Các yếu tố cơ bản đang tác động trái chiều, giá đậu tương có khả năng sẽ tiếp tục giằng co dưới kháng cự 1400 trong tuần này
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương đang quay đầu suy yếu với áp lực bán khá mạnh ở vùng kháng cự tâm lí 1400. Trong tuần này, thị trường vẫn sẽ tiếp tục xu hướng giằng co do thiếu vắng thông tin, số liệu hay các sự kiện quan trọng ảnh hưởng chung lên toàn nhóm tài chính. Yếu tố hiện đang có vai trò lớn nhất trong việc quyết định diễn biến giá là triển vọng cung cầu đậu tương của Mỹ.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đậu tương của nước này trong tháng 09 đã tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 7.72 triệu tấn, phá vỡ xu hướng sụt giảm của số liệu này trong nhiều tháng. Những tháng trước, Trung Quốc đã hạn chế mua đậu tương trong bối cảnh giá toàn cầu cao. Tuy nhiên, lợi nhuận từ việc chăn nuôi lợn tại Trung Quốc đã hồi phục trong mùa hè, đẩy nhu cầu đối với khô đậu tăng lên, cùng với đó là nhu cầu nhập khẩu đậu tương. Thông tin này sẽ đóng vai trò giúp giá đậu tương sẽ khó giảm sâu dưới hỗ trợ 1360.
Về nguồn cung, mùa vụ đậu tương Mỹ hiện đang trong giai đoạn thu hoạch và thời tiết hiện đang có những thay đổi rõ rệt. Nếu như trong suốt giai đoạn phát triển, khô hạn và nắng nóng khắc nghiệt tỏng mùa hè luôn chiếm ưu thế khiến cho năng suất cây trồng sụt giảm mạnh thì đến hiện tại, lượng mưa lớn mới được ghi nhận trở lại sau vìa tháng qua. Cụ thể, dự báo thời tiết cho thấy một hệ thống bão lớn đang mang tuyết đầu mùa, mưa lớn và giông bão nghiêm trọng. Cơn bão bắt đầu ở phía Tây nước Mỹ đổ bộ vào cuối tuần trước, mang theo trận tuyết đáng kể đầu tiên trong mùa. Mưa lớn kèm với gió giật mạnh có khả năng sẽ khiến cho hoạt động thu hoạch bị gián đoạn và ảnh hưởng tới nguồn cung xuất khẩu. Mặc dù ảnh hưởng tới nguồn cung nhưng trong trung hạn, với bối cảnh hoạt động bán hàng của Mỹ cũng đang bị ảnh hưởng do các vấn đề liên quan đến hậu cần ở con sông Mississippi, thông tin này sẽ càng khiến cho áp lực cạnh tranh gia tăng đối với ngô CBOT.
Giá cà phê khả năng cao sẽ tiếp tục giảm trước áp lực về tỷ giá và yếu tố thời tiết tích cực tại Brazil
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, cả 2 mặt hàng cà phê đều ghi nhận sự suy yếu với mức giảm gần 3% đối với mỗi loại. Áp lực về nguồn cung khi mưa xuất hiện tại Minas Gerais, vùng trồng cà phê Arabica chính của Brazil sẽ giúp sản lượng trong niên vụ 23/24 trở nên tích cực hơn, từ đó gây sức ép lên giá. Với Robusta, dữ liệu sơ bộ về xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 9.5 tháng đầu năm vẫn cho thấy tín hiệu tích cực với mức tăng 11.05% so với cùng kỳ năm ngoái cũng là nhân tố chính đẩy giá mặt hàng này về mức thấp nhất trong 03 tháng trở lại đây.
Với Arabica, thông tin về thời tiết có thể sẽ tiếp tục là yếu tố chính tác động đến diễn biến giá cà phê trong thời gian tới. Với việc vùng mưa sẽ dịch chuyển dần về phía Bắc của Brazil, lượng mưa tại khu vực Đông Nam và cụ thể hơn là tại Minas Gerais, vùng trồng cà phê chính của quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới sẽ ít đi. Tuy vậy, điều này sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến sự phát triển của cây cà phê do lượng mưa dồi dào đã được cung cấp trước đó, cũng như chưa có dự báo nắng nóng hay khô hạn nào sẽ diễn ra tại Brazil trong 10 ngày tới. Như vậy, cây cà phê gần như vẫn có điều kiện tối ưu để phát triển trong thời gian này, đưa đến kỳ vọng về nguồn cung tích cực hơn trong năm tới, từ đó gây áp lực lên giá.
Trong khi Brazil đã kết thúc vụ thu hoạch, hiện tại là thời điểm Colombia và các nước Trung Mỹ bước vào vụ thu hoạch chính, với việc thời tiết được dự báo là ủng hộ cho việc thu hoạch, dự kiến sẽ giúp nguồn cung ra thị trường kịp thời, từ khiến nguồn cung được nới lỏng. Tuy vậy, đây được đánh giá là yếu tố sẽ gây sức ép lên giá trong bối cảnh nhu cầu được dự đoán trong tình trạng suy yếu khi lạm phát tăng cao và nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu vẫn đang là mối lo lớn.
