Giá đậu tương có khả năng sẽ tiếp tục suy yếu về vùng hỗ trợ tâm lí 1400 trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 26/09, giá đậu tương đang giảm khá mạnh theo diễn biến chung của nhóm nông sản. Cũng như vài phiên trong nửa cuối tuần trước, các yếu tố cơ bản của cả nhóm nông sản đã bị lấn át bởi những thông tin xoay quanh triển vọng nền kinh tế, ảnh hưởng của lạm phát khiến cho các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất và kéo theo những biến động tới các đồng tiền. Trong tuần này, với lịch phát biểu của chủ tịch Fed Jerome Powell thì nhiều khả năng giá USD cũng sẽ là yếu tố tác động mạnh tới giá đậu tương.
Trong dự báo mới được đưa ra, Fed nhận định lãi suất cơ bản sẽ phải tăng với bước nhảy lớn hơn và lên ngưỡng cao hơn so với dự kiến trước đó; nền kinh tế sẽ giảm tốc mạnh; và thất nghiệp sẽ tăng với mức tăng vốn thường thấy trong các đợt suy thoái kinh tế trong lịch sử. Thống kê gần đây cho thấy tình hình lạm phát ở Mỹ gần như không có sự cải thiện nào cho dù Fed đã thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt. Hiện tại, chỉ số Dollar Index đang liên tiếp lập đỉnh mới trong vòng 20 năm qua. Nếu như phát biểu sắp tới của Fed khiến cho đồng USD tiếp tục mạnh lên, đồng nghĩa với việc hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ sẽ càng đắt đỏ hơn nữa thì giá đậu tương CBOT sẽ chịu áp lực cạnh tranh cao hơn từ nguồn cung ở Nam Mỹ.
Trong khi đó, công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp Datagro dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2/23 ở Nam Mỹ sẽ đạt mức kỷ lục 219.34 triệu tấn, tăng 21% so với niên vụ trước. Nông dân Brazil hiện đã bắt đầu gieo trồng đậu tương niên vụ mới với dự báo sản lượng năm nay sẽ đóng góp khoảng 70% tổng sản lượng của Nam Mỹ, tương đương khoảng 152 triệu tấn. Nguyên nhân dẫn đến việc sản lượng đậu tương đạt mức cao kỷ lục là do diện tích canh tác được mở rộng lên tới 66.09 triệu héc-ta, tăng 3% so với niên vụ trước và là mức cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Mặc dù triển vọng nguồn cung vẫn còn phụ thuộc vào thời tiết nhưng đây vẫn là yếu tố củng cố lực bán đối với đậu tương CBOT.
Giá Arabica khả năng cao suy yếu trong phiên hôm nay khi đồng Dollar Mỹ tiếp tục tăng
Kết thúc tuần giao dịch 19/09 – 25/09, giá 2 mặt hàng cà phê đều ghi nhận sự khởi sắc khi đồng Dollar Mỹ tăng và chạm mốc cao lịch sử trong 20 năm sau khi các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất cơ bản. Bên cạnh đó, CONAB, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil, hạ dự báo nguồn cung cà phê 21/22 của Brazil cũng tạo ra tâm lý tâm lý lo ngại trên thị trường, giúp đóng cửa giá cà phê mang sắc xanh.
Hiệu ứng từ việc đồng loạt cắt giảm lãi suất của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới khiến cho Dollar Mỹ chạm mức cao trong 20 năm, đồng thời động lực tăng vẫn còn duy trì trong phiên hôm nay. Điều này nhiều khả năng khiến đồng Real tiếp tục suy yếu, từ đó thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil, khiến giá có thể nối tiếp phiên giảm vào cuối tuần trước.
Dự báo thời tiết trong 10 ngày tới tại Brazil vẫn được đánh giá là yếu tố tích cực đối với sự phát triển của cây cà phê. Điều này dự kiến sẽ khiến thị trường an tâm hơn về nguồn cung mặt hàng này, trong bối cảnh cây trồng này trước đó phải chịu ảnh hưởng tiêu cực do khô hạn kéo dài cũng như mất trắng một diện tích không nhỏ do hiện tượng ra hoa sớm. Đây tiếp tục được xem là nhân tố gây sức ép lên giá trong thời gian tới.
Hệ quả của việc tăng lãi suất để kiềm soát lạm phát của Ngân hàng Trung ương chính là nguy cơ về suy thoái kinh tế. Việc lãi suất tăng cao khiến khoản cho chi tiêu của người dân đối với mặt hàng không thiết yếu như cà phê có thể bị cắt giảm. Từ đó đẩy nhu cầu tiêu thụ suy yếu và gây áp lực lên giá.
