menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 23/9/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:13 23/09/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch ngày 23/9/2022.
Đồng USD tăng mạnh sẽ là yếu tố tạo áp lực lên giá đậu tương trong phiên cuối tuần này
Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá đậu tương đang suy yếu trở lại theo diễn biến lao dốc chung của nhóm nông sản. Giá vẫn đang ở trong nhịp điều chỉnh từ vùng kháng cự 1500 trong xu hướng tăng. Tuần này, thị trường cơ bản thiếu vắng các thông tin mới đủ mạnh để dẫn dắt giá mà các thông tin bị lấn át bởi triển vọng kinh tế, khi cuộc họp FOMC diễn ra và Fed quyết định thực hiện lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp trong năm nay với mức điều chỉnh 75 điểm cơ bản.
Liên tục tăng giá do những động thái mạnh tay của Fed để kiểm soát lạm phát, đồng USD đang không ngừng lập đỉnh mới của 20 năm qua. Việc USD tăng giá mạnh đồng nghĩa với sự mất giá của các đồng tiền khác, và khiến chi phí nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ sẽ đắt đỏ hơn. Đây là yếu tố lý giải cho mức suy yếu của các mặt hàng nông sản trong phiên sáng nay. Nếu như các yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô hay chính sách về lãi suất thường sẽ tạo ra tác động mạnh nhưng sẽ không kéo dài thì bối cảnh hiện tại lại cho thấy triển vọng khác. Lạm phát toàn cầu cũng gây áp lực đòi hỏi các ngân hàng trung ương khác phải “chạy đua” lãi suất với Fed, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Lãi suất tăng gây giảm tốc tăng trưởng, khiến các nền kinh tế càng đuối sức và ảnh hưởng tới nhu cầu chi tiêu của người dân. Minh chứng trong quá khứ cho thấy tác động rõ ràng nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 cũng đã khiến cho giá nông sản bước vào 1 chu kỳ giảm mạnh. Mặc dù tình hình hiện tại vẫn chưa nghiêm trọng như năm 2008 nhưng cũng sẽ là dấu hiệu cho thấy khả năng giá đậu tương có thể sẽ đảo chiều và bước vào xu hướng giảm.
Mặc dù nhu cầu bị ảnh hưởng nhưng triển vọng nguồn cung bị thiệt hại lại đang là yếu tố hỗ trợ cho giá. Sản lượng đậu tương của Mỹ sụt giảm mạnh do năng suất ước tính thấp hơn nhiều so với dự kiến vẫn sẽ có thể hạn chế đà giảm của giá đậu tương trong trung hạn. 

Giá Arabica khả năng cao sẽ suy yếu trong phiên hôm nay khi đồng Dollar Mỹ xác lập kỷ lục giá mới
Kết thúc phiên giao dịch 22/09, giá hai mặt hàng cà phê đều ghi nhận sự khởi sắc với mức tăng trong khoảng 1%. Tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US đã giảm về mức thấp nhất kể từ 06/1999, khiến thị trường trở nên lo ngại về nguồn cung trong hạn.
Đồng Dollar Mỹ bất ngờ tăng mạnh trở lại trong phiên sáng nay khiến cho đồng Real trở nên suy yếu trong cặp tỷ giá USD/Brazil Real, phần nào sẽ thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil, từ đó gây áp lực lên giá Arabica trong phiên hôm nay.
Về mặt thời tiết, lượng mưa lớn từ 20 – 65 mm trên mức bình thường được dự báo tiếp tục đổ bộ vào khu vực phía Đông Nam, vùng trồng cà phê chính của Brazil trong 10 ngày tới. Sự xuất hiện của lượng mưa lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cây cà phê sau thời gian dài gồng mình trong khô hạn.
Về mặt kỹ thuật, trái với thông tin cơ bản đang có xu hướng tác động “bearish” lên giá, các chỉ báo kỹ thuật lại đang cho thấy động lực tăng. Cụ thể, đường MACD dương có và có chiều hướng chếch lên, kết hợp với giá nằm trên cả 3 đường trung bình EMA13, MA20 và EMA34. 

