menu search
Đóng menu
Đóng

Tình hình hợp tác thương mại song phương Việt Nam - EU

16:22 29/07/2024

Năm 2024, hoạt động thương mại song phương Việt Nam – EU ghi nhận khởi đầu khả quan khi tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tích cực, bất chấp kinh tế khu vực vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, bất ổn.
 
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 chiều giữa Việt Nam và EU 6 tháng năm 2024 đạt gần 32,39 tỷ USD, tăng 13,5% so với 6 tháng năm 2023; trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng 15,4%, đạt trên 24,69 tỷ USD, nhập khẩu tăng 7,7%, đạt trên 7,69 tỷ USD. Như vậy, 6 tháng năm 2024 Việt Nam xuất siêu sang EU gần 17 tỷ USD, tăng 19,2% so với 6 tháng năm 2023.
Riêng tháng 6/2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với EU đạt trên 5,59 tỷ USD, tăng 4,9% so với tháng 5/2024. Trong tháng 6/2024, Việt Nam xuất siêu sang EU 2,97 tỷ USD, tăng 13,9% so với tháng 5/2024.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang EU trong tháng 6/2024 đạt trên 4,28 tỷ USD, tăng 7,85% so với tháng 5/2024 và tăng 19,54% so với tháng 6/2023. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm 2023.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU vào Việt Nam trong tháng 6/2024 đạt trên 1,31 tỷ USD, giảm 3,7% so với tháng 5/2024 và giảm 5,85% so với tháng 6/2023. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường EU đạt trên 7,69 tỷ USD, tăng 7,71% so với cùng kỳ năm 2023.
Tình hình hợp tác đầu tư giữa Việt Nam – EU
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN với kim ngạch hai chiều đạt 296,87 tỷ USD năm 2023, đồng thời cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu vào khu vực Đông Nam Á. ASEAN - EU là minh chứng của mối quan hệ đối tác giữa hai tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới trong phát triển hợp tác đa phương, thúc đẩy thương mại tự do trên cơ sở chia sẻ các giá trị và lợi ích chung.
Là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam hiện có điều kiện thuận lợi để triển khai hợp tác kinh tế, thương mại với các đối tác EU, nhất là khi Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong ASEAN và có ưu thế lớn từ Hiệp định EVFTA.
Trong vai trò là nước điều phối quan hệ hợp tác kinh tế ASEAN – EU và là nước đang phát triển đầu tiên ký kết và đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại tự do với EU, Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Bên, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, góp phần duy trì ổn định và tính đa dạng của chuỗi cung ứng kết nối nền kinh tế hai khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và EU.
Các hoạt động xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và EU
EU luôn là một trong những thị trường trọng điểm cho triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) của Bộ Công Thương. Đặc biệt, từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, hàng loạt sự kiện xúc tiến tiêu thụ, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và nhà nhập khẩu EU đã được thực hiện có hiệu quả.
Năm 2024, thành phố Hà Nội có kế hoạch tổ chức 60 sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài nước, trong đó có từ 8-10 sự kiện tổ chức ở nước ngoài, tổng kinh phí 180 tỷ đồng.
Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai công tác xúc tiến thương mại. Trong đó, tiếp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần tại thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, đột phá tại thị trường mới như châu Mỹ La tinh, thị trường Halal… Tập trung xúc tiến kết nối giao thương giữa doanh nghiệp thành phố và doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI và kết nối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Cùng đó, hỗ trợ tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn nhằm hỗ trợ cho nhóm sản phẩm chủ lực và nhóm sản phẩm bị sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong năm vừa qua.
Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, hàng năm có khoảng 10-15 đề án XTTM, kinh phí trung bình khoảng 20 tỷ đồng trực tiếp hỗ trợ hoặc hướng dẫn các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng… tham gia. Sự xuất hiện thường xuyên, liên tục của doanh nghiệp Việt Nam tại các hội chợ chuyên ngành quy mô lớn đã tạo hiệu ứng lan tỏa, tích cực, dần xây dựng uy tín, hình ảnh sản phẩm Việt Nam tại thị trường EU.
Các chính sách
EU gia hạn biện pháp tự vệ mặt hàng thép đến tháng 6/2026
EU công bố quy định về việc gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép đến tháng 6/2026, trong đó Việt Nam cũng là một trong số các nước xuất khẩu sang EU chịu ảnh hưởng của việc gia hạn quy định này.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho biết ngày 25/6, Ủy ban châu Âu (EU) đã công bố quy định về việc gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép thêm hai năm nữa, cho đến tháng 6/2026. Quy định này cũng điều chỉnh chức năng của biện pháp này để phù hợp với điều kiện thị trường.
Quyết định này diễn ra sau cuộc điều tra do 14 quốc gia thành viên EU yêu cầu, cho thấy biện pháp tự vệ tiếp tục cần thiết để ngăn ngừa hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thép của EU. Ngoài ra, nó cho thấy ngành công nghiệp EU đang điều chỉnh để đáp ứng mức nhập khẩu cao hơn.
Việc kéo dài và điều chỉnh quy định được chứng minh qua sự kết hợp của các yếu tố gây áp lực nhập khẩu đáng kể trên thị trường liên minh: Mức dư thừa thép toàn cầu cao và sự gia tăng xuất khẩu từ Trung Quốc sang các nước thứ ba, đặc biệt là ở châu Á, dẫn đến xuất khẩu tăng từ các nước thứ ba đó sang EU.
Điều tra của EU cho biết “Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã đạt được tốc độ tăng trưởng công suất từ 35% đến 95%, trong khi nhu cầu thép giảm hoặc tăng nhẹ… và một số nền kinh tế khác ở Trung Đông, Nam Á và Bắc Phi cũng đang chứng kiến mức tăng trưởng mất cân đối (ví dụ: Iran, Pakistan và Algeria).”
Bên cạnh đó, số lượng các biện pháp phòng vệ thương mại và các biện pháp hạn chế thương mại khác do các nước thứ ba khác áp đặt ngày càng tăng gây chuyển hướng xuất trực tiếp hoặc gián tiếp vào EU như Mục 232 của Hoa Kỳ đối với một số sản phẩm thép và biện pháp khác một số nước áp dụng.
Chẳng hạn, tháng 8/2023, Mexico đã tăng thuế nhập khẩu từ 15% lên 25% đối với một số sản phẩm thép. Tháng 2/2024 Brazil tăng thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm thép...
Nhu cầu ở EU giảm đáng kể. Chủ tịch tại Ủy ban Thép OECD tháng 3/2024 dự báo năm 2024 và 2025 tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu sẽ tiếp tục rất chậm chạp. EUROFER chỉ ra sự bất ổn kinh tế đang diễn ra sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng thị trường thép trong các quý sắp tới năm 2024
Các điều chỉnh kỹ thuật sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2024. Biện pháp này sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2026, tám năm sau khi được áp dụng lần đầu tiên, đây là thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tối đa được phép theo quy định của EU và WTO. Ủy ban vẫn có thể xem xét việc thực hiện biện pháp này trước ngày 30/6/2026 nếu thấy cần điều chỉnh thêm.
Việt Nam cũng là một trong số các nước xuất khẩu sang EU chịu ảnh hưởng của việc gia hạn quy định này.

Nguồn:Vinanet/VITIC