Dollar Mỹ nhiều khả năng vẫn còn động lực tăng, sẽ là yếu tố tiếp tục gây sức ép đến thị trường đồng
Giá đồng đang tiếp tục gặp sức ép bán mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần khi đồng Dollar Mỹ nối dài đà tăng. Nhiều khả năng đồng bạc xanh vẫn sẽ còn động lực tăng trong tuần này trước các rủi ro vĩ mô tại nhiều nền kinh tế khác đang củng cố cho nhu cầu nắm giữ USD có tính trú ẩn an toàn. Do đó, thị trường đồng sẽ khó tìm được động lực phục hồi, trước khi chờ đợi thêm thông tin về dữ liệu sản xuất tại thị trường Trung Quốc được công bố vào cuối tuần này.
Chỉ số Dollar Index hiện đã vượt mốc 113 trong phiên sáng nay. Bên cạnh yếu tố kỳ vọng về mức lãi suất của Mỹ sẽ còn được bổ sung trong giai đoạn cuối năm đã đẩy đồng bạc xanh liên tục lập đỉnh 2 thập kỷ, thì rủi ro kinh tế khu vực châu Âu đã thúc đẩy nhu cầu nắm giữ đồng bạc xanh có tính trú ẩn an toàn. Tại Anh, Bộ trưởng Tài chính mới dường như đang đánh mất uy tín tài chính khi đặt ra kế hoạch cắt giảm thuế và chi tiêu khổng lồ trong một nỗ lực khôi phục sự suy yếu của nền kinh tế, ngay sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Mức lạm phát tại quốc gia này vẫn đang ở ngưỡng cao trong lịch sử khi CPI đạt mức 9.9% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, kế hoạch này đang gây ra lo ngại về bài toán lạm phát sẽ không được kiềm chế, và gánh nặng nợ của Chính phủ cũng sẽ gia tăng.
Đồng bảng Anh hiện đã lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 37 năm so với đồng USD, và các nhà đầu tư có thể tăng cường nắm giữ đồng Dollar Mỹ có tính trú ẩn cao hơn trước các rủi ro từ việc nắm giữ ngoại tệ khác. Điều này sẽ gây ra áp lực đối với thị trường đồng, nhất là trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô đang có xu hướng tác động mạnh tới thị trường kim loại như giai đoạn hiện nay.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, sau khi đồng nhân dân tệ liên tục trượt giá so với đồng bạc xanh, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ áp đặt tỷ lệ dự phòng rủi ro bắt buộc là 20% đối với các tổ chức tài chính khi tiến hành giao dịch kỳ hạn ngoại hối. Những nỗ lực hạn chế đà suy yếu của đồng Nhân dân tệ có thể gây sức ép tới các kích thích kinh tế của Chính phủ quốc gia này.
Giá dầu có thể phục hồi nhẹ trước khi tiếp tục chịu sức ép từ các ngân hàng trung ương trong tuần
Giá đang có xu hướng phục hồi nhờ lực bắt đáy và Dollar Index điều chỉnh từ đỉnh, tuy vậy, nhiều khả năng giá dầu sẽ còn chịu áp lực trong tuần này.
Tiếp nối quyết định tăng lãi suất của một loạt ngân hàng trung ương tuần trước, tuần này một loạt các quan chức cao cấp sẽ lên phát biểu, đặc biệt là các quan chức Ngân hàng Trung ương Mỹ Fed và Ngân hàng trung ương châu Âu. Các quan chức Fed khả năng cao sẽ duy trì quan điểm “hawkish”, ủng hộ quá trình tăng lãi suất trong 2 cuộc họp tiếp theo. Trong khi đó, ECB được cho là sẽ tăng ít nhất 50 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 10, nhất là khi đồng Euro hiện tại đã xuống thấp hơn Dollar Mỹ. Sức ép về tỷ giá gây gánh nặng lớn cho châu Âu, khi khu vực này nhập khẩu phần lớn năng lượng và lương thực, trong khi các hợp đồng này phần lớn được thanh toán bằng Dollar Mỹ. Tương tự, trong tuần trước, ngân hàng trung ương Nhật đã phải can thiệp thị trường khi Yên nhật xuống quá thấp so với đồng tiền Mỹ. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường dầu trong tuần.
Mặt khác, sức ép về thiếu hụt nguồn cung vẫn còn, đặc biệt khi thị trường lúc nào cũng ở trong rủi ro OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng nếu giá dầu giảm quá mạnh. Hơn thế nữa, việc các nước châu Âu đánh thuế nặng vào các công ty năng lượng sẽ khiến cho đầu tư vào các giếng dầu, giàn khoan khó có thể tăng một cách có ý nghĩa để bù đắp cho sản lượng dầu của Nga, đặc biệt khi các lệnh cấm vận đi vào hoạt động. Các yếu tố trái chiều sẽ khiến cho thị trường chứng kiến nhiều biến động mạnh trong phiên.
Nguồn:Vinanet/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)