Giá ngô có thể sẽ hướng lên vùng 690 nếu như sản lượng ethanol trong báo cáo tối nay vẫn tiếp tục hồi phục
Mở cửa phiên giao dịch ngày 19/10, giá ngô đã lấy lại được sắc xanh sau 3 phiên liên tiếp suy yếu. Tuy nhiên, đà giảm của ngô không quá mạnh khi biên độ biến động vẫn nằm trong khoảng đi ngang trong suốt 2 tháng qua. Kể từ khi Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch, cây trồng không còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thời tiết khô hạn, thì tác động “bullish” từ các thông tin về mùa vụ tại nước này không còn đủ để giúp ngô hướng lên vùng giá cao hơn.
Về nhu cầu, thị trường cũng nên theo dõi vào các số liệu trong các báo cáo hàng tuần để nhận định được những xu hướng trong thời gian tới. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cắt giảm ước tính tiêu thụ ngô để sản xuất ethanol niên vụ 22/23 trong báo cáo Cung – cầu tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, sản lượng ethanol đang có dấu hiệu hồi phục trong 2 tuần gần đây khi liên tiếp tăng lên sau chuỗi liên tiếp sụt giảm sâu dưới mức 1 triệu thùng/ngày và tồn kho ở mức thấp thứ 2 trong vòng 10 tháng qua. Nếu như sản lượng tiếp tục được cải thiện trong báo cáo tối nay của EIA thì sẽ cho thấy triển vọng về nhu cầu tích cực hơn và là yếu tố “bullish” đối với giá.
Trong khi đó, triển vọng nguồn cung ở Nam Mỹ lại đang tác động trái chiều lên giá. Dự báo diện tích gieo trồng năm nay của Brazil vẫn ở mức kỉ lục, tuy nhiên, năng suất cây trồng lại đang đứng trước nguy cơ sụt giảm do lượng mưa quá lớn. Sở Kinh tế Nông thôn Parana (Deral) mới đây đã giảm đánh giá về chất lượng cây trồng ở bang đối với cả ngô, đậu tương và lúa mì, trong bối cảnh nhiều khu vực chịu ảnh hưởng bởi những trận mưa lớn. Tình trạng mùa vụ trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là ở phía tây nam Parana, nơi cây trồng phát triển không đồng đều. Sự chậm trễ trong hoạt động gieo trồng vụ hè tại bang này đang làm trì hoãn tiến độ trồng ngô. Chính vì vậy nên đà giảm của giá có thể sẽ không kéo dài.
Giá đường khả năng cao tiếp tục suy yếu trước áp lực nguồn cung gia tăng tại Ấn Độ
Kết thúc phiên giao dịch 18/10, cả bông và đường đều ghi nhận sự suy yếu, trong đó bông giảm gần 1% và đường 11 giảm 0.53%. Nguyên nhân lý giải cho sự suy yếu của 2 mặt hàng đều đến từ sản lượng dự kiến tăng tại Ấn Độ trong niên vụ 22/23, cụ thể sản lượng đường dự kiến tăng 2% lên 36.5 triệu tấn và bông dự kiến tăng 12% lên 34.4 triệu kiện.
Ấn Độ, quốc gia có sản lượng đường lớn thứ 2 thế giới mới đây đã được dự báo có thể sản xuất lên đến 36.5 triệu tấn đường, tăng 2% so với mức 35.8% so với niên vụ 21/22. Với việc dự kiến sẽ tiêu thụ 27.5 triệu tấn đường theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu đường Ấn Độ (ISMA), quốc gia này có thể sẽ xuất khẩu khoảng 9 triệu tấn đường trong niên vụ hiện tại.
Dù mức hạn ngạch dự kiến là thấp hơn so với lượng hạn ngạch 10 triệu tấn trong năm trước cũng như mức xuất khẩu thực tế 11.2 triệu tấn cùng năm đó, nhu cầu tiêu thụ đường trên toàn cầu đang đứng trước lo ngại sẽ sụt giảm mạnh khi nền kinh tế trên toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái khi lạm phát tăng cao và Qũy Tiền tệ Quốc tế IMF đã hạ dự báo tăng trưởng trong cả năm 2022 và 2023. Điều này có thể sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ đường giảm mạnh. Bên cạnh đấy, Trung Quốc, nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới vẫn chưa cho thấy dấu hiệu nào của việc sẽ nới lỏng các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Điều này càng thể hiện cho khả năng nhu cầu tiêu thụ sẽ suy yếu, từ đó gây áp lực lên giá. Do vậy, việc sản lượng gia tăng vẫn được xem là yếu tố tác động tiêu cực lên giá đường.
