menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 31/10/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:55 31/10/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch ngày 31/10/2022. 
 
Giá đậu tương có thể sẽ vượt lên vùng kháng cự tâm lí 1400 và hình thành xu hướng tăng mới sau chuỗi đi ngang vừa qua
Mở cửa phiên giao dịch ngày 31/10, giá đậu tương đã tạo gapup và lực mua vẫn đang tiếp tục áp đảo. Giá hiện đang tiến sát với mốc kháng cự tâm lí 1400, vùng đã đẩy đậu tương suy yếu liên tục trong hơn 1 tháng trước đó. Trong tuần này, với sự xuất hiện của các thông tin cơ bản mạnh cùng với sự kiện kinh tế, chúng tôi cho rằng xu hướng giằng co đi ngang của đậu tương sẽ kết thúc và khả năng giá phá vỡ vùng chặn trên của khoảng sideway sẽ cao hơn.
Theo USDA, Brazil đã xuất khẩu 92.1 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 19/20, bắt đầu từ giai đoạn Mỹ - Trung kĩ thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, nguồn cung từ Brazil được đẩy mạnh sang Trung Quốc cũng không thể ngăn cản khối lượng xuất khẩu đậu tương kỷ lục mà Mỹ đạt được trong niên vụ 20/21. Triển vọng nhu cầu của Trung Quốc là yếu tố khó dự đoán nhưng lại đóng vai trò lớn trong việc xác định xu hướng dài hạn của giá đậu tương. Mặc dù nền kinh tế nước này đã chịu ảnh hưởng lớn do các đợt đóng cửa COVID-19 trong năm nay cùng với lạm phát toàn cầu, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ đậu tương chậm lại. Thậm chí, đậu tương giao tháng 11 trên sàn giao dịch Đại Liên của Trung Quốc đang giao dịch gần mức cao nhất, tương đương 20.83 USD/giạ.
Mặc dù Brazil có thể sẽ là lựa chọn đầu tiên của Trung Quốc về đậu tương năm nay do mùa vụ dự báo kỉ lục, nhưng sẽ khó có thể ngay lập tức thay thế cho nguồn cung tại Mỹ, đặc biệt là giai đoạn mà Mỹ đang đẩy mạnh thu hoạch và bán hàng nhu hiện nay. Với bối cảnh tình hình hậu cần trên sông Mississippi sẽ được cải thiện nhờ lượng mưa xuất hiện trong tuần này, nhu cầu đối với đậu tương của Mỹ có khả năng vẫn sẽ duy trì cho tới đầu năm 2023 và giữ cho nguồn cung đậu tương của Mỹ ngày càng thắt chặt vào mùa hè. Chính vì thế nên theo đánh giá của chúng tôi, trong thời gian tới lực mua đang có nhiều động lực mạnh hơn đối với thị trường đậu tương. 
Sức ép từ triển vọng nguồn cung khả năng cao sẽ khiến Arabica có phiên giảm thứ 14 liên tiếp
Thị trường đã chứng kiến đà suy yếu mạnh mẽ của cả 2 mặt hàng cà phê trong tuần trước với mức giảm hơn 11% của Arabica và hơn 7% của Robusta. Áp lực về triển vọng nguồn cung trong niên vụ tới trong khi nhu cầu tiêu thụ đứng trước nguy cơ sụt giảm mạnh do lo ngại suy thoái kinh tế trên toàn cầu đang là nguyên nhân chính đẩy giá 2 mặt hàng này giảm sâu, thậm chí chạm mức thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây.
Áp lực về triển vọng nguồn cung cà phê tích cực hơn trong niên vụ 23/24 tại Brazil vẫn chưa suy yếu khi dự báo thời tiết cho thấy mưa vẫn tiếp tục xuất hiện tại khu vực Đông Nam, Brazil và cụ thể là Minas Gerais trong 10 ngày tới. Đây sẽ tiếp tục là nhân tố gây sức ép lên giá trong thời gian tới.
Với kết quả tăng trưởng trong quý III của Mỹ tích cực hơn dự đoán của thị trường, khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản với mức 0.75% trong cuộc họp điều chỉnh thán 11 càng lớn. Lãi suất được đẩy lên cao khiến đồng Dollar Mỹ trở nên mạnh hơn, kéo theo tỷ giá USD/nội tệ tại các nước xuất khẩu và nhập khẩu chính gia tăng. Điều này một mặt sẽ khiến các quốc gia cung ứng đẩy mạnh xuất khẩu nhằm thu về nhiều nội tệ hơn, mặt khác sẽ làm hạn chế nhu cầu tại các quốc gia tiêu thụ do giá trở nên đắt đỏ hơn đối với họ.
