Tiến độ mùa vụ đậu tương tại Mỹ đang diễn ra nhanh chóng và vượt mức kì vọng sẽ là yếu tố tạo sức ép lên giá
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương đang lấy lại được sắc xanh, tuy nhiên lực mua vẫn đang còn khá yếu. Giai đoạn 2 tuần vừa qua, thị trường nông sản nói chung gần như chỉ giằng co và không xác nhận xu hướng rõ ràng do thị trường thiếu vắng các thông tin, số liệu quan trọng và các sự kiện kinh tế vĩ mô cũng không ảnh hưởng quá nhiều lên giá. Diễn biến này theo chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì trong vài phiên tới và giá đậu tương sẽ phản ứng nhiều hơn với các tín hiệu kĩ thuật trong bối cảnh các yếu tố cơ bản đang trái chiều nhau.
Trong báo cáo Crop Progress được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào sáng nay, tốc độ thu hoạch đậu tương đã được đẩy nhanh trong tuần vừa rồi và tiến độ đã bước vào giai đoạn cuối cùng. Cụ thể, 80% diện tích đã được thu hoạch và nhanh hơn so với mức 77% dự đoán của thị trường. Trong đó, tiến độ tại các bang cũng đều vượt mức trung bình 5 năm, đặc biệt là khu vực phía tây. Mặc dù thời tiết khô hạn khiến chất lượng cây trồng sụt giảm nhưng lại tạo điều kiện để cây trồng thu hoạch sớm hơn. Điều này lý giải cho việc tiến độ cũng vượt lên mức kì vọng của thị trường khi quá trình gieo trồng đã bị chậm trễ đáng kể. Mặc dù số liệu đánh giá chất lượng từ tuần này sẽ không còn được thống kê lại trong các báo cáo Crop Progress nhưng năng suất cây trồng vẫn sẽ có thể được điều chỉnh trong báo cáo Cung – cầu tháng 11 và tiến độ mùa vụ cũng là cơ sở để nhận định về con số này. Hiện tại, tình trạng mùa vụ tại Mỹ vẫn đang thiên về tác động “bearish” đối với giá.
Bên cạnh đó, mực nước tiếp tục giảm trên các nhánh sông Mississippi và đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1988 cũng là mối lo ngại và là vấn đề đối với xuất khẩu nông sản của Mỹ trong giai đoạn thu hoạch cao điểm này. Năng suất vận chuyển giảm xuống đáng kể cùng với chi phí tăng cao cũng sẽ góp phần táo áp lực lên giá đậu tương.
Áp lực từ triển vọng nguồn cung tích cực tại các quốc gia cung ứng hàng đầu có thể đẩy giá đường tiếp tục suy yếu
Cả 2 mặt hàng bông và đường đều đang trong xu thế suy yếu trong những phiên gần đây. Trong đó, đường 11 có phiên giảm thứ 6 liên tiếp với mức giảm hơn 1% trong phiên hôm qua, do những áp lực từ sản lượng nguồn cung tích cực tại 3 nước xuất khẩu hàng đầu Brazil, Ấn Độ và Thái Lan. Giá bông trong phiên hôm qua bất ngờ chạm giới hạn phiên với mức giảm 3.00 cents, đẩy giá bông hiện tại về mức 76.13 cents.
Đối với đường 11, nguồn cung tích cực đang là yếu tố gây áp lực trong các phiên gần đây và có thể là trong thời gian ngắn tới. Cụ thể, sản lượng mía nghiền ở khu vực Trung Nam của Brazil có thể tăng từ mức 550 triệu tấn trong niên vụ 22/23 lên 575 đến 595 triệu tấn trong niên vụ 23/24. Điều này sẽ kéo theo lượng đường của Brazil tăng từ 32.9 triệu tấn trong niên vụ hiện tại lên mức 34.85 triệu tấn trong niên vụ tới và thậm chí còn có thể đạt đến 36.65 triệu tấn nếu không có phí. Trước đó, nước xuất khẩu đường lớn thứ 3 thế giới là Ấn Độ cũng đưa ra ước tính tăng trưởng 2% sản lượng đường trong niên vụ 22/23. Điều này thể hiện nguồn cung đường đang đưa lại triển vọng rất tích cực trong khi nhu cầu tiêu thụ không mấy khả quan do lạm phát và lo ngại suy thoái kinh tế trên toàn cầu, sẽ là yếu tố gây sức ép lên giá.