Giá dầu nhiều khả năng sẽ gặp áp lực trong thời gian tới khi Mỹ tuyên bố sẽ giải phóng thêm 15 triệu thùng dầu thô từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) và khả năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng này trước sức ép sắp bước vào thời điểm bầu Hạ viện và Thượng viện trong tháng 11. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường, khiến nguồn cung mặt hàng này gia tăng, từ đó gây sức ép lên giá.
Giá đồng nhiều khả năng vẫn đối diện với áp lực khi thiếu vắng yếu tố đột phá về nhu cầu
Giá đồng nhiều khả năng sẽ tiếp tục đối diện với áp lực bán trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 gia tăng tại nơi tổ chức Đại hội Đảng Trung Quốc, Bắc Kinh, trong khi có rất ít các dấu hiệu cho thấy chính sách Zero-Covid sẽ được nới lỏng. Điều này đang làm dấy lên lo ngại rằng kỳ vọng khôi phục kinh tế của Trung Quốc trong giai đoạn cuối năm sẽ còn gặp nhiều trở ngại và nhu cầu đồng sẽ ít có động lực đột phá.
Cụ thể, số ca nhiễm Covid-19 của Bắc Kinh đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng vào ngày hôm qua. Trong khi đó, tại Thượng Hải, nguồn tin từ Bloomberg cho biết thành phố này sẽ xây dựng một cơ sở cách ly với sức chứa hàng nghìn người trong một nỗ lực dập tắt dịch bệnh. Điều đó cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng vẫn sẽ siết chặt các quy định chống dịch và do đó, gián đoạn trong hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục gây cản trở tới tiêu thụ đồng. Tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải vẫn đang ở mức cao, đạt khoảng hơn 70,000 tấn đồng, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm nay. Kỳ vọng về tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm khiến hoạt động sản xuất đồng tại quốc gia này gia tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh Zero-Covid vẫn là hạn chế lớn, nhu cầu khó có động lực tăng mạnh trong ngắn hạn sẽ tiếp tục gây sức ép tới giá đồng trong phiên.
Về mặt vĩ mô, phát biểu “diều hâu” của của chủ tịch Fed Minneapolis, ông Neel Kashkari vào ngày hôm qua cho rằng lãi suất có thể sẽ ở trên mức 4.75% vào năm sau trong trường hợp lạm phát vẫn ở mức cao đã kéo đồng Dollar Mỹ phục hồi trở lại. Điều này tiếp tục là trở ngại cho chi phí nắm giữ đồng vật chất. Tối nay, dữ liệu về số giấy phép xây dựng của Mỹ được công bố, và đây cũng là một trong những chỉ báo phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh lãi suất tăng, lãi suất cho vay thế chấp bất động sản trung bình 30 năm của Mỹ hiện đã tăng lên mức 6.92%, mức cao nhất trong vòng 20 năm nay. Điều đó cũng sẽ là yếu tố gây sức ép tới nhu cầu đồng cho xây dựng và có thể tác động “bearish” đến giá.
Giá dầu nhiều khả năng sẽ sớm gặp áp lực trở lại khi chưa có nhiều triển vọng tích cực
Giá dầu tăng trở lại trong phiên sáng, nhờ lực mua “bắt đáy” khi giá giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần.
Tuy vậy, với các yếu tố cung – cầu hiện tại, khó có thể kỳ vọng giá sẽ tạo ra được đà tăng vững chắc. Với rủi ro về suy thoái kinh tế vẫn còn rất lớn, đặc biệt Trung Quốc vẫn còn là “điểm yếu” khi GDP quý III được cho là khá tiêu cực bất chấp các biện pháp kích thích. Với vai trò là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2, chiếm đến gần 15% tổng nhu cầu dầu của thế giới, và là nước nhập khẩu dầu lớn thứ 1, sự suy yếu của Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường, đặc biệt khi nguyên nhân là do các chính sách mang tính dài hạn như Zero Covid kéo dài sẽ khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng trong trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, khả năng Mỹ tiếp tục mở kho dầu dự trữ chiến lược vẫn còn, khi nước này sắp bước vào thời điểm bầu Hạ viện và Thượng viện trong tháng 11. Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden đối mặt với thách thức lớn là phải kiểm soát được lạm phát, đặc biệt là giá nhiên liệu là một trong các vấn đề được quan tâm hàng đầu. Hiện tại giá xăng tại Mỹ đang là 3.87 USD/gallon, và nhiều phân tích chỉ ra giá xăng phải duy trì dưới ngưỡng 4 USD/gallon mới có thể đảm bảo đảng cầm quyền không bị hứng chịu nhiều chỉ trích.
Nguồn:Vinanet/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)