Triển vọng nhu cầu đối với đậu tương Mỹ trong ngắn hạn đang trở nên tích cực hơn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 27/10, giá đậu tương đang tăng nhẹ như diễn biến hôm qua. Như chúng tôi đã phân tích vào đầu tuần, giá vẫn đang ở trong xu hướng giằng co dưới kháng cự tâm lí 1400. Việc thị trường không tiếp nhận thêm báo cáo quan trọng hay các sự kiện kinh tế ảnh hưởng chung lên tài chính trong bối cảnh triển vọng nguồn cung từ Mỹ hay Nam Mỹ vẫn chưa rõ ràng là nguyên nhân chính lý giải cho diễn biến của đậu tương và các mặt hàng nông sản nói chung trong giai đoạn gần đây.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ gần đây cũng là quan tâm của thị trường. Việc tăng cường các biện pháp hạn chế sản xuất chip tiên tiến của Bắc Kinh và muốn nắm giữ sự thống trị đối với công nghệ chiến lược này của Washington được giới lãnh đạo Trung Quốc coi là một hình thức chiến tranh thương mại và đã tạo ra phản ứng gay gắt. Những sự kiện trong cuộc chiến thương mại giữa 2 quốc gia vào năm 2018 cũng đã cho thấy nông sản cũng là thị trường bị ảnh hưởng mạnh mẽ do Trung Quốc thường là đối tác hàng đầu đối với ngô và đậu tương Mỹ. Tuy nhiên, nếu như thương mại nông sản cũng bị ảnh hưởng, giá các mặt hàng sẽ bước vào 1 xu hướng mới sau 2 năm liên tục duy trì ở mức cao khi nước này sẽ tập trung mua hàng từ Nam Mỹ nhiều hơn. Một vụ mùa kỷ lục tiềm năng sắp tới từ Brazil có thể mang lại cho Trung Quốc cơ hội và nguồn cung thay thế cho đậu tương của Mỹ và khiến cho nhu cầu đối với Mỹ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong quý I năm 2023. Đây sẽ là yếu tố “bearish” tiềm ẩn và cần theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, khi hoạt động thu hoạch vẫn đang được đẩy mạnh thì khối lượng bán hàng của Mỹ vẫn sẽ trở nên tích cực hơn. Trong báo cáo Export Sales tối nay, thị trường đang dự đoán Mỹ đã bán được trên 1 triệu tấn đậu tương trong tuần vừa rồi. Nếu như xác nhận thì đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá trong phiên hôm nay.
Áp lực từ triển vọng nguồn cung tích cực có thể khiến giá Arabica tiếp tục giảm trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/10, hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm sâu ở mức hơn 3% với mỗi loại. Triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ tiếp theo tại Brazil cùng với dự đoán sản lượng gia tăng tại Trung Mỹ trong niên vụ hiện tại tiếp tục là yếu gây áp lực lên giá Arabica. Đối với Robusta, Việt Nam bắt đầu bước vào vụ thu hoạch với dự kiến sẽ cung cấp lượng lớn nguồn cung ra thị trường sau thời gian xuất khẩu suy yếu do tồn kho cạn kiệt cũng gây sức ép lên mặt hàng này.
Mưa được dự kiến vẫn tiếp diễn ở phần đa các khu vực tại Brazil và không ngoại trừ Minas Gerais, vùng trồng cà phê chính của Brazil. Lượng mưa lớn trong thời gian này vẫn được đánh giá là yếu tố tích cực đối với cây cà phê khi nó không chỉ thúc đẩy khả năng đậu quả sau khi ra hoa mà còn giúp duy trì độ ẩm cho giai đoạn ngủ kéo dài từ 6 đến 10 tuần sắp tới. Như vậy, triển vọng nguồn cung cà phê và đặc biệt là Arabica tại Brazil trong niên vụ 23/24 đang được đánh giá ở mức rất tích cực, bất chấp năm tới là năm mất mùa theo chu kỳ được mùa 2 năm một lần tại Brazil.
Không chỉ vấn đề nguồn cung tại Brazil đang gây sức ép lên giá Arabica, các nước cung ứng lớn khác như Colombia hay các nước Trung Mỹ cũng cho thấy tín hiệu có thể tăng sản lượng niên vụ 22/23 do thời tiết thuận lợi đang ủng hộ cho việc thu hoạch tại khu vực này diễn ra rất tốt. Trong đó, Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu tại Châu Phi mới đây đã đưa ra dự báo sẽ tăng sản lượng hơn 11% so với niên vụ trước, càng đè nặng lên giá cà phê trong thời gian tới.
Giá đồng có thể sẽ chờ đợi cơ hội bứt phá khi đang vượt ngưỡng 3.5 USD/pound
Giá đồng đã phá qua kênh xu hướng giảm trong phiên hôm qua nhờ sự hỗ trợ từ sự suy yếu của đồng Dollar Mỹ, vượt kháng cự 3.5 USD/pound và cần đóng cửa trên mức này để xác nhận thoát khỏi vùng tích luỹ và có thể mở một khoảng giao dịch mới hướng đến ngưỡng 3.7 USD/pound.