Bên cạnh đấy, việc tiếp tục tăng mạnh lãi suất sẽ khiến nguy cơ về suy thoái kinh tế được đẩy cao hơn, kéo theo nhu cầu đối với loại hàng hóa phụ thuộc lớn vào sức khỏe của nền kinh tế như cà phê sụt giảm. Đây có thể sẽ là nhân tố kéo dài đà giảm của cà phê trong thời gian tới. 
Sự chậm lại trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục gây áp lực tới giá đồng
Giá đồng gặp áp lực ngay trong phiên mở cửa sáng nay sau dữ liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc trong tháng 10. Cụ thể, chỉ số quản lý mua hàng PMI sản xuất tháng 10 trở về dưỡi ngưỡng 50, đạt mức 49.2, biểu thị sự thu hẹp trong hoạt động của các nhà máy tại quốc gia này. Trong khi đó, PMI phi sản xuất đo lường lĩnh vực dịch vụ và xây dựng cũng đã giảm mạnh từ mức 50.6 trong tháng 9 xuống còn 48.7. Sự thu hẹp trong các hoạt động kinh tế này sẽ có tác động tiêu cực tới niềm tin của các nhà đầu tư về khả năng phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc trong giai đoạn cuối năm.
Theo Bloomberg, báo cáo về số ca nhiễm Covid-19 trong ngày hôm qua đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 80 ngày qua, đạt mức 2.675 ca, tăng hơn 800 ca so với ngày trước đó. Số ca nhiễm gia tăng mạnh ở Quảng Đông, khu vực sản xuất chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các địa phương khác cũng đang tăng cường phong toả và cách ly. Việc gắn chặt với chính sách Không covid trong bối cảnh số ca nhiễm trải rộng và liên tục gia tăng nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây gián đoạn tới hoạt động sản xuất trong hai tháng cuối năm. Nhu cầu về đồng trong lĩnh vực công nghiệp hay lĩnh vực xây dựng tại quốc gia này vẫn được dự đoán sẽ khá tiêu cực, và động lực giảm vẫn còn tồn tại.
Bên cạnh đó, tình hình thương mại Mỹ - Trung kể từ sau những phát biểu cứng rắn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại. Mới đây, tại một cuộc đàm phán chương trình nghị sự cho diễn đàn thương mại cấp cao, Mỹ đã đề nghị EU cân nhắc sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để nhắm vào Trung Quốc. Đầu tháng này, chính quyền Biden cũng đã yêu cầu các công ty Mỹ hạn chế bán chip được sử dụng cho siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo cho các công ty Trung Quốc. Căng thẳng thương mại sẽ gây thêm áp lực gia tăng cho thị trường nguyên liệu đầu vào quan trọng tại Trung Quốc như đồng.
Giá dầu nhiều khả năng sẽ giảm trong phiên đầu tuần khi dịch Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc
Giá dầu tiếp tục xu hướng giảm trong phiên giao dịch đầu tuần, khi thị trường đón nhận một loạt tin tức tiêu cực của Trung Quốc.
Số liệu PMI tiêu cực của Trung Quốc đã xóa sạch đà tăng đầu phiên của thị trường dầu. PMI của Trung Quốc trong tháng 10 thấp hơn 50, quay trở lại vào vùng thu hẹp hoạt động. Nguyên nhân trực tiếp có thể thấy rõ là vì nước này mạnh tay trong việc kiểm soát dịch Covid-19 để chuẩn bị cho kỳ đại hội Đảng, khiến nhiều khu vực nhà máy, sản xuất phải đóng cửa.
Bất chấp các đợt phong tỏa liên tục như vậy, ngày hôm nay, số ca nhiễm Covid-19 tại nước này ngày hôm nay đã tăng lên 2,500 ca, mức cao nhất trong vòng 80 ngày. Dựa theo những phát biểu của quan chức nước này, có thể thấy cách đối phó khả dĩ nhất tiếp theo sẽ vẫn là các đợt phong tỏa, đóng cửa trên diện rộng.
Như vậy, có thể thấy chính sách Zero-Covid sẽ tiếp tục là yếu tố kìm hãm nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này. Theo tính toán của Reuters, mặc dù Bắc Kinh đã cấp thêm hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu dầu cho các nhà máy lọc dầu, nhưng tháng 9 nước này vẫn bổ sung khoảng 60,000 thùng/ngày vào các kho chứa, cho thấy các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc gia tăng công suất, khi mà triển vọng trong và ngoài nước đều không quá tích cực.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: tin mxv
Link gốc