menu search
Đóng menu
Đóng

Gần 66,5% kim ngạch xuất khẩu dệt may dành nhập nguyên liệu

09:23 06/12/2017

Vinanet - Là ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta trong nhiều năm, nhưng ngành công nghiệp dệt may vẫn chưa thoát cảnh “làm thuê”.

Chưa tính việc phải làm gia công cho các thương hiệu quốc tế và chưa xây dựng được thương hiệu tên tuổi, mà phần lớn trị giá thu được từ xuất khẩu của ngành này cũng đang phải đầu tư trở lại cho nhập khẩu nguyên liệu.

Thông kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, đến 15/11, tổng trị giá xuất khẩu của ngành dệt may (hàng dệt may thành phẩm, vải, xơ, sợi, vải mành, nguyên phụ liệu) đạt trị giá 27,43 tỷ USD.

Tuy nhiên, cùng thời điểm trên, cả nước chi đến 18,233 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu phục ngành công nghiệp này, tương đương gần 66,5% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, mặt hàng vải chiếm 9,798 tỷ USD; nguyên phụ liệu 4,777 tỷ USD; bông 2,103 tỷ USD; xơ, sợ 1,555 tỷ USD.

Như vậy, có thể nhìn một cách hình ảnh là trị giá một sản phẩm dệt may xuất khẩu có đến gần 70% chi phí liên quan đến nguyên liệu. Ngoài ra, chi phí nhân công ở nước ta cũng rất lớn (với khoảng 2 triệu lao động và là ngành công nghiệp có nhiều lao động nhất cả nước), cộng với đó là các chi phí vận tải, quản trị… như vậy giá trị gia tăng của ngành công nghiệp dệt may thực chất không đáng kể.

Không chỉ chiếm phần lớn trị giá của sản phẩm, việc phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu cũng khiến cho doanh nghiệp trong nước sẽ ở thế bị động và chịu nhiều sức ép của đối tác nước ngoài trong quá trình hoạt động.

Hiện các thị trường cung cấp nguyên liệu của ngành dệt may chủ yếu nằm ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan…

Cũng theo cập nhật của Tổng cục Hải quan (theo thị trường đến hết tháng 10), Trung Quốc cung cấp lượng vải trị giá gần 5 tỷ USD, nguyên phụ liệu 1,704 tỷ USD; sơ, sợi gần 700 triệu USD.

Trong khi đó thị trường Đài Loan cung cấp lượng vải trị giá hơn 1,31 tỷ USD; hơn 416 triệu USD nguyên phụ liệu và 244,3 triệu USD xơ, sợi. Thị trường Nhật Bản cung cấp 2 nhóm chính là vải (đạt gần 525,5 triệu USD);  nguyên phụ liệu (203,5 triệu USD); thị trường Thái Lan cũng cung cấp 2 nhóm chính là vải (198 triệu USD); nguyên phụ liệu (189,5 triệu USD)…

Nguồn: Baohaiquan.vn