menu search
Đóng menu
Đóng

Vì sao uy tín của hàng Việt trong lòng người tiêu dùng bị “sứt mẻ“?

19:49 23/02/2017

Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo kết quả từ cuộc điều tra được bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao 2017, hiện mức độ tập trung của người tiêu dùng tại tất cả các kênh phân phối không còn sôi động như những năm trước.
Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất đó là “sức ép và lỗ hổng” trong hệ thống bán lẻ nội địa.
Cuộc khảo sát trên được thực hiện bởi Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao tại 12 tỉnh, thành, là các vùng kinh tế trọng điểm có ý nghĩa trong sự phát triển sản phẩm Hàng Việt Nam chất lượng cao (bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Bình Định, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp).
Thời gian tiến hành điều tra từ tháng 8 đến tháng 12/2016, đối tượng khảo sát là hộ tiêu dùng và cá nhân tiêu dùng trực tiếp, với 15.529 người tham gia, có độ tuổi từ 22 – 60, nghề nghiệp ổn định, thu nhập trung bình từ 5 triệu trở lên đồng thời là người có khả năng quyết định mua sản phẩm và sử dụng sản phẩm thường xuyên.
Chợ truyền thống mất vị thế
Tại Hội thảo “Công bố Kết quả điều tra tiêu dùng Việt Nam 2016 và tham vấn cho Bộ tiêu chuẩn tự nguyện về chất lượng thực phẩm”, ngày 23/2, ông Trương Cung Nghĩa, chuyên gia thị trường cho biết, khảo sát trên đã được thực hiện thăm dò với tất cả các sản phẩm thuộc 37 ngành hàng.
Kết quả cho thấy, kênh phân phối chợ truyền thống đã giảm vị thế so với trước, trong khi hệ thống siêu thị đang trở nên hút khách, tuy nhiên các kênh phân phối cửa hàng chuyên dụng, đại lý, tạp hóa vẫn duy trì sự ổn định. Bởi kênh phân phối này vẫn tạo ra những thuận tiện cho sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Theo ông Nghĩa, ở một chừng mực nhất định, người tiêu dùng Việt vẫn có thói quen giao dịch, mua sắm trực tiếp. Kênh phân phối điện tử (online) mặc dù có khởi sắc song chưa thể chiếm ưu thế. Hiện, người tiêu dùng mới tập trung mua online ở những dòng sản phẩm giá trị thấp, nhiều nhất là sản phẩm của các ngành thời trang, mỹ phẩm và đồ điện tử.
Hội thảo “Công bố Kết quả điều tra tiêu dùng Việt Nam 2016 và tham vấn cho Bộ tiêu chuẩn tự nguyện về chất lượng thực phẩm”, ngày 23/2
Thị trường rơi vào tay “ông lớn”
Ông Nghĩa chỉ ra, “quyền lực thị trường đang tập trung trong tay các doanh nghiệp có hệ thống phân phối sâu rộng, bên cạnh đó là ưu thế tuyệt đối độc quyền của một số doanh nghiệp có tiềm lực hùng mạnh về tài chính. Họ có đủ chi phí để mở rộng và đi sâu vào tất cả mạng lưới phân phối, chú trọng trưng bày tại các điểm bán, bao bì sản phẩm đẹp, truyền thông mạnh mẽ và có dải sản phẩm sâu rộng, rõ nét”.
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp làm ăn không minh bạch đã gây ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt trong lòng người tiêu dùng. Phần lớn người tiêu dùng được hỏi cho biết, họ thực sự lo ngại tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không nhãn mác… ngày càng phổ biến.
Ông Nghĩa dẫn chứng, thực tế đã có không ít doanh nghiệp Việt làm ăn chân chính đã mất thị trường và phải phá sản do sản phẩm của họ bị làm giả, làm nhái trên thị trường. Ngoài ra, tình trạng nhiều doanh nghiệp trong nước không sản xuất mà mua sản phẩm của Trung Quốc…, sau đó về dán nhãn rồi tung ra thị trường, đã khiến người tiêu dùng quay lưng do mất lòng tin.
Bên cạnh lo ngại về hàng giả, thực trạng “thực phẩm bẩn” cũng đáng báo động. Tại cuộc khảo sát, nhiều người tiêu dùng không ngần ngại nói lên những e ngại và mối lo lắng của mình, khi chưa có nhiều sản phẩm sạch thay thế trên thị trường. Họ bị thiếu hoặc không có sự lựa chọn dù biết sản phẩm bán trên thị trường không an toàn (đặc biệt là tại các ngành nông sản tươi (chiếm tới 53 ý kiến), ngành thực phẩm đóng hộp (41% ý kiến) và lo ngại kế tiếp của người tiêu dùng đó là việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất vẫn diễn ra tràn lan.

Nguồn thông tin chi phối ​đến người tiêu dùng (ngành thực phẩm)

 

Người Thái lấp “chỗ trống”
Tại Báo cáo khảo sát, người tiêu dùng đang có tâm lý ngày càng e dè với những hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc, đặc biệt các sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, may mặc, nông sản tươi,… Nhưng hàng hóa xuất xứ Thái Lan đã nhanh chóng nắm thời cơ thuận lợi này và đã đang nỗ lực thay thế chỗ trống.
“Các doanh nghiệp Thái Lan gia tăng quyết liệt tiếp, họ cận thị trường thông qua các chuỗi bán lẻ (như Metro, Big C, B’s mart,…). Họ tổ chức nhiều loại hình tiếp thị sản phẩm nhắm vào tâm lý tiêu dùng sính hàng ngoại của người tiêu dùng Việt,” ông Nghĩa nói.
Khảo sát cho thấy, người tiêu dùng phía Bắc có xu hướng tiếp cận sản phẩm qua giới thiệu, tư vấn từ người quen thì người tiêu dùng phía Nam thường tin tưởng vào hoạt động quảng cáo.
Điểm đáng chú ý, các khách hàng nông thôn và bình dân chưa coi mạng xã hội là kênh thông tin quan trọng và ảnh hưởng tới quyết định mua hàng, gần như họ miễn nhiễm với kênh thông tin thương mại điện tử.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhấn mạnh, “Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao - 21 năm qua mặc dù có nhiều thành công mang tính đột phá nhưng cũng có những khúc quanh thách thức. Tại chương trình của năm 2017, ban tổ chức chương trình thêm một lần nữa nỗ lực cùng doanh nghiệp tìm lời giải ‘lối thoát nào cho Hàng Việt?’ và nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.”
Theo bà Hạnh, bản chất của danh hiệu (cho các nhãn hiệu, thương hiệu) phải được nhìn nhận qua thực tiễn thị trường theo phương pháp thăm dò, ghi nhận khách quan và khoa học. Chính yếu tố “người tiêu dùng bình chọn” đã cấu thành giá trị tổng hợp của biểu tượng Hàng Việt Nam chất lượng cao đáp ứng cả những yêu cầu hội nhập của thời kỳ mới.

Cụ thể, chương trình bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao nhằm mục đích thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến chuyên nghiệp hóa từ khâu quản lý sản xuất đến cung ứng, phát triển và quảng bá thương hiệu, theo đuổi cảm nhận và trải nghiệm của người dùng, hiểu và đáp ứng nhu cầu tìm ẩn, đón đầu công nghệ… từ đó mở thêm cơ hội phát triển thị trường mới, thị trường xuất khẩu.

Nguồn: Hạnh Nguyễn/Vietnamplus.vn