Giá đồng có thể tiếp tục đối diện với áp lực bán trước triển vọng kinh tế kém sắc tại các nước phát triển
Thị trường đồng tiếp tục đón nhận lực bán trong phiên sáng nay khi dữ liệu kinh tế cho thấy hoạt động sản xuất chậm lại tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Nhiều khả năng triển vọng kém sắc này sẽ tiếp tục khiến giá gặp sức ép trong phiên hôm nay.
Trong bối cảnh chi phí vay tăng cao, hoạt động các nhà máy tại Mỹ đang có dấu hiệu thu hẹp lại khi chỉ số PMI sản xuất sơ bộ tháng 10 về dưới ngưỡng 50 lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020. Trong khi đó, các hoạt động sản xuất tại khu vực Châu Âu đã thu hẹp tháng thứ 4 liên tiếp, đạt mức 46.6 trong tháng 10, thấp hơn cả dữ liệu tháng trước và dự báo của các chuyên gia kinh tế. PMI của Đức, Anh, Pháp trong tháng 10 đều ở dưới ngưỡng 50 và tiêu cực hơn dự kiến. Sự suy yếu trong hoạt động sản xuất tại các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới đang làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế và sẽ là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu về kim loại đồng, gây sức ép đến giá.
Trung Quốc, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là nhà tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới cũng sẽ khó tìm được động lực tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô gặp nhiều sức ép. Hoạt động xuất khẩu, đóng góp khoảng 20% cho GDP của quốc gia này đã ghi nhận mức tăng trưởng chậm lại đáng kể trong tháng 9. Trong trường hợp nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tại Mỹ hay Châu Âu suy giảm, nó cũng sẽ là yếu tố cản trở hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.
Ngoài ra, chính sách Zero Covid và ngành bất động sản trì trệ tiếp tục là lực cản lớn. Giá nhà ở tại Trung Quốc đã giảm tháng thứ 13 liên tiếp, phản ánh nhu cầu yếu, trong khi 22% nhu cầu đồng của Trung Quốc dành cho lĩnh vực xây dựng và bất động sản.
Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ hiện đã rơi xuống mức thấp nhất trong gần 15 năm, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) đặt tỷ giá trung bình ở mức 7.1668 Dollar Mỹ, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2008. Điều này có thể sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất trong nước và xuất khẩu, nhưng cũng làm chi phí nhập khẩu đắt đỏ hơn. Hơn nữa, trong bối cảnh nhu cầu thế giới suy yếu, tăng cường xuất khẩu đối với Trung Quốc vẫn sẽ là bài toán khó.
Giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm trở lại trong phiên giao dịch hôm nay khi thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ
Bất chấp đà phục hồi nhẹ trong phiên sáng, giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực trong phiên ngày hôm nay.
Các thông tin tiêu cực về Trung Quốc và số liệu vĩ mô yếu kém từ Mỹ sẽ vẫn là yếu tố gây áp lực lên giá dầu khi giá tiệm cận vùng kháng cự 86 USD/thùng. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá sẽ sớm khởi sắc, đặc biệt khi nhu cầu tiêu thụ dầu nội địa tại Trung Quốc khó có thể phục hồi, khi nước này vẫn đang áp đặt một loạt các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại lên các thành phố lớn như Quảng Châu. Vì vậy, mặc dù nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 9 tăng 8% so với tháng trước, nhưng lượng dầu nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho hoạt động xuất khẩu nhiên liệu thay vì tiêu thụ nội địa, do đó giá không nhận được nhiều trợ giúp từ thông tin này.
Bên cạnh đó, khó có thể đảm bảo Fed sẽ giảm tốc trong quá trình tăng lãi suất để khống chế lạm phát mặc dù hoạt động sản xuất đã suy yếu. Tỷ lệ số thành viên Fed ủng hộ đường lối “hawkish” vẫn đang áp đảo và gần như chắc chắn trong tháng 11 sẽ có thêm 1 lần tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm. Tại Đức, đầu tầu kinh tế của châu Âu, PMI ngày hôm qua cũng đã rất tiêu cực và rơi xuống vùng 50 trong vòng 4 tháng liên tiếp.
Nguồn:Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV)