menu search
Đóng menu
Đóng

Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 28,54 tỷ USD trong 7 tháng năm 2021

08:15 17/08/2021

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 4,02 tỷ trong tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 28,54 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước.
 
Điện thoại các loại và linh kiện là nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 1,03 tỷ USD trong tháng 7/2021, tăng 49,6% so với tháng trước đó, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2021 đạt 6,56 tỷ USD, tăng 57,9%, chiếm 23% tỷ trọng xuất khẩu.
Tiếp theo là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,87 tỷ USD trong 7 tháng/2021, giảm 6,28%, chiếm 20,5% tỷ trọng. Tiếp đến là mặt hàng xơ, sợi dệt các loại đạt 1,72 tỷ USD, tăng 57,9%.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, một số nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 145,7%; sắt thép các loại tăng 144,8%; cao su xuất khẩu tăng 62,7%; hạt điều tăng 80,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 48,1%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 108,9%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 87,4%; chè tăng 60,6%.
Một số nhóm mặt hàng kim ngạch xuất khẩu giảm trong 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020: Hàng thủy sản giảm 10,7%; dầu thô giảm 20,9%; xăng dầu các loại giảm 62,3%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ giảm 8,63%.
Nền tảng thương mại điện tử Tmall Global sẽ giúp doanh nghiệp Việt có thêm một kênh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Riêng với nền tảng thương mại điện tử Tmall Global cho phép doanh nghiệp và các thương hiệu trên khắp thế giới kinh doanh với 2 hình thức kinh doanh gồm: kinh doanh trực tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và kinh doanh giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) tùy vào nhu cầu mà thương hiệu, doanh nghiệp lựa chọn hình thức phù hợp.
Hơn nữa, doanh nghiệp kinh doanh trên sàn cũng có nhiều lựa chọn hơn khi có thể phân phối độc quyền một thương hiệu hoặc đăng ký cửa hàng nhượng quyền để kinh doanh sản phẩm của nhiều thương hiệu khác nhau.
Mặc dù thông qua Tmall Global, doanh nghiệp nông sản, thực phẩm của Việt Nam có thêm kênh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Hùng cũng khuyến cáo sản phẩm của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia và các nhà cung cấp đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đồng thời, những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc ngày càng khắt khe, nghiêm ngặt.
Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam có nguyện vọng phát triển ở thị trường Trung Quốc nói chung và khu vực Chiết Giang nói riêng nên đầu tư tìm hiểu kỹ thị trường, nghiên cứu phương thức kinh doanh của đối tác, thói quen của người tiêu dùng, đặc biệt các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã bao bì, quy cách đóng gói và hình thức hợp tác với đối tác để gia tăng cơ hội khai thác thị trường.
Số liệu xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm 2021
(Tính toán số liệu công bố ngày 12/8 của TCHQ)

Nguồn:VITIC