phiên xuống mức 26.28 USD/ounce, cùng chiều với giá vàng thế giới.

Chỉ số Dollar Index đã kéo lại đà tăng trong phiên hôm qua, đóng cửa lên mức 91.33 điểm, khiến nhu cầu đầu tư tài sản chống lạm phát của nhóm hàng kim loại quý sụt giảm. Giá vàng cũng giảm trong phiên hôm qua sau khi phe mua không thể khiến giá vượt qua được vùng kháng cự quan trọng 1800, kéo theo mức giảm khá mạnh của giá bạc.

Những căng thẳng địa chính trị tại khu vực Biển Đen vẫn chưa cho thấy được tác động đáng kể đối với lực mua trú ẩn của giới đầu tư. Theo đó, chính phủ Nga đã ra lệnh xây dựng căn cứ quân đội gần với gần với lãnh thổ giữa Nga và Ukraine. Những xung đột giữa hai nước đã liên tục được đẩy lên cao độ kể từ khi Nga tuyên bố sát nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước này vào năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề này có thể chuyển biến trở thành một cuộc khủng hoàng địa chính trị lớn và hỗ trợ nhu cầu trú ẩn của kim loại quý, nếu Nga có những động thái công kích quân sự để tiếp quản Ukraine, quốc gia mà Nga tuyên bố đã là một phần của nước này.

Trong phiên hôm nay, Hoa Kỳ sẽ công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng, trong đó có thể kể đến chỉ số PMI sản xuất, PMI dịch vụ cho tháng 4, và doanh số bán nhà mới trong tháng 3 năm nay. Ngoài ra, chủ tịch ngân hàng trung ương châu ÂU (ECB) cũng sẽ có một cuộc phát biểu trong phiên hôm nay, trong đó sẽ đề cập tới chính sách tiền tệ trong tương lai và điều chỉnh lãi suất cho vay.

Các chỉ số và báo cáo nêu trên đều sẽ ảnh hưởng lớn tới diễn biến của đồng USD và EUR, từ đó tác động tới diễn biến giá bạc và vàng, do đó các nhà đầu tư cần chú ý để đưa ra quyết định giao dịch hợp lý.

 

Giá dầu thô có khả năng sẽ tăng nhẹ trong phiên cuối tuần

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/04, giá dầu thô thế giới quay đầu tăng. Giá dầu thô WTI tăng 0.13% lên 61.43 USD/thùng trong khi giá dầu thô Brent tăng 0.12% lên 65.40 USD/thùng. Sau nhiều nỗ lực trong phiên, bên bán đã không thể đẩy giá xuống dưới vùng hỗ trợ 60.60 thành công, nhưng giá cũng chưa thể tăng mạnh, mà chỉ giằng co, do tại Ấn Độ, số ca nhiễm Covid-19 theo ngày liên tục lập đỉnh mới, gây ra lo ngại về nhu cầu và kìm hãm đà tăng.

Theo MXV News, giá sẽ tiếp tục tăng nhẹ và dao động trong khoảng 61.74 – 63.00 trong hôm nay do nguồn cung từ Libya suy yếu.

Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia (NOC) cho biết sản lượng dầu thô của Libya trong những ngày qua đã giảm xuống 1 triệu thùng/ngày từ mức 1.3 triệu thùng/ngày. Hôm qua công ty Sirte cũng cho biết sẽ phải dừng sản xuất trong 3 ngày tới do tài chính không đủ. Libya đã đạt mục tiêu tăng sản lượng khai thác lên 1.45 triệu thùng/ngày nhưng có thể sẽ không thể đạt được do chính phủ mới thành lập gặp khó khăn về ngân sách.

Số liệu kinh tế tích cực của thị trường lao động Mỹ cũng có thể sẽ góp phần đà tăng. Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ (USDOL), số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong tuần trước giảm xuống 547,000, thấp hơn nhiều so với dự đoán là 617,000 người. Con số này cho thấy thị trường việc làm đang phục hồi và ngay cả khi phần lớn trong số đó là việc làm theo dạng work-from-home thì tiêu thụ nhiên liệu vẫn sẽ tăng một phần nhất định do nhu cầu di chuyển tăng.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

Link gốc