menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 25/7/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:59 25/07/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 25/7/2022.
Hỗ trợ tâm lí 1300 sẽ hạn chế đà giảm của giá đậu tương trong phiên hôm nay trước sức ép về thời tiết ở Mỹ
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương tạo gapup theo diễn biến chung của nhóm nông sản trước thông tin Nga tập kích tên lửa ở cảng Odessa. Tuy nhiên, khác với ngô và lúa mì, lực mua đối với đậu tương đang dần suy yếu và giá đã nhanh chóng fill lại khoảng gap sáng nay. Diễn biến này cũng cho thấy rằng đậu tương đang là mặt hàng yếu nhất và nếu diễn biến bán tháo xảy ra đối với ngô và lúa mì ở trong phiên tối thì cũng sẽ tạo áp lực lên giá đậu tương.
Sau phiên hồi phục vào cuối tuần trước từ mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua, giá đậu tương đã lấy lại được mức hỗ trợ tâm lí 1300. Đây cũng là vùng giá tích luỹ vào tháng 1 nên có khả năng giá vẫn có thể sẽ giằng co mà chưa tiếp tục quay trở lại đà giảm sâu ngay.
Tình hình mùa vụ ở Mỹ đang trở nên tích cực hơn là yếu tố chính quyết định tới xu hướng giá trong tuần này. Dự báo thời tiết tại Mỹ cho thấy mưa sẽ quay trở lại khu vực Midwest trong đầu tuần này, đặc biệt là ở những khu vực phía đông nam. Lượng mưa này trong ngắn hạn sẽ giúp cho mùa vụ trở nên tích cực hơn vì cây trồng đã trải qua khô hạn trong suốt hơn 1 tháng vừa qua. Do được gieo trồng muộn hơn nên đối với đậu tương, mưa xuất hiện ở thời điểm hiện tại sẽ mang lại nhiều cải thiện đối với cây trồng nhiều hơn trước giai đoạn phát triển quan trọng tiếp theo vào tháng 8. So với cùng kì năm ngoái chất lượng đậu tương ở Mỹ hiện đang được đánh giá có chất lượng tương đương. Nếu như độ ẩm lớn có thể bù đắp được giai đoạn vừa rồi thì mức năng suất mùa vụ dự báo có thể cao hơn so với đánh giá hiện tại của USDA ở mức 51.5 giạ/mẫu. Việc sản lượng thu hoạch của Mỹ có thể sẽ được cải thiện cũng đồng nghĩa với việc thị trường đậu tương cũng sẽ không còn yếu tố “bullish” đủ mạnh nào khiến nguồn cung thắt chặt hơn. Chính vì thế, giá đậu tương có khả năng vẫn sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm này trong vài tháng tới.

Đường khả năng cao có phiên giảm thứ 5 liên tiếp, dưới tác động của yếu tố kỹ thuật
Kết thúc tuần giao dịch 18/07 – 24/07, bông và đường đều có sự khởi sắc sau đà giảm liên tiếp của các tuần trước đó. Giá bông phục hồi do những lo ngại về thời tiết khô hạn tại Texas, vùng sản xuất bông chính của Mỹ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng bông.
Bên cạnh diễn biến thời tiết khô nóng, gây bất lợi cho việc gieo trồng và phát triển của bông tại Mỹ, yếu tố thời tiết tại Trung Quốc cũng dần trở thành mối quan tâm mới của thị trường. Thời tiết nắng nóng kéo dài tại Tân Cương, Trung Quốc trong thời gian qua đang được dự báo sẽ là nhân tố khiến băng tan nhanh hơn, nhiều khả năng dẫn đến vỡ đập nước và ảnh hưởng trực tiếp đến các cánh đồng bông đang trong giai đoạn phát triển. Nếu tình trạng này thực sự diễn ra, khiến nhu cầu tiêu thụ bông tại Trung Quốc tăng lên khi mà nguồn cung trong nước bị thu hẹp, đây sẽ là một yếu tố tác động tích cực lên giá trong thời gian tới.
Về mặt kỹ thuật, giá đang nằm dưới 3 đường trung bình SMA13, MA20 và SMA34, thể hiện xu hướng giảm, trong khi, đường MACD giao với đường Signal hướng lên trên đường 0, biểu hiện cho 1 xu hướng tăng, cùng với dải Bollinger có xu hướng thắt lại ở 2 đầu, cho thấy chiều hướng đi ngang của giá trong thời gian tới. Kết với với thông tin cơ bản, rất có thể trong phiên hôm nay, giá bông sẽ giao động trong khoảng 90.76 – 93.04 USD.
Trong bối cảnh các yếu tố cơ bản chưa có sự chuyển biến lớn, giá dầu được điều chỉnh giảm tại Brazil vẫn có những tác động nhất định đến diễn biến giá đường trong phiên hôm nay. Cùng với đó, là những tác động từ mặt kỹ thuật khi giá đang nằm dưới đường SMA13 và SMA34 và 2 đường này giao nhau có xu hướng chếch xuống, khẳng định cho xu hướng giảm của giá. Do đó, nhiều khả năng đường trong phiên hôm nay sẽ test lại mức hỗ trợ 17.51 USD.