Giá dầu nhiều khả năng còn điều chỉnh thêm sau tác động từ các thông tin của Trung Quốc
Sau nhịp tăng lúc mở cửa, giá dầu nhanh chóng quay đầu sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế sau 1 tuần chậm trễ.
GDP quý III tăng 3.9%, cao hơn kỳ vọng của thị trường, tuy nhiên vẫn là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng một thập kỷ. Kèm theo đó, cả số liệu về tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu đều không cho thấy sự tăng trưởng có ý nghĩa đã làm lu mờ triển vọng tích cực mà chính phủ Trung Quốc đã đưa ra trong kỳ Đại hội Đảng, như tăng dự trữ các hàng hóa như dầu và kim loại.
Kết quả cuộc bầu cử bộ máy lãnh đạo Trung Quốc sau kỳ Đại hội Đảng, trong đó đáng chú ý nhất là Bí thư Thượng Hải Lý Cường đang nổi lên như nhân vật “kế nhiệm” vị trí Thủ tướng sau này, báo hiệu chính sách Zero-Covid sẽ không sớm kết thúc. Trong mùa hè, để kiểm soát dịch Covid-19, Thượng Hải đã đóng cửa trong gần 2 tháng, bất chấp các thiệt hại về mặt kinh tế.
Mặc dù kết quả không quá bất ngờ, khi thị trường đã đồn đoán việc dữ liệu kinh tế chậm trế 1 tuần là do số liệu không lạc quan, tuy nhiên tác động đồng thời của 2 yếu tố này khiến cho lực bán gia tăng trên các thị trường rủi ro, trong khi Dollar Index tăng mạnh trong phiên đầu tuần. Áp lực từ yếu tố vĩ mô quay trở lại lấn áp các yếu tố cơ bản, bất cháp các cảnh báo cho thấy nguồn cung dầu thô sắp quay trở lại trạng thái thiếu hụt trong thị trường.
Giá đồng có thể sẽ tiếp tục đối diện với áp lực giảm trước sức ép từ nền kinh tế Trung Quốc
Sáng nay, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đã công bố loạt dữ liệu kinh tế vốn bị lùi lại bởi Đại hội Đảng diễn ra vào tuần trước, cho thấy bức tranh tăng trưởng dù có sự khởi sắc trong quý III nhưng vẫn còn khá nhiều sức ép. Giá đồng do đó cũng đã gặp áp lực trở lại. Tuy nhiên, nhập khẩu đồng của Trung Quốc đang dần có tín hiệu khởi sắc trong khi nguồn cung eo hẹp sẽ là yếu tố ngăn cản giá giảm sâu trong các phiên sắp tới.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III đạt mức tăng 3.9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo 3.5% của các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng khá thấp so với các giai đoạn trong quá khứ của quốc gia này. Ngoài ra, bức tranh nhu cầu tại Trung Quốc trong tháng 9 vừa qua tương đối ảm đạm khi doanh số bán lẻ và nhập khẩu đều giảm mạnh so với tháng trước đó, phản ánh niềm tin tiêu dùng vẫn còn yếu. Trong khi đó, một trong những động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc là xuất khẩu cũng ghi nhận tốc độ tăng chậm lại từ mức 7.1% trong tháng 8 xuống còn 5.7% trong tháng 9. Điều này cho thấy không chỉ Trung Quốc mà nhu cầu tiêu dùng tại các quốc gia lớn khác trên thế giới cũng đang chững lại do hàng loạt các sức ép vĩ mô. Do vậy, với vai trò thước đo sức khoẻ của nền kinh tế, giá đồng nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục đối diện với áp lực bán gia tăng.
Tuy nhiên, với giai đoạn tháng 9 và tháng 10 thường là giai đoạn tiêu thụ nguyên liệu kim loại cao tại quốc gia này sau giai đoạn bảo trì. Nhập khẩu đồng trong tháng 9 của Trung Quốc đã tăng 25.6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2.4% so với tháng 8 khi thị trường kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng do Chính phủ tăng chi cho cơ sở hạ tầng. Thông tin tích cực này có thể sẽ hạn chế đà giảm của giá đồng trong ngắn hạn do thị trường kỳ vọng nhu cầu tương đối ổn định so với nguồn cung đang thắt chặt. Nhưng nếu như giai đoạn cuối năm, tăng trưởng kinh tế vẫn còn chậm chạp vì dịch bệnh và lĩnh vực bất động sản trì trệ, nguồn cung đồng dần cải thiện trong khi nhu cầu vẫn yếu có thể khiến giá khó có động lực bứt phá.
Nguồn:Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV)