menu search
Đóng menu
Đóng

Nguyên phụ liệu dược phẩm: xuất thô, bào chế nhập khẩu

09:05 04/07/2017

Vinanet - Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế phát triển ngành dược liệu, bởi trên thực tế, 80% nguyên liệu bào chế dược trong nước phải nhập khẩu. Trong khi đó, phần lớn dược liệu thô hiện tại chưa được khai thác mà chuyển đi xuất khẩu, để rồi sau đó chính nguyên liệu dược lại được nhập trở lại.
Số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, 5 tháng đầu năm nay Việt Nam đã phải nhập khẩu 157,8 triệu USD nguyên phụ liệu dược phẩm, tăng 8,82% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, chiếm gần 59% thị phần, đạt 92,5 triệu USD, tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường nhập khẩu lớn đứng thứ hai sau Trung Quốc là thị trường Ấn Độ, chiếm 21,6% đạt 34,2 triệu USD, tăng 55,77% kế đến là Tây Ban Nha, tăng 74,36%, đạt trên 5 triệu USD.
Ngoài ba thị trường chính kể trên, Việt Nam còn nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm từ các thị trường như: Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Áo và Thái Lan. Đặc biệt, nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm từ thị trường Áo tuy kim ngạch chỉ đạt 915,9 nghìn USD, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng kim ngạch tăng mạnh vượt trội, tăng 353,86% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhìn chung, 5 tháng đầu năm 2017, tốc độ nhập khẩu hàng nguyên phụ liệu dược phẩm từ các thị trường đều có tăng trưởng kim ngạch, chiếm 66,7% và ngược lại thị trường với tốc độ suy giảm chỉ chiếm 33,3%, trong đó nhập từ Thái Lan giảm mạnh nhất, giảm 93,4% tương ứng với 426,2 nghìn USD.

Thống kê sơ bộ TCHQ thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm  5 tháng 2017

ĐVT: USD

 

5 tháng 2017

5 tháng 2016

So sánh

Tổng

157.856.697

145.057.281

8,82

Trung Quốc

92.540.721

89.370.746

3,55

Ấn Độ

34.209.501

21.960.994

55,77

Tây Ban Nha

5.065.338

2.905.123

74,36

Đức

4.903.075

4.497.035

9,03

Anh

3.534.114

2.350.617

50,35

Pháp

1.163.232

2.637.360

-55,89

Hàn Quốc

1.153.493

2.034.160

-43,29

Áo

915.975

201.819

353,86

Thái Lan

426.310

6.460.758

-93,40

Theo thống kê hiện nay cho thấy, Việt Nam đang đứng thứ 16 trong số 22 nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển dựa theo tiêu chí tổng giá trị tiêu thụ thuốc hàng năm (4,8 tỷ USD). Tuy nhiên, giá trị sản xuất trong nước chỉ chiếm 2,18% so với tổng doanh thu công nghiệp sản xuất quốc gia năm 2014. Thị phần ngành công nghiệp dược tăng trưởng khoảng 24%, tuy nhiên doanh số thu được gần như thấp nhất khu vực với 0,8 tỷ USD/năm, trong khi Trung Quốc là 18,8 tỷ USD, Ấn Độ 7,6 tỷ USD, Philippines 2,3 tỷ USD.
Xếp hạng của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), cho thấy, công nghiệp dược của Việt Nam mới chỉ dừng ở mức độ 3 theo thang phân loại 5 mức phát triển. Điều đó cho thấy công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập khẩu.
Phần sản xuất trong nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ do phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu làm thuốc. Do vậy, quy mô canh tác vùng cây dược liệu mới chỉ khoảng 15.000 ha, đáp ứng gần 30% nhu cầu sản xuất trong nước.
Ngành công nghiệp dược nước ta còn rất nhỏ bé, nghèo nàn về chủng loại sản phẩm, dẫn tới trên 90% sản phẩm phải nhập khẩu, tập trung chủ yếu trong khâu bào chế, gia công thuốc trên cơ sở nguyên liệu nhập.
Trong số 170 cơ sở sản xuất dược phẩm, chỉ có 7 cơ sở sản xuất nguyên liệu hóa dược với 2/7 cơ sở đạt GMP – tiêu chuẩn thực phẩm sản xuất tốt. Nguyên liệu để sản xuất hóa dược mới chỉ có một số khoáng sản vô cơ như các quặng khoáng, axit, kiềm, muối vô cơ, dược liệu ở quy mô manh mún, các hóa chất cơ bản trung gian nói chung đều phải nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành phần lớn có quy mô nhỏ, phân tán, thiếu các điều kiện về xử lý chất thải, nguồn vốn hạn chế nên công tác đầu tư cho công nghệ xử lý và các biện pháp bảo vệ môi trường chưa được quan tâm.
Ngành dược phẩm ở Việt Nam đang tồn tại nghịch lý là đất nước nông nghiệp phát triển với nhiều điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, nguồn nguyên liệu dược liệu phong phú, dược liệu từ thiên nhiên rất đa dạng, bao gồm động vật, thực vật, khoáng sản. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập nguyên liệu tới 80% dược liệu. Cùng với đó, các sản phẩm thuốc đặc trị để điều trị tiểu đường và kháng sinh còn rất hạn chế, đặc biệt, thuốc chống ung thư nước ta phải nhập khẩu hoàn toàn các loại hóa chất điều trị từ nước ngoài với giá rất đắt, trong khi chúng ta có nhiều loại cây chứa các hoạt chất hoặc các tiền chất chống ung thư như cây thông đỏ, cây dừa cạn…
Nguồn: VITIC/Thời báo kinh doanh

Nguồn:Vinanet