Rủi ro thúc đẩy lực bán vẫn còn tồn tại khi mà nền kinh tế Trung Quốc đang khó khăn trong việc tìm kiếm đà phục hồi tăng trưởng cuối năm. Theo nghiên cứu từ Bloomberg tổng hợp từ 8 chỉ số của Trung Quốc cho thấy hoạt động kinh tế của quốc gia này đang tăng trưởng chậm lại trong tháng 10. Thước đo tổng thể ở mức 4, cho thấy đà giảm sau 3 tháng cải thiện. Trong đó, niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ đã giảm trở lại trong tháng này lần đầu tiên kể từ tháng 5, thời điểm mà Thượng Hải và các thành phố khác đang ở đỉnh điểm của các đợt phong tỏa. Đây vẫn sẽ là một trong các yếu tố lớn nhất cản trở đà phục hồi của giá đồng trong giai đoạn cuối năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung đồng thắt chặt trên thế giới, nếu như nhu cầu tại Trung Quốc có sự cải thiện nhất định, điều đó cũng sẽ khiến giá có động lực bứt phá nhanh chóng.
Tối nay, thị trường sẽ tập trung phân tích dữ liệu GDP của Mỹ trong quý III. Trước đó, Mỹ đã đạt tốc độ tăng trưởng âm trong 2 quý liên tiếp và lần này, các nhà kinh tế dự báo GDP quý III phục hồi ở mức 2.4% so với quý trước đó. Con số được đưa ra tương đối lạc quan, trong khi nếu xét về lĩnh vực tiêu dùng cá nhân, chiếm khoảng 65% GDP của Mỹ trong 3 tháng quý III vẫn chưa có sự khởi sắc đáng kể. Tăng trưởng doanh số bán lẻ Mỹ trong 3 tháng 7, 8, 9 đều ở dưới mức 0.3%. Tuy vậy, trong trường hợp GDP tiêu cực hơn dự kiến, đây cũng có thể là yếu tố khiến thị trường tin rằng Fed sẽ làm chậm lại quá trình tăng lãi suất và khiến nền kinh tế bớt áp lực hơn, giá đồng có thể có động lực nằm trên ngưỡng 3.5 USD/pound.
Ngoài ra, với sự phục hồi của đồng Euro khi Ngân hàng Trung ương (ECB) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bán ngoại tệ nhằm giữ giá đồng nội tệ có thể gây thêm áp lực cho đồng bạc xanh và hỗ trợ cho đà tăng của giá đồng.
Giá dầu sẽ tiếp tục tăng khi các quốc gia tìm cách bổ sung dầu do lo ngại nguồn cung dầu Nga sụt giảm
Giá dầu đang có tín hiệu điều chỉnh, tuy nhiều khả năng sẽ sớm phục hồi, khi các dấu hiệu trên thị trường chỉ ra người mua đang chật vật tìm kiếm nguồn cung dầu thay thế cho Nga.
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng lên mức kỷ lục 5.1 triệu thùng/ngày trong tuần vừa rồi, cho thấy các nước đang ráo riết thu mua dầu trên thị trường ở mức giá dưới 90 USD/thùng, bất chấp kế hoạch của nhóm G-7 đặt trần giá lên dầu của Nga. Kế hoạch chính thức có thể sẽ đặt mức giá tối đa cho sản phẩm dầu Urals chủ lực trên ngưỡng 40 – 60 USD/thùng và gần hơn với mức trung bình 5 năm đang ở 63 - 64 USD/thùng. Với mức trung bình của dầu Urals trong tháng 9 ở 74 USD/thùng, mức giá này vẫn đảm bảo giảm doanh thu từ tiền bán dầu của Nga. Về lý thuyết, trần giá cao có thể sẽ thuyết phục Nga bán dầu với mức giá rẻ mà vẫn đảm bảo nguồn cung cho thế giới. Tuy vậy, việc chậm trễ đưa ra hướng dẫn cụ thể cho các công ty vận tải và công ty bảo hiểm có thể sẽ sớm phải ngừng xử lý các đơn hàng. Như vậy, theo ước tính, Nga sẽ phải tìm cách chuyển hướng khoảng 1.3 triệu thùng dầu/ngày sang các thị trường khác, nhất là khi nước này đã tuyên bố sẽ không hợp tác với quốc gia nào tham gia vào kế hoạch áp đặt trần giá.
Việc tìm người mua các sản phẩm về dầu không phai đơn giản, và có khả năng châu Á sẽ không hấp thụ được hết dầu Nga. Kể cả khi giải quyết được vấn đề về thời gian vận chuyển kéo dài và quy trình bảo hiểm phức tạp, thì liệu các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc và Ấn Độ có khả năng xử lý thêm một lượng lớn dầu không là một dấu hỏi lớn. Mặc dù Trung Quốc có kế hoạch nâng công suất lọc dầu từ 17 triệu thùng/ngày cho đến 20 triệu thùng/ngày vào năm 2025, tuy nhiên, ngay tại Trung Quốc tiêu thụ nhiên liệu vẫn đang yếu, trong khi chính phủ nước này vẫn đang kiểm soát chặt lượng sản phẩm dầu được xuất khẩu hàng năm, do lo ngại về ô nhiễm môi trường, điều này sẽ hạn chế lương dầu thô các công ty mua vào trong thời điểm cuối năm nay đầu năm sau.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)