1. Tình hình sản xuất:
Thống kê của VNCA cho biết, trong tháng 7/2017, toàn ngành đã sản xuất được 5,286 triệu tấn xi măng, tăng 6,1% so với tháng 6/2017; trong đó, khối Vicem sản xuất được 1,664 triệu tấn, khối Liên doanh sản xuất đạt 1,621 triệu tấn và khối các Công ty - Tập đoàn sản xuất được 2 triệu tấn.
Tính chung 7 tháng của năm 2017, sản lượng xi măng của toàn ngành đạt 36,306 triệu tấn; so với cùng kỳ năm 2016, giảm 5,49%.
2. Tình hình tiêu thụ
Trong tháng 7/2017, lượng tiêu thụ xi măng và clinker của toàn ngành đạt 6,196 triệu tấn, tăng 5,2% so với tháng 6/2017 và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016.
7 tháng của năm 2017, tổng lượng tiêu thụ xi măng và clinker của toàn ngành đạt 44,641 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016.
Tiêu thụ nội địa
Số liệu của VNCA cho biết, trong tháng 7/2017, tổng lượng tiêu thụ xi măng nội địa toàn xã hội đã đạt 4,798 triệu tấn, tăng 4% so với tháng 6/2017; tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2016, tổng lượng xi măng tiêu thụ nội địa trong tháng 7/2017 giảm 5%.
Trong đó, lượng xi măng tiêu thụ nội địa của từng khối trong tháng 7/2017 cụ thể như sau: Vicem đạt 1,636 triệu tấn, tăng 3,2% so với tháng 6 và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2016; khối Liên doanh đạt 1,482 triệu tấn, tăng 3,5% so với tháng 6 và tăng 1% so với cùng kỳ 2016; khối các doanh nghiệp - tập đoàn đạt 1,68 triệu tấn, tăng 5% so với tháng 6 và giảm 6% so với cùng kỳ 2016.
Tính chung 7 tháng của năm 2017, tổng lượng xi măng tiêu thụ nội địa toàn xã hội đạt 33,501 triệu tấn; so với cùng kỳ năm 2016, lượng xi măng tiêu thụ nội địa trong 7 tháng của năm 2017 giảm 1%.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mặc dù sản phẩm xi măng tiêu thụ tại thị trường nội địa vẫn tăng, nhưng mức tăng này rất chậm. Nguyên nhân của việc tăng chậm này có thể là do ảnh hưởng của giá cát tăng đột biến từ 50-200% làm nhiều công trình xây dựng bị giảm, hoãn tiến độ. Cùng với đó, mùa mưa năm nay lượng mưa nhiều cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các công trình xây dựng.
Như vậy, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2017 tiêu thụ từ 70-80 triệu tấn sản phẩm xi măng (tiêu thụ nội địa từ 64-65 triệu tấn, xuất khẩu từ 14-15 triệu tấn), sản lượng tiêu thụ đến thời điểm này mới chỉ đạt trên 60% kế hoạch, còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Do vậy, trong những tháng còn lại của năm 2017 đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp thuộc ngành xi măng.
Xuất khẩu:
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2017, Việt Nam đã xuất khẩu được 1.397.198 tấn xi măng và clinker, trị giá xuất khẩu thu về đạt 50.557.614 USD; tăng nhẹ về lượng và trị giá so với tháng 6/2017, với mức tăng tương ứng 9,8% và 14,9%.
Tính chung 7 tháng của năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu được 10.816.884 tấn xi măng và clinker; trị giá xuất khẩu thu về đạt 378.502.694 USD; so với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu xi măng và clinker trong 7 tháng của năm 2017 đã tăng 21,3% về lượng và 13,2% về trị giá.
Số liệu xuất khẩu clinker và xi măng trong tháng 7 và 7 tháng của năm 2017 tại một số thị trường chính:
3. Diễn biến giá
Theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, giá bán lẻ xi măng tháng 7/2017 cơ bản ổn định so với tháng 6/2017; tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện phổ biến từ 1.050.000-1.550.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.460.000-1.850.000 đồng/tấn.
Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong tháng 7/2017, giá xi măng cơ bản ổn định so với cuối tháng 6. Nguyên nhân do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất cơ bản ổn định nên các nhà máy sản xuất kinh doanh xi măng cơ bản giữ ổn định giá bán. Cụ thể giá bán tại nhà máy của các công ty xi măng thuộc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam như sau:
Giá xi măng xuất khẩu tại Hòn Gai tháng 7/2017 cơ bản ổn định so với tháng 6/2017, dao động ở mức 46,5 USD/tấn; giá clinker xuất khẩu ở mức 30 USD/tấn FOB Cẩm Phả.
Theo dự báo của Cục Quản lý giá, trong tháng 8/2017, giá bán xi măng tại các doanh nghiệp sản xuất xi măng cơ bản sẽ vẫn giữ ổn định.
Nguồn: Mạnh Thân/VLXD.org