Áp lực vĩ mô có thể tiếp tục chi phối giá đồng khi thị trường Trung Quốc thiếu vắng thông tin cơ bản mới
Trong các phiên gần đây, các nhà đầu tư đang cân nhắc giữa các tác động tích cực từ triển vọng tiêu thụ đồng trên thị trường Trung Quốc trong giai đoạn cuối năm và những sức ép vĩ mô tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh vắng bóng những tin tức về các biện pháp kích thích kinh tế đáng chú ý của Chính phủ Trung Quốc, nhiều khả năng giá đồng vẫn sẽ phản ứng theo các dữ liệu vĩ mô.
Vào hôm qua, hàng loạt các Ngân hàng Trung ương tại khu vực châu Âu tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát vẫn đang ở mức cao. Trong đó, Anh đưa lãi suất lên mức 2.25%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Na-Uy cũng đã hành động tương tự khi bổ sung thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp lãi suất. Trong khi đó, Thuỵ Sỹ cũng đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, là nước cuối cùng giúp đưa khu vực châu Âu ra khỏi giai đoạn lãi suất âm.
Khi các nước tại khu vực châu Âu vẫn đang chịu nhiều rủi ro kinh tế hơn cả do căng thẳng địa chính trị gia tăng, việc tăng lãi suất rất có thể sẽ sớm kéo khu vực này rơi vào vòng xoáy suy thoái. Đây cũng là khu vực tiêu thụ lượng đồng đáng kể, chiếm khoảng 16% cơ cấu tiêu thụ toàn cầu. Do đó, rủi ro này có thể sẽ gây sức ép lên giá đồng.
Ngoài ra, nếu so sánh mức lãi suất tại các quốc gia lớn trên thế giới, hiện tại, Mỹ đang đi đầu trong việc mạnh tay thắt chặt tiền tệ với mức lãi suất lên tới 3.0 – 3.25% và mức lãi suất này được dự đoán sẽ còn được bổ sung thêm 1.25 điểm phần trăm nữa trong giai đoạn cuối năm nay. Do đó, đồng USD nhiều khả năng vẫn sẽ còn động lực tiếp tục tăng. Hơn nữa, các thị trường rủi ro liên tục bị bán tháo trong các phiên gần đây và đồng Dollar Mỹ neo ở vùng đỉnh 2 thập kỷ củng cố cho xu hướng nắm giữ tiền mặt có tính trú ẩn cao. Thị trường đồng do đó sẽ gặp bất lợi do chi phí nắm giữ tăng và việc các nhà đầu tư hạn chế rủi ro trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều biến động.
Tối nay, Mỹ sẽ công bố chỉ số quản lý mua hàng PMI tháng 9. Con số này mặc dù vẫn đang ở trên ngưỡng 50 nhưng đã giảm dần từ hồi tháng 4 năm nay, cho thấy tốc độ mở rộng của hoạt động sản xuất đang dần chậm lại, Trong trường hợp PMI tiêu cực, giá đồng có thể sẽ tiếp tục giảm sâu. 

Giá dầu nhiều khả năng sẽ giảm trong phiên cuối tuần trước sức ép của các đợt tăng lãi suất

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch sáng nay, khi thị trường tiếp tục chịu sức ép từ việc một loạt ngân hàng trung ương tăng lãi suất trong tuần này, và Dollar Index đang trên đà tăng 4 phiên liên tiếp.
Dòng vốn trú ẩn vào Dollar khiến cho thanh khoản trên các thị trường rủi ro, kể cả thị trường hàng hóa, khiến giá biến động mạnh trong các phiên. Các nhà đầu tư tiếp tục điều chỉnh kỳ vọng về việc môi trường lãi suất cao sẽ duy trì ít nhất cho đến hết năm 2023, bất chấp rủi ro gây suy thoái kinh tế. Trong tình hình thị trường dầu đang được kỳ vọng vẫn sẽ đạt thặng dư nhỏ trong cuối năm nay, thì lo ngại về nhu cầu suy yếu sẽ gây áp lực lớn trong phiên.
Điều này đang gây ra triển vọng tiêu cực cho các doanh nghiệp Mỹ, vốn triển vọng kết quả kinh doanh trong quý III đã xấu đi đáng kể do tác động của lạm phát đầu vào và tiêu dùng suy yếu. Hiện tại, chỉ số sản xuất PMI của Mỹ vẫn đang duy trì ở ngưỡng tăng trưởng, nhưng cũng đã ở trên đà giảm và tiệm cận sát vùng 50. Trong phiên tối nay, nếu chỉ số PMI của Mỹ dưới 50 hoặc thấp hơn kỳ vọng 51.3 ,điều này có thể khiến cho giá ddầu duy trì đà giảm.
Tuy vậy, mức giảm sẽ được hạn chế, khi các thông tin về căng thẳng địa chính trị tại châu Âu trở thành yếu tố hỗ trợ cho giá. Bên cạnh đó, phát biểu của Nigeria về khả năng OPEC tiếp tục can thiệp vào thị trường để hỗ trợ cho giá dầu, nguồn thu ngân sách lớn của các thành viên sẽ tạo ra lực mua kỹ thuật khi giá tiệm cận vùng 80 USD/thùng.

Nguồn:Vinanet/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: hàng hóa
Link gốc