Sức ép từ các yếu tố vĩ mô có thể đẩy giá dầu tiếp tục giảm sâu hơn
Giá dầu tiếp tục giảm trong sáng nay trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ dầu ngày càng trở nên kém khả quan.
Sức ép bán tiếp tục gia tăng khi các nhà đầu tư lo ngại rằng sẽ có một đợt tăng lãi suất mạnh tay tới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tuần này, sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lần đầu tiên trong 11 năm. Khảo sát của CME cho thấy Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất thêm 0.75% trong kỳ họp vào ngày 27-28 tuần này. Bên cạnh đó, tuần này nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi sát số liệu GDP quý II của Mỹ. Nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tăng trưởng âm trong quý II, cộng với việc Fed mạnh tay tăng lãi suất, đây sẽ là yếu tố rất tiêu cực đối với giá dầu.
Về phía nguồn cung, hiện các lệnh cấm vận của EU đối với Nga đang thúc đẩy dòng chảy dầu từ các nước Trung Đông như Arab Saudi và Iraq để bù đắp sự thiếu hụt. Ngoài 800,000 thùng/ngày vận chuyển bằng đường ống, có khoảng 1.2 triệu thùng mỗi ngày đã được vận chuyển đến kênh đào từ Vịnh Ba Tư trong ba tuần đầu tháng 7, phần lớn đến từ Iraq. Điều đó khiến cho tổng khối lượng dầu xuất khẩu từ Trung Đông sang châu Âu lên tới 2.2 triệu thùng/ngày, tăng gần 90% kể từ tháng 1, tháng cuối cùng trước khi xung đột giữa Nga-Ukraine nổ ra bắt đầu.
Nhiều nhà phân tích kỳ vọng việc nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ gia tăng bất chấp các chính sách thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới. Tuy nhiên, giá dầu vốn rất nhạy cảm với các tin tức vĩ mô, nên trong tuần này, chất xúc tác lớn trên thị trường vẫn là tin tức từ cuộc họp lãi suất của Fed.

Giá đồng có thể sẽ giằng co trước khi FED quyết định mức lãi suất vào giữa tuần này
Đồng mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với xu hướng tăng nhẹ, tuy nhiên, vẫn đang dao động với biên độ khá hẹp. Các nhà đầu tư đang thận trọng chờ đợi quyết định lãi suất của FED trong tuần này.
Trong 1 đến 2 phiên sắp tới, giá đồng có thể sẽ tăng nhẹ trước các thông tin về việc Trung Quốc nỗ lực bình ổn lĩnh vực bất động sản đang gặp nhiều thách thức. Theo đó, Chính phủ quố gia này đang có kế hoạch thành lập một quỹ bất động sản có thể trị giá tới 300 tỷ nhân dân tệ (44.39 tỷ đô la) để hỗ trợ hơn một chục nhà phát triển bất động sản, trong bối cảnh nhiều người mua tẩy chay thanh toán khoản vay thế chấp do nhà ở chưa được hoàn thành.
Theo Reuters, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương sẽ lựa chọn các nhà phát triển đủ điều kiện để được hỗ trợ từ quỹ, đồng thời quỹ có thể được sử dụng để mua các sản phẩm tài chính do các nhà phát triển phát hành, hoặc tài trợ cho việc mua lại các dự án của họ. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang xem xét chính sách quốc gia về việc phát hành trái phiếu đặc biệt để tái phát triển các khu ổ chuột. Các thông tin này sẽ thúc đẩy kỳ vọng nhu cầu về đồng, vốn chiếm khoảng 22% cho lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng.
Tuy nhiên, tâm điểm của thị trường trong tuần này vẫn sẽ hướng về cuộc họp quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào giữa tuần. Đa số ý kiến cho rằng FED sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Nếu như mức điểm đó được thông qua, nhiều khả năng giá sẽ giảm do áp lực lo ngại về suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, điều đó nằm trong kỳ vọng của thị trường, nên giá có thể sẽ không giảm quá sâu. Hơn nữa, thị trường lao động thắt chặt và hoạt động tiêu dùng mạnh mẽ của người dân Mỹ vẫn cho thấy nền kinh tế hoạt động không quá tiêu cực. Ngoài ra, nhu cầu về kim loại cơ bản làm nguyên liệu đầu vào sản xuất tại Trung Quốc đang được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm cũng sẽ là yếu tố ngăn cản sự lao dốc của giá đồng.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc