menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 30/6/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:31 30/06/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 30/6/2022.
Số liệu Diện tích gieo trồng đậu tương trong báo cáo tối nay của USDA có thể sẽ không tạo ra nhiều bất ngờ với thị trường
Mở cửa phiên giao dịch ngày 30/06, giá đậu tương vẫn chỉ đang giằng co nhẹ quanh mức tham chiếu. Đà hồi phục mạnh liên tục từ đầu tuần đang có dấu hiệu chậm lại do tâm lí chờ đợi trước 2 báo cáo quan trọng tối nay. Vào 23h, USDA sẽ công bố báo cáo Grain Stocks (Tồn kho Ngũ cốc quý) và Acreage (Diện tích gieo trồng) của Mỹ. Trong đó, nếu như số liệu tồn kho được dự báo sẽ không quá ảnh hưởng quá lớn đến xu hướng giá thì ngược lại, diện tích gieo trồng lại là tâm điểm chú ý của thị trường trong giai đoạn này. Con số này cũng chính là lí do giải thích cho đà tăng vọt liên tiếp trong 4 phiên vừa qua của giá đậu tương khi dự đoán đang ở mức thấp hơn so với mức USDA đưa ra.
Sản lượng mùa vụ ở Mỹ sẽ được quyết định bởi 2 yếu tố là năng suất và diện tích gieo trồng. Nếu như năng suất vẫn còn chưa rõ ràng vì còn phụ thuộc nhiều vào triển vọng thời tiết trong giai đoạn phát triển quan trọng của đậu tương vài tháng tới, thì báo cáo Acreage sẽ đưa ra những điều chỉnh về diện tích. Trước đó, con số này đã được dự báo trước giai đoạn gieo trồng trong báo cáo Prospective Plantings và ở mức 90.96 triệu mẫu. Đây cũng là lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua, diện tích gieo trồng đậu tương vượt lên hẳn so với ngô. Tuy nhiên, với những yếu tố đầu vào như lợi nhuận và chi phí sản xuất vẫn còn chưa đủ để đánh giá trong báo cáo tháng 3, chúng tôi cho rằng mức 90.96 này có thể vẫn cao hơn so với thực tế do nông dân có thể chuyển hướng sang trồng nhiều ngô hơn.
Quay trở lại với năm ngoái, sự thay đổi từ ước tính tháng 3 so với tháng 6 đối với đậu tương không quá đáng kể. Giá đã trải qua phiên tăng vọt chủ yếu do số liệu tồn kho giảm mạnh, tuy nhiên điều này vẫn không thể giúp giá đảo chiều mà ngay sau đó đậu tương vẫn nhanh chóng quay trở lại đà giảm. Báo cáo Tồn kho tối nay có thể sẽ không mang lại nhiều bất ngờ, hơn nữa giá cũng đã hồi phục đáng kể nên tác động chủ yếu vẫn sẽ đến từ số liệu diện tích.
Khoảng dao động của các mặt hàng cà phê có thể thu hẹp trong lúc chờ đợi các thông tin mới
Kết thúc phiên giao dịch 29/06, giá cả 2 mặt hàng cà phê đồng loạt bật tăng mạnh, xóa đi phần lớn mức giảm tích lũy từ đầu tuần. Diễn biến này không thực sự chịu tác động bởi các yếu tố cơ bản trong bối cảnh không có bất cứ thông tin tích cực nào liên quan đến nhu cầu, ngoài việc tồn kho tại các Sở đang ở mức rất thấp. Do đó, nhiều khả năng giá cà phê đang chịu tác động mạnh bởi dòng tiền từ giới đầu cơ, khi cả 2 mặt hàng đều bật lên từ các vùng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng, và các thị trường tài chính khác như chứng khoán và tiền số đều đang suy yếu.
Về thời tiết, khối không khí lạnh tăng cường ở miền nam Brazil mới chỉ dừng chân ở sát bang Sao Paulo, nhưng đã bắt đầu suy yếu và thời tiết tại các khu vực gieo trồng cà phê sẽ ấm dần trong 2 tuân tới. Kết hợp với khung thời tiết khô ráo, rất lý tưởng cho hoạt động thu hoạch của nông dân Brazil, và mức độ rủi ro về mùa vụ năm nay đang là rất thấp, ngay kể cả khi lượng nhân công có sự thiếu hụt sau đại dịch.
Đồng Dollar đang tiếp tục giằng co mạnh quanh vùng 105, trong khi giá Bitcoin giảm mạnh hơn 4% và một lần nữa bị đẩy về dưới mốc hỗ trợ tâm lý 20,000 USD. Các thị trường tài chính sẽ có tác động qua lại trong trường hợp không có sự biến động lớn, tuy nhiên khi có sự hoảng loạn của giới đầu cơ khi 1 kênh bị sụt giảm mạnh, giá có thể chuyển động cùng chiều với nhau do tác động tiêu cực từ tâm lý đề phòng rủi ro.
Đà tăng của giá đồng chịu sức ép trước nguy cơ suy thoái, bất chấp sự hồi phục tại Trung Quốc
Thị trường đồng diễn biến giằng co trong phiên giao dịch sáng nay bởi sự cân nhắc giữa hai yếu tố, động lực từ sự phục hồi từng bước tại thị trường Trung Quốc, và đà kìm hãm từ nguy cơ suy thoái kinh tế trên thế giới.
Các hoạt động sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc trong tháng 6 cho thấy sự mở rộng sau 3 tháng gánh chịu sức ép từ các chính sách chống dịch nghiêm ngặt. Điều này thể hiện qua chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất đạt 50.2 điểm, cao hơn mức 49.6 vào tháng 4. Chỉ số đo lường thời gian giao hàng của các nhà cung cấp nhảy vọt lên 51.3, cao nhất trong hơn 6 năm, là dấu hiệu tích cực cho chuỗi cung cấp nguyên liệu thô tới các xưởng sản xuất và do đó, phản ánh nhu cầu tiêu thụ thành phẩm đang dần phục hồi. Yếu tố này sẽ hỗ trợ cho thị trường đồng, nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế chiếm 50% nhu cầu toàn cầu đối với mặt hàng này.
Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc mới bắt đầu có những điểm tích cực, trong khi nhu cầu tiêu thụ yếu và yếu tố dịch bệnh còn bỏ ngỏ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế trong tương lai. Thêm vào đó, áp lực từ bóng đen suy thoái toàn cầu đang có xu hướng lấn át điểm sáng về tình hình sản xuất tại Trung Quốc, sẽ là yếu tố cản trở đà tăng của giá đồng.
Mới đây, các dữ liệu tại Anh cho thấy thu nhập khả dụng của người tiêu dùng quốc gia này đã giảm 0.2% trong 3 tháng đầu năm khi được điều chỉnh theo lạm phát. Đây là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp và là chuỗi giảm chưa từng có kể từ khi được đo lường từ năm 1955. Giá nhà ở tăng chậm lại ở mức 0.3%, mức tăng chậm nhất kể từ tháng 9/2021 sau khi Ngân hàng Trung ương Anh nâng lãi suất khiến lãi suất thế chấp tăng cao. Bên cạnh đó, dữ liệu hôm nay cũng cho thấy lạm phát tại Pháp tăng lên mức cao nhất kể từ khi sử dụng chung đồng tiền Euro với chỉ số CPI tăng 6.5% trong tháng 6, từ mức 5.8% hồi tháng 5. Nhiều khả năng các Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất nhằm kiểm soát giá cả và do đó kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế.
Trung Quốc là nền sản xuất lớn bậc nhất và là nhà cung cấp khổng lồ. Nguy cơ tăng trưởng chậm lại tại các quốc gia lớn cũng sẽ làm hạn chế nhu cầu toàn cầu và do đó, làm hạn chế đà phục hồi sản xuất tại quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, tiếp tục gây áp lực tới giá đồng trong thời gian tới.
Giá dầu nhiều khả năng sẽ giằng co mạnh giữa nguồn cung thu hẹp và nhu cầu suy yếu tại Mỹ
Giá dầu giảm trở lại sau khi nhích nhẹ vào đầu phiên.Thị trường giằng co giữa lo ngại về nguồn cung thu hẹp và nhu cầu có dấu hiệu suy yếu tại Mỹ.
Cuộc họp của OPEC+ diễn ra ngày thứ 2 liên tiếp mà không có nhiều triển vọng cho thấy nhóm có khả năng để gia tăng thêm sản lượng. Theo như tình hình hiện tại, kế hoạch cắt giảm sản lượng sẽ kết thúc vào tháng 8, và vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào từ các thành viên về dự định của nhóm kể từ tháng 9. Về lý thuyết, khi thỏa thuận hiện tại kết thúc, các thành viên sẽ được phép tự do sản xuất theo năng lực, và có thể gia tăng nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, thời gian dài cắt giảm đầu tư kể từ dịch Covid-19 khiến cho năng lực của nhiều thành viên bị hạn chế, thậm chí cả 2 thành viên là Saudi Arabia và UAE cũng được cho là đang gần cạn năng lực dự phòng. Mới đây, theo nguồn tin của Reuters, Saudi Arabia có thể sẽ tăng giá bán hợp đồng dầu giao tháng 8 cho khách hàng châu Á thêm 2.4 USD/thùng so với tháng 7. Điều này thể hiện quan điểm tích cực của Saudi Arabia với thị trường, dù giá có tăng các khách hàng cũng sẽ mua để phục vụ nhu cầu đi lại. Đây là thông tin hỗ trợ chính cho giá trong sáng nay.
Mặt khác, giá gặp áp lực bởi số liệu của EIA cho thấy liên tục 3 tuần gần đây nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu của Mỹ thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp tháng 7 năm ngoái Mỹ đón nhận đợt tái phát dịch Covid-19.
Giá dầu WTI giảm khi gặp cạnh trên của Bollinger Band (trên khung H4). Hiện giá đã giảm qua cạnh giữa, chỉ số MACD cũng đã có tín hiệu cắt xuống, RSI giảm về mức dưới 50, tất cả đều đang chỉ ra sứ bán áp đảo trên thị trường. Với các tin tức tiêu cực hiện nay, các nhà đầu tư nên mở vị thế bán ở mức 109.5 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 107.5 USD.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc