Cùng với đó, quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Australia cũng được kỳ vọng sẽ bước lên một tầm cao mới. Trong những năm gần đây, thương mại đầu tư giữa hai nước đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, năm 2023 Australia tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam (đứng thứ 13 về xuất khẩu và đứng thứ 9 về nhập khẩu), trong khi đó Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia (đứng thứ 10 về xuất khẩu sang Australia và đứng thứ 10 về nhập khẩu từ Australia). Hiện nay, Australia cũng là thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho một số ngành ngành công nghiệp và năng lượng của Việt Nam như than đá, quặng và các loại khoáng sản. Trong lĩnh vực đầu tư, Australia là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 20 của Việt Nam với 593 dự án có tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,99 tỷ USD; đầu tư của Việt Nam sang Australia đạt trên 593 triệu USD với 90 dự án, đưa Australia trở thành quốc gia lớn thứ 11 trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Đáng chú ý, các nước trong khu vực ASEAN đều đánh giá rằng Australia là một trong những đối tác chiến lược toàn diện có nhiều hợp tác thực chất, hiệu quả với các thành viên của khối.
Nhóm 10 thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Australia trong năm 2023
ĐVT: phần trăm
Nguồn: Trademap
Là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, những năm gần đây quy mô thương mại song phương giữa hai quốc gia tiếp tục gia tăng mạnh mẽ nhờ khai thác ưu đãi từ các hiệp định thương mại đa phương. Tuy nhiên, trong năm 2023, do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu có nhiều biến động cùng mức tăng lạm phát khó lường tại nhiều quốc gia nên tình hình trao đổi thương mại giữa hai nước cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Australia đạt 13,76 tỷ USD, giảm 12,02% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,22 tỷ USD, giảm 5,34% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 8,53 tỷ USD, giảm 15,67%.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Australia trong giai đoạn 2019 – 2023
ĐVT: Triệu USD
Theo Trading Economics, trong quý IV/2023, tốc độ tăng trưởng GDP của Australia đạt 0,2%, giảm so với quý III/2023, chủ yếu là do chi tiêu hộ gia đình giảm khi người dân đang nỗ lực duy trì chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu như điện, tiền thuê nhà, thực phẩm và sức khỏe. Trong quý IV/2023, tỷ lệ lạm phát của Australia ở mức 4,1%, giảm từ mức 5,4% trong quý III và thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 4,3%, đây cũng là con số thấp nhất kể từ quý IV/2021. Nhìn chung, trong năm 2023, nền kinh tế Australia đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức, khiến nhiều người dân phải thay đổi thói quen tiêu dùng trước đây.
- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia trong giai đoạn 2013 – 2023
(ĐVT: Triệu USD)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Australia tương đối đa dạng, trong đó, tỷ trọng lớn nhất là các sản phẩm điện thoại và linh kiện, máy móc, linh kiện điện tử, máy vi tính, dầu thô, dệt may, giày dép, thuỷ hải sản … Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Australia các sản phẩm than đá, quặng sắt, bông, lúa mỳ, kim loại, rau quả …
Riêng lĩnh vực thủy sản, hiện nay Việt Nam đang giữ vị trí số 1 tại thị trường Australia với đa dạng các sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường này. Kết quả có được phần lớn là nhờ tận dụng có hiệu quả các hiệp định FTA với thị trường Australia gồm AANZFTA, CPTPP và RCEP. Đặc biệt là Hiệp định CPTPP đã mang lại cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam những ưu đãi lớn, vì vậy các sản phẩm thủy sản như tôm, cá tra, hải sản của Việt Nam khi nhập khẩu vào Australia đều được hưởng mức thuế 0%. Nếu Hiệp định CPTPP và AANZFTA giúp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế quan thì Hiệp định RCEP lại giúp doanh nghiệp tận dụng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, điều này đã giúp tăng trưởng xuất khẩu giữa Việt Nam và Australia luôn ở mức cao. Trong các ngành hàng thế mạnh đang có tiềm năng xuất khẩu lớn sang thị trường Australia, mặt hàng nông sản được đánh giá cao với nhiều triển vọng để tăng trưởng trong các năm tới. Nguyên nhân chính là do nhu cầu của người tiêu dùng Australia đối với các sản phẩm nông sản như cà phê, gạo, gia vị, trái cây ... đang ngày càng lớn; trong khi đó, các mặt hàng nông sản của hai nước cũng không có sự cạnh tranh với nhau nên cơ hội xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt tại Australia lại càng lớn.
Trong tháng 02/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia đạt 386,1 triệu USD, tăng 7,62% so với cùng kỳ năm 2023; tính riêng hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận mức tăng đáng kể so với 2 tháng đầu năm 2023 là 14,48%, đạt 880,8 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 19,99%); Hàng dệt, may (chiếm tỷ trọng 9,81%) và Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 9,22%). Australia là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới, thậm chí một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải chuẩn bị đơn hàng rất kỹ càng trước khi xuất khẩu sang thị trường này. Australia cũng được biết đến là một thị trường có nhiều yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao, quy trình nhập khẩu nghiêm ngặt; các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều quy định về nhập khẩu như chính sách thuế và thuế suất, quyền sở hữu trí tuệ cũng là trở ngại không hề nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Người tiêu dùng tại Australia rất coi trọng các sản phẩm dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường, vì vậy doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang Australia cũng cần lưu ý về quy định môi trường và bền vững.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Australia trong tháng 02/2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong tháng 02/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Australia đạt 546,6 triệu USD, giảm 19,15% so với cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức tăng 7,65% so với 2 tháng đầu năm 2023, đạt 1,27 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Than các loại (chiếm tỷ trọng 42,82%); Quặng và khoáng sản khác (chiếm tỷ trọng 13,85%) và Bông các loại (chiếm tỷ trọng 10,87%).
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Australia trong tháng 02/2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong năm 2023, đối với thị trường Australia, Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ 14 doanh nghiệp tham gia đề án "Tổ chức tham gia Hội chợ International Sourcing Expo Australia (ISEA) và giao dịch thương mại tại thị trường Australia" do Hiệp hội Dệt may Việt Nam làm đơn vị chủ trì tại thành phố Melbounce, Australia. Đầu tháng 3/2024, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) và Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia tại Việt Nam (Austrade) đã ký kết Bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư giữa hai quốc gia. Theo đó, Việt Nam và Australia tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, tạo cơ hội, kết nối doanh nghiệp hai bên tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu; trao đổi các phái đoàn thương mại; thúc đẩy công nghệ thông tin và chuyển đổi số … Trong năm 2024, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại sẽ triển khai hai đề án tại thị trường Australia, gồm:
Đề án "Tổ chức tham gia Hội chợ International Sourcing Expo Australia kết hợp khảo sát thị trường dệt may Australia" do Hiệp hội Dệt may Việt Nam làm đơn vị chủ trì, dự kiến triển khai vào tháng 11-2024 tại thành phố Melbourne, Australia;
Đề án "Tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại Australia và New Zealand" do Hiệp hội Cao su Việt Nam làm đơn vị chủ trì, dự kiến triển khai vào quý IV-2024 tại Australia và New Zealand.
Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam tại Australia trong quá trình cung cấp thông tin cập nhật về tình hình thị trường Australia; những cơ hội, thách thức khi xuất khẩu sang thị trường này; đồng thời đưa ra những khuyến nghị hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường năng lực, sức cạnh tranh, thương hiệu để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sang thị trường Australia.
Trong năm 2024, Thương vụ Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động các công tác nắm bắt cập nhật thông tin thị trường, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (AANZFTA, CPTPP, RCEP) nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Vai trò của các FTA trong sự phát triển hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Australia là rất quan trọng, vì vậy Bộ Công thương, Thương vụ tại Australia khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nghiên cứu kỹ các thông tin về thị trường, tập trung vào nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, pháp luật nước sở tại ... đối với các sản phẩm doanh nghiệp có ý định xuất khẩu, để từ đó tận dụng có hiệu quả các ưu đãi từ Hiệp định.
Nguồn:Vinanet/VITIC