Triển vọng nguồn cung tại Mỹ vẫn đang thiếu rõ ràng, giá ngô có thể sẽ tiếp tục duy trì khoảng đi ngang trong phiên hôm nay
Giá ngô mở cửa phiên hôm nay trong sắc đỏ nhưng lực mua đang dần được đẩy mạnh trở lại. Sau chuỗi lao dốc mạnh vào tuần trước, đà giảm của ngô đang bị hạn chế khi giá chỉ giằng co đi ngang trong vài phiên gần đây. Tác động trái ngược giữa 2 quốc gia sản xuất lớn nhất là những yếu tố chính quyết định xu hướng giá.
Tại bang Parana của Brazil, nông dân đã bắt đầu thu hoạch ngô vụ 2 và tiến độ sẽ được đẩy mạnh vào tháng 7 tới. Chất lượng cây trồng cũng được đánh giá khá tốt với 72% diện tích đạt tốt – tuyệt vời, cao hơn nhiều so với mức 26% trong cùng kì năm ngoái. Dự báo thời tiết ổn định và thuận lợi cũng sẽ giúp cho nguồn cung được đưa ra thị trường quốc tế dồi dào hơn. Chính vì thế nên trong trung hạn khi nhu cầu ngô từ Trung Quốc vẫn chưa có sự cải thiện rõ ràng, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm cho rằng áp lực bán đối với mặt hàng này vẫn sẽ chiếm ưu thế.
Còn trong ngắn hạn, thị trường vẫn sẽ hướng tới báo cáo Diện tích gieo trồng được USDA công bố vào tối mai. Số liệu được kỳ vọng sẽ cao hơn so với dự báo trong báo cáo tháng 3 đang là yếu tố tạo áp lực lên giá, ít nhất là cho tới phiên ngày mai. Ngược lại, triển vọng thời tiết tác động lên năng suất cũng là một tham số quyết định trực tiếp tới sản lượng cây trồng. Chất lượng ngô đang có xu hướng giảm xuống cùng với dự báo về nắng nóng sắp tới càng khiến cho triển vọng nguồn cung tại Mỹ trở nên thiếu rõ ràng hơn. Đối với báo cáo Tồn kho hàng quý, theo chúng tôi, các số liệu lại đang thiên về yếu tố “bearish”. Mặc dù thời điểm xảy ra chiến tranh ở Biển Đen, Ukraine vẫn còn khoảng 15 triệu tấn ngô để xuất khẩu và Mỹ được kỳ vọng sẽ phần nào thay thế cho khối lượng thiếu hụt này. Tuy nhiên, sức cạnh tranh từ Nam Mỹ khiến cho tồn kho của Mỹ trong báo cáo tới có thể sẽ được cải thiện. Với các yếu tố hiện tại, giá có thể sẽ chỉ giằng co đi ngang trước khi các số liệu trở nên rõ ràng hơn.
Các yếu tố cơ bản khác nhau có thể khiến giá cà phê diễn biến trái chiều trong thời gian tới
Kết thúc phiên giao dịch 28/06, giá cà phê trên cả 2 Sở nối tiếp đà giảm khi vẫn còn nguyên áp lực từ nguồn cung dồi dào do nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới hiện đang thu hoạch vụ Arabica được mùa theo chu kỳ “hai năm một”. Đồng thời Brazil đang đẩy mạnh bán cà phê xuất khẩu vì đồng Real giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tuần trở lại đây.
Bên cạnh đấy, trái với kỳ vọng của giới phân tích về việc thị trường tài chính Mỹ sẽ tiếp tục phục hồi, mức giảm mạnh của cả 3 chỉ số chứng khoán từ đầu tuần đến nay cũng khiến cho nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng xa xỉ suy giảm đáng kể. Tối nay, Cục Thống kê Kinh tế Mỹ sẽ công bố các số liệu cuối cùng về GDP quý I. Dự đoán trung bình hiện vẫn duy trì ở mức giảm 1.5% như lần báo cáo sơ bộ trước đó. Tuy nhiên trong 2 lần sơ bộ gần nhất, con số thực tế đều thấp hơn mức dự báo. Và nếu điều này duy trì trong báo cáo hôm nay, nhiều khả năng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục giảm và tác động “bearish” đến giá cà phê.
Giá đồng nhiều khả năng sẽ giằng co trước thềm công bố số liệu sản xuất Trung Quốc
Thị trường đồng trong các phiên giao dịch gần đây vẫn biến động giằng co sau khi chạm đáy thấp nhất trong vòng 16 tháng. Các nhà đầu tư vẫn đang đánh giá tác động giữa nguy cơ suy thoái kinh tế và kỳ vọng phục hồi tại thị trường Trung Quốc.
Sau dữ liệu về niềm tin tiêu dùng tháng 6 tại Mỹ suy yếu xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng, giá đồng có xu hướng giảm trong phiên giao dịch sáng nay. Bên cạnh đó, việc các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào hôm qua phát biểu rằng họ sẽ tăng lãi suất nhanh hơn nữa nhằm đẩy lùi lạm phát, đã khiến tâm lý lo ngại về suy thoái gia tăng. Chủ tịch Fed San Francisco và New York đều đưa ra dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng thêm vài phần trăm điểm từ con số 3.6% ở thời điểm hiện tại, nhưng nền kinh tế sẽ đủ mạnh để vượt qua một cuộc suy thoái. Mặc dù vậy, những tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt tất yếu đều sẽ khiến cho hoạt động sản xuất suy yếu ở một mức độ nào đó và gây sức ép tới thị trường đồng.
Vào sáng mai, các dữ liệu quan trong đo lường sức sản xuất của Trung Quốc trong tháng 6 sẽ được công bố. Theo khảo sát của Reuters với 30 nhà kinh tế, hoạt động nhà máy của Trung Quốc có khả năng mở rộng vào tháng 6 lần đầu tiên sau 4 tháng thu hẹp, đạt mức 50.5 điểm từ con số 49.6 trong tháng trước. Động lực chính cho điều này là do sự tăng tốc nối lại hoạt động sản xuất trong bối cảnh các điều kiện phong toả được nới lỏng và nhu cầu sản xuất thượng nguồn có thể cao hơn với sự thúc đẩy mạnh mẽ đối với cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, đây mới chỉ đang là bước đầu cho sự kỳ vọng khôi phục sản xuất mạnh mẽ trong tương lai. Tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải đang ở mức 14,000, thấp hơn khoảng 85% so cùng kỳ năm ngoái và khoảng 60% so với năm 2020 khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát . Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ đồng tại Trung Quốc vẫn ở mức yếu. Thêm vào đó, thị trường bất động sản chưa cho thấy dấu hiệu khôi phục nào đáng kể, tâm lý chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thận trọng trước những tổn thương vì dịch bệnh kéo dài. Do đó, đà tăng của thị trường đồng nhiều khả năng vẫn sẽ bị hạn chế trong ngắn hạn. Nếu chỉ số PMI tháng 6 của Trung Quốc được công bố vào sáng mai cho thấy sự tích cực, nhiều khả năng giá đồng sẽ lấy lại được đà tăng nhẹ.
Giá dầu nhiều khả năng sẽ lấy lại đà tăng sau nhịp điều chỉnh trong phiên sáng
Giá dầu giảm điều chỉnh trong phiên sáng nay, sau khi tăng 3 phiên liên tiếp. Tuy vậy, trong tuần này, khả năng giá dầu tiếp tục đà tăng là rất lớn.
Bất chấp các sức ép chốt lời trong ngắn hạn, có thẻ kỳ vọng giá dầu sẽ duy trì đà tăng trong tuần này. Thị trường đã định giá trở lại khả năng thiếu hụt nguồn cung khi cả Libya và Ecuador đều thông báo các số liệu sản lượng thực tế hiện tại: Sản lượng dầu tại Libya đã giảm trong khi Ecuador ghi nhận sự đóng cửa các cơ sở sản xuất chiếm đến 1.8 triệu thùng dầu/ngày, trong khi tại Libya con số này đã lên đến gần 1 triệu thùng/ngày, gần 85% sản lượng trung bình trước đây. Tính cả 2 nước, con số này tương đương gần 2.8% nguồn cung dầu thế giới đang gặp gián đoạn.
Trong khi đó, sản lượng của OPEC+ trong tháng 5 cũng đang thấp hơn mục tiêu 2.8 triệu thùng/ngày. Thực tế, kể từ khi OPEC+ áp dụng hạn ngạch từ tháng 06/2020, chỉ có duy nhất trong tháng 07/2020, nhóm sản xuất cao hơn so với mục tiêu, còn lại liên tục trong 22 tháng tiếp theo, tổng cộng nhóm đã sản xuất thấp hơn 562 triệu thùng dầu so với các cam kết. Trong khi đó, theo UAE, nước này đã đạt công suất tối đa trong khi Saudi Arabia cũng chỉ có thể tăng sản lượng thêm 150,000 thùng/ngày. Đây là một con số rất thấp, khi mà theo các thông báo chính thức, 2 nước này vẫn có công suất nhàn rỗi ở mức 3.9 triệu thùng/ngày. Kết thúc tháng 8, các cam kết về hạn ngạch sẽ chấm dứt, và về lý thuyết các nước OPEC+ hoàn toàn tự do để sản xuất nhiều nhằm hưởng lợi từ giá dầu. Tuy nhiên, nếu không có sự cải thiện nào, có thể minh chứng rằng sản lượng của OPEC+ chưa bao giờ nhiều như các ước tính, và sẽ là “cú sốc” đối với thị trường, khi không còn có thể tin tưởng vào năng lực điều tiết của OPEC